Đóng cửa rừng: Đại ngàn Tây Nguyên sẽ ngừng "chảy máu"?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 24/06/2016 06:10 GMT+7

VTV.vn - Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, chính sách đóng cửa rừng nếu được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt sẽ có lợi cho dân cho nước.

Đóng cửa rừng hay ngừng khai thác rừng tự nhiên là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với một số tỉnh Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, ngoại trừ những dự án liên quan đến an ninh quốc phòng. Chỉ đạo này cũng đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang cây công nghiệp mà các địa phương đã thực hiện và gặp thất bại trong những năm qua.

Đánh giá về chủ trương này của Chính phủ, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định nếu được thực hiện, chính sách đóng cửa rừng sẽ có lợi cho dân cho nước.

"Đảng và Chính phủ đã thực hiện chủ trương này từ năm 1992. Thời điểm đó, diện tích rừng ở mức thấp nhất, độ che phủ chỉ còn 27%. Ngành lâm nghiệp đã báo cáo Chính phủ không còn năng lực để đảm bảo phát triển bền vững môi trường đất nước. Do vậy, Chính phủ đã có một quyết định khiến cả thế giới khâm phục. Đó là chương trình 327, bỏ ra 52 triệu USD để thực hiện đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hướng tới đóng cửa rừng tự nhiên", GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho biết.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hai nguyên nhân chính dẫn tới chảy máu rừng Tây Nguyên là chuyển đổi và phá rừng. Cụ thể, các địa phương đã chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả; chuyển đất rừng sang mục đích khác như giao thông, công trình công cộng, thủy điện...., còn lại là bởi phá rừng. Như vậy, nói một cách khác, việc mất rừng là do tự phá hoặc phá theo chủ trương của tỉnh. Hiện tượng này buộc các cơ quan chức năng cần có giải pháp để xử lý triệt để.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước