The Revenant: Không trao Oscar cho Leo thì trao cho ai?

Kim Minh-Thứ sáu, ngày 29/01/2016 08:15 GMT+7

VTV.vn - Có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi như thế sau khi xem xong The Revenant (Người về từ cõi chết). Phim vừa được công chiếu ở Việt Nam tối qua, 28/1.

Màn "độc diễn" của Leo

Sau một cuộc tấn công của người Mỹ bản địa, Hugh Glass (do Leonardo DiCaprio thủ vai) cùng 8 người sống sót phải tìm đường trở về ở một vùng đất chưa có trên bản đồ. Trong hành trình đó, Hugh bị một con gấu xám khổng lồ tấn công, bị John Fitzgerald, kẻ nhận nhiệm vụ ở lại chăm sóc anh đến lúc chết, chôn sống để đổi lấy 300 USD.

Nỗi đau vì mất con trai, những vết thương rùng rợn trên khắp thân thể, cái lạnh tàn bạo ở miền Tây đã không thể quật ngã được ý chí và bản năng sống sót kì diệu của Hugh. Người thợ săn đã băng qua quãng đường dài tới 200 dặm (khoảng gần 322 km) để trở về và báo thù kẻ đã giết chết con trai mình, John Fitzgerald.

Nếu một trong những tiêu chí của Oscar là hy sinh cho vai diễn thì việc lao động dưới cái lạnh -25 độ C trong khoảng 11 tháng với vô vàn những cảnh quay man rợ dưới tuyết lạnh có thể đưa Leonardo DiCaprio đến bức tượng vàng gần hơn bao giờ hết. Trong một cuộc phỏng vấn sau khi phim kết thúc, Leo cho biết, anh sẽ không làm một phim như The Revenant lần thứ hai bởi 11 tháng làm phim, anh đã phải trải qua những điều “không thể tưởng tượng nổi” với một diễn viên dày dạn kinh nghiệm và làm quen với ống kính từ khi còn là một cậu bé.

“Bạn phải dầm mình trong dòng sông đầy băng không chỉ một ngày, hai ngày mà trong cả tuần, thậm chí còn hơn thế chỉ để cho một cảnh quay. Vì phim quay bằng ánh sáng thực và theo đúng diễn biến của hành trình trở về, chúng tôi phải canh để có ánh sáng phù hợp nhất. Nếu hôm nay chưa được, ngày mai mọi chuyện lại diễn ra tương tự đến khi xong mới thôi”, Leo cho biết trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ Telegraph.

Cuộc sống hoang dã ở những nơi chưa từng có tên trên bản đồ được đạo diễn Alejandro G. Iñárritu khai thác tới tận cùng với những cảnh quay thật. Hugh Glass trong phim bị gấu tấn công, suýt bị xé xác; ăn cá sống, ăn nội tạng động vật, vùi mình trong xác một con ngựa sau khi moi hết nội tạng ra ngoài để tránh rét, thả mình trôi trên dòng sông đầy băng tuyết để sinh tồn. Leo nhấn mạnh, những trải nghiệm đó anh thực sự chỉ có với The Revenant.

Bên cạnh thử thách về thể chất, một điểm dễ dàng nhận thấy, Hugh Glass khác biệt với những vai diễn trước đây của Leo trong tổng thể một phong cách làm phim cũng hoàn toàn khác so với những bộ phim mà nam tài tử này từng tham gia.

Thay vì diễn tả tâm lý nhân vật qua lời thoại, thậm chí là rất nhiều lời thoại như Jordan Belfort trong Wolf of Wall Street, Leonardo DiCaprio phải biểu lộ cảm xúc và suy nghĩ mà rất ít khi dùng tới lời nói. Cuộc chiến sinh tồn, sự căm thù, nỗi đau, tột cùng của mất mát đòi hỏi những biểu cảm không lời dữ dội. Đạo diễn Alejandro G. Iñárritu đã dùng rất nhiều cảnh quay cận vào ánh mắt, gương mặt của Leo. Gương mặt méo mó vì đau đớn, ánh mắt uất hận vì sự bất lực, sự căm thù của Hugh khi cận kề cái chết, phải chứng kiến cảnh kẻ thù giết chết con trai mình là một trong số đó.

Trong quá trình quảng bá phim, khi được hỏi về giải Oscar, Leonardo thừa nhận, việc đó nằm ngoài sự kiểm soát của bản thân anh. Trao tượng vàng cho ai là quyết định của Viện Hàn lâm nhưng rõ ràng với Hugh Glass, nam tài tử của Titanic, Wolf of Wall Street, Shutter Island một lần nữa đã khiến những người yêu mến anh thỏa mãn. Tất nhiên sự thỏa mãn này ở một mức độ cao hơn khi biết rằng bên cạnh vai diễn tâm thần phân liệt, điên rồ hết mức trong như Wolf of Wall Street, anh vẫn có thể khiến người xem “thấy đã” vì những vai diễn hoàn toàn mới trong một style làm phim hoàn toàn khác.

Bài ca về sự sinh tồn, bức tranh đẹp đẽ và khắc nghiệt

Hành trình trở về của Hugh Glass là bài ca về bản băng sinh tồn của con người, cũng là thông điệp xúc động về sức mạnh của niềm tin và hy vọng thông qua một chiến đẫm máu và tàn bạo giữa con người với con người và con người với tự nhiên.

Điều khiến phim hấp dẫn là nó khiến người xem đối mặt với cuộc sống hoang dã không khác gì cầm thú của con người trong bối cảnh miền Tây nước Mỹ những năm đầu thế kỷ 19 một cách không khoan nhượng. Trong bối cảnh ấy, những khoảnh khắc ảo ảnh, đẹp đẽ của tình yêu hiện về, vừa mong manh, chập chờn nhưng lại có sức cứu dỗi và đem lại ánh sáng về hy vọng.

Một trong những điểm nhấn khác của phim là dù bối cảnh khắc nghiệt, phim vẫn đẹp như một bức tranh nhờ vào những cảnh quay góc rộng với ánh sáng thực, đẹp đến khó tin. Một vùng tuyết trắng hiện lên như tranh vẽ, những thân cây thẳng tắp, vươn thẳng lên trời cao, những vũng máu trên tuyến và cả đốm người trên nền thiên nhiên mênh mông… Phim cũng đầy những cảnh quay dài, những cú lia máy dữ dội thể hiện trực diện cuộc tấn công vì sinh tồn của con người.

Làm nền cho tất cả là thứ âm thanh dồn dập của tiếng trống, một thứ âm thanh đã trở nên ám ảnh với những trường đoạn con người đứng giữa sự sống và cái chết. Khi tiếng trống dứt, con người chìm vào ảo giác, đó là lúc một giai điệu cổ xưa vang lên thì thầm, êm ái nhưng cũng không kém phần mãnh liệt.

Bộ phim được khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 05/02/2016 trên các rạp toàn quốc.

Trailer phim The Revenant

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước