Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa kết thúc thành công tốt đẹp với điểm nhấn là phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, thẳng thắn và không kém phần kịch tính. Chỉ trong 2 ngày rưỡi, đã có 133 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm.
Bên cạnh những con số ấn tượng ấy, cử tri và Nhân dân cả nước, thông qua sóng truyền hình trực tiếp của VTV1, có thể cảm nhận không khí nghị trường nóng bỏng khi chứng kiến phần hỏi đáp của các đại biểu Quốc hội và các trường ngành, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã lựa chọn 4 lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải. Có thể thấy sự lựa chọn nội dung chất vấn là "trúng và đúng", vừa có tính thời sự, cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài trong bối cảnh đất nước đang phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Với hơn 160 lượt chất vấn và tranh luận, các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong chất vấn và trả lời chất vấn, qua đó làm sáng tỏ nhiều vấn đề được Nhân dân và cử tri cả nước quan tâm.
Các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội.
Các vấn đề nổi cộm đều được các đại biểu Quốc hội đề cập như: giải pháp ổn định thị trường tiêu thụ nông sản, tình trạng được mùa mất giá… ở lĩnh vực nông nghiệp; giá xăng dầu, giá sách giáo khoa… ở lĩnh vực tài chính; sự chênh lệch bất thường của giá vàng, an toàn thông tin tài khoản tiền gửi… ở lĩnh vực ngân hàng; việc triển khai thu phí không dừng, các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ… ở lĩnh vực giao thông vận tải.
Đáng chú ý, nhiều nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cùng tranh luận với các trường ngành để làm rõ tận cùng vấn đề, thể hiện không khí cởi mở, dân chủ, thẳng thắn.
Liên quan đến vấn đề giá sách giáo khoa cao đang được nhân dân cả nước đang rất quan tâm trong thời gian qua, nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu ra những giải pháp để giải quyết.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) kể câu chuyện, hơn 2 năm trước, Bộ Tài chính được yêu cầu tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể tình hình triển khai thực hiện Luật giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá nhưng đến nay Bộ chưa hoàn thành.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Giá cũng đang trong quá trình sửa đổi và qua nghiên cứu, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sẽ sửa đổi thời gian tới nhưng quyết định vẫn là của Quốc hội.
Chưa hài lòng về câu trả lời này, đại biểu Châu Quỳnh Dao phát biểu tranh luận: Tại sao 2 năm qua, dù có nhiều kiến nghị về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá nhưng Bộ Tài chính chưa trả lời?
"Nguyên nhân vì sao khó khăn khi các đại biểu Quốc hội đề xuất vấn đề này? Đến khi nào giá sách giáo khoa mới đảm bảo được hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và phụ huynh?" - đại biểu Châu Quỳnh Dao đặt câu hỏi.
Tiếp tục tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ sự ngạc nhiên khi nghe được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói về việc thẩm định giá áp dụng đối với loại hàng chỉ mua bằng ngân sách nhà nước.
"Tiền từ người dân, nhất là của dân nghèo, những gia đình có con đi học cũng rất quý. Như đại biểu Quỳnh Dao chia sẻ, đây là câu chuyện lâu rồi. Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội sớm đưa sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc biệt, phải được thẩm định giá và cần có sự trợ giá sách giáo khoa cho học sinh ở các vùng khó khăn càng sớm càng tốt" - đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Luật Giá cần được sửa đổi một cách tốt nhất, để phục vụ Nhân dân, phục vụ những gia đình có con đi học.
Trước ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ triển khai các biện pháp bình ổn giá sách giáo khoa ngay khi được bổ sung vào danh mục nhà nước định giá trong Luật giá.
Câu chuyện giá vàng miếng SJC chênh lệch bất thường là đề tài nóng được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đặt câu hỏi về diễn biến không bình thường của thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước. Giá vàng tại Việt Nam với giá vàng trên thị trường thế giới, giữa giá vàng miếng SJC và các thương hiệu khác chênh lệch quá cao, có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng.
"Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra yếu tố hình thành giá vàng biến động bất thường hay chưa. Liệu có sự bắt tay, thao túng giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không? Đến thời điểm nào Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 để xử lý căn cơ các vấn đề bất cập của hoạt động kinh doanh vàng thời gian qua?" – đại biểu Nguyễn Phương Thủy chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đây là một câu hỏi chất vấn vừa khó vừa hay.
Tham gia tranh luận về vấn đề giá vàng, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, có lẽ Việt Nam là nước duy nhất đi ngược đời với thế giới về giá vàng.
"Khi giá vàng thế giới giảm thì chúng ta lại tăng, có những thời điểm khoảng cách gần 20 triệu. Đây là chuyện không thể chấp nhận được. Liệu sau việc này có làm lợi cho tổ chức, doanh nghiệp nào hay không?" - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh đặt câu hỏi.
Về nguyên nhân tình trạng này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phân tích, do nguồn cung vàng miếng trong nước bị giảm đi, biến động giá vàng thế giới khiến bản thân các doanh nghiệp vàng miếng trong nước lo ngại rủi ro, do đó niêm yết giá khá cao.
SJC là thương hiệu vàng được người dân ưa chuộng hơn cả nên niêm yết giá cao, mua cao và bán cao trong khi các thương hiệu vàng khác mua thấp, bán thấp.
Ghi nhận ý kiến của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ rà soát, đánh giá kỹ vấn đề này trong tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
"Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và lựa chọn thuê SJC sản xuất. Trong quá trình tổng kết, đánh giá Nghị định 24 trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các đại biểu. Đồng thời cũng sẽ xin ý kiến rộng rãi để lựa chọn nhiều thương hiệu khác cùng sản xuất vàng miếng hay là một thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước.
Lúc đó chúng tôi sẽ đánh giá, phân tích tác động và xin ý kiến chắc chắn sẽ xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.
Để làm nên sự thành công và tính hấp dẫn của phiên chất vấn, không thể không nhắc đến sự điều hành của chủ tọa - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Sự dẫn dắt linh hoạt, đảm bảo các câu hỏi, câu trả lời đúng trọng tâm của Chủ tịch Quốc hội đã mang đến những ngày chất vấn hấp dẫn, không khí tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, đi đến cùng vấn đề.
Tại phiên chất vấn, chủ tọa theo dõi hết sức kỹ lưỡng từng câu hỏi chất vấn của đại biểu và câu trả lời của các Bộ trưởng để kịp thời đưa ra chỉ đạo, điều hành, qua đó giải quyết tận cùng vấn đề. Khi là những lời nhắc nhở nhẹ nhàng, khi lại là những chỉ đạo nghiêm khắc, quyết liệt nhằm mang tới phiên chất vấn hiệu quả, chất lượng, sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở các lĩnh vực.
Trước câu hỏi "Bao giờ kết thúc điệp khúc được mùa mất giá", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định sẽ làm hết trách nhiệm nhưng nếu có sự vào cuộc của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét câu trả lời: "Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng với trách nhiệm quản lý nhà nước và tư lệnh ngành, lĩnh vực. Nếu Bộ trưởng trả lời rằng, để giải quyết điểm nghẽn, ách tắc ở đâu thì hỏi địa phương, vậy vai trò của Bộ Nông nghiệp ở đâu?".
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời thẳng, cụ thể thực trạng đang thế nào, người nông dân trông chờ điều gì, chủ trương, Nghị quyết đã có, Bộ trưởng có định hướng là gì và làm như thế nào.
"Đại biểu Trần Thị Hoa Ry nói về giá vật tư nông nghiệp tăng cao, được mùa mất giá thì nghẽn ở đâu, khi nào giải quyết được? Bảo hỏi địa phương thì không cần buổi chất vấn này" - Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Còn tại phiên chất vấn về lĩnh vực tài chính, liên quan đến việc giảm thuế trong giá xăng dầu đang tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, còn có các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu hay thuế VAT… cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động và có báo cáo với Chính phủ để trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để có thể giảm thuế trong xăng dầu.
Biểu đồ giá xăng trong 6 tháng qua (theo TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng rà soát lại các loại thuế và phí làm rõ loại nào là trách nhiệm của Quốc hội, loại nào là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và loại nào là của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, biểu thuế xuất nhập khẩu trong công thức giá cơ sở là trách nhiệm của ai? Không phải thuế nào cũng là Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc nhở Bộ trưởng có nhiệm kỳ nhưng quản lý nhà nước là liên tục cho nên những vấn đề trước đây đã có văn bản dù là thời kỳ nào đi nữa thì cũng mong Bộ trưởng chỉ đạo để rà soát những nội dung nhất là những nhiệm vụ mà trước đây chưa hoàn thành hoặc là chưa thực hiện.
"Những vấn đề về thuế dù thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ hay của Chính phủ hay là của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đều cần phải có đề xuất từ Bộ quản lý nhà nước. Hiện nay, cử tri và người dân đang trông chờ phản ứng chính sách này, vì vậy, đề nghị Bộ trưởng quan tâm và thể hiện quan điểm, nguyên tắc đã trả lời bằng những văn bản, những đề xuất rất cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền xem xét để quyết định" - Chủ tịch Quốc hội lưu ý với Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Không chỉ có sự chỉ đạo quyết liệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thể hiện sự cảm thông, chia sẻ về sức nóng của người được chất vấn.
"May mắn" là cảm xúc Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại phiên chất vấn lĩnh vực vận tải – lĩnh vực nóng với nhiều vấn đề như việc triển khai thu phí không dừng, các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ… Trưởng ngành giao thông chia sẻ là ông "được" Quốc hội chọn để chất vấn, không phải "bị" chất vấn.
Điều đó cho thấy tinh thần thẳng thắn, sẵn sàng đối diện với áp lực của các bộ trưởng, trưởng ngành từ những câu hỏi khó được đại biểu đặt ra.
Tại các phiên chất vấn, cử tri luôn mong muốn nhận được những trả lời thẳng thắn từ phía các Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề rất nóng mà cử tri rất quan tâm.
Các Bộ trưởng dù lần đầu trả lời chất vấn như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc hay Bộ trưởng nhiều kinh nghiệm trả lời chất vấn như Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đều thể hiện bản lĩnh, nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách thẳng thắn, không vòng vo, né tránh nhiều vấn đề khó, phức tạp, trong đó có những vấn đề đã tồn tại qua nhiều kỳ họp đã được trả lời một cách tương đối đầy đủ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã tham gia giải trình nghiêm túc, giúp làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã cho thấy nắm rõ tình hình, thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. Nhìn chung Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trả lời đầy đủ, bao quát các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra và bảo đảm bảo đảm quy định về thời gian, đồng thời gợi mở nhiều định hướng lớn và đề xuất một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực này trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu ra những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, cân đối nguồn thu và sớm ổn định thị trường bất động sản….
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tuy mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nhưng đã có nhiều năm công tác tại Ngân hàng Nhà nước nên đã chuẩn bị kỹ lưỡng và nắm chắc các vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, đã trả lời thẳng vào vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đề xuất một số giải pháp tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua như về vấn đề xử lý nợ xấu, chênh lệch giá vàng miếng...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giữ cương vị đứng đầu ngành Giao thông vận tải từ nhiệm kỳ Khóa XIV, là một trong các Bộ trưởng có kinh nghiệm và nắm chắc thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý. Với tinh thần cầu thị, Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, mỗi một vấn đề đều có định hướng, đề xuất phương án cụ thể để xử lý trong thời gian tới. Với những mặt còn tồn tại, Bộ trưởng cũng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm đồng thời đưa ra các giải pháp thuyết phục.
Có thể nói, phiên chất vất và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã cho thấy nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành trong công tác chỉ đạo điều hành và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Nhưng điều quan trọng, sau phiên chất vấn, cử tri rất trông đợi ở hành động kịp thời, cụ thể của các cơ quan liên quan, nhất là các bộ trưởng, trưởng ngành trong thực hiện lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!