Phóng viên chiến trường nổi tiếng thế giới xác định theo nghề báo khi ở Việt Nam

Talk Vietnam-Thứ sáu, ngày 16/10/2015 06:00 GMT+7

Từ trái sang phải: Jim Laurie của JMSC News, phóng viên ảnh nổi tiếng Nick Ut và Peter Arnett. (Ảnh: AJ Libunao/JMSC)

VTV.vn - Việt Nam chính là nơi Peter Arnett bước vào nghề báo để rồi sau này trở thành một trong những phóng viên chiến trường nổi tiếng nhất thế giới.

Sang Việt Nam năm 27 tuổi, Peter Arnett sau đó đã dành 13 năm lăn lộn tại chiến trường Việt Nam với tư cách là phóng viên hãng thông tấn AP. Chia sẻ tại chương trình Talk Vietnam khi làm nhân vật khách mời cho chương trình, Peter nói mỗi lần trở lại Việt Nam, ông luôn nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ ông đã trải qua tại đây và với Peter, Việt Nam đã giúp ông trưởng thành.

“Tôi đã trưởng thành rất nhanh” – Peter Arnett nói – “Tôi được học nhiều về nghề báo và cũng tại đây, tôi được chứng kiến sự dũng cảm của các đồng nghiệp khi dấn thân ra chiến trường và đối mặt với cái chết. Đây là nơi tôi đã xác định theo đuổi nghề báo”.

Trong cuộc đời làm báo của mình, Peter Arnett đã nhận nhiều giải thưởng, trong đó có giải Pulitzer 1966 cho những tin bài đưa từ chiến trường Việt Nam. Trong 13 năm lăn lộn tại chiến trường ác liệt này, Peter Arnett đã viết hơn 3.000 bài báo. Trước câu hỏi những phóng viên như ông đóng vai trò như thế nào trong việc kết thúc chiến tranh tại Việt Nam, Peter Arnett trả lời: “Đối với chúng tôi, nhiệm vụ chính khi ấy là chỉ ra rằng những gì diễn ra ở Việt Nam là không ổn chút nào và thuyết phục chính phủ Mỹ phải tìm ra giải pháp khác”.

“Mỹ đã cố bám trụ với kế hoạch của mình nhưng rồi cũng phải ký hiệp định với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đồng ý rút quân. Tuy nhiên, chiến tranh đã không kết thúc như mong đợi” – Peter nói tiếp – “Mặc dù họ đồng ý chấm dứt chiến tranh nhưng cuộc chiến đã không kết thúc ngay”.

“Tôi coi công việc đưa tin về chiến tranh ở Việt Nam như một nhiệm vụ lớn. Tôi đã viết hơn 3.000 bài về cuộc chiến này nên việc chỉ ra đâu là tin bài quan trọng nhất là một việc không thể. Tôi cho rằng khi tổng hợp lại tất cả những bài viết của tôi thì sẽ rút ra được một kết luận không tránh khỏi đó là Mỹ sẽ thua trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.

Sau khi hòa bình lặp lại, Peter đã rất nhiều lần trở lại Việt Nam. Mỗi lần trở lại ông đều tới thăm Dinh Độc lập (nay là Dinh Thống nhất) – nơi mà như Peter Arnett chia sẻ, ông không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần tác nghiệp tại địa điểm này.

“Tôi trở lại đây để nhớ về những người bạn cũ, đặc biệt là những đồng nghiệp đã nằm lại nơi chiến trường” – Peter Arnett nói – “Văn phòng của chúng tôi có 4 nhiếp ảnh gia thiệt mạng và 18 người bị thương trong cuộc chiến. Nhiều người khác cũng đã bỏ mạng. Vì vậy, tôi trở lại để tưởng nhớ họ. Tôi tin rằng nếu họ còn sống thì họ cũng đã tiếp tục sự nghiệp phóng viên, cũng giống như tôi và nhiều đồng nghiệp khác”.

Để nghe nhiều hơn những chia sẻ của Peter Arnett tại Talk Vietnam, bạn hãy xem trong video dưới đây:

 

Talk VietNam: Ký ức Việt Nam của Peter Arnett

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước