"iPhone là thứ đầu tiên tôi nhìn thấy vào buổi sáng, khi nó đánh thức tôi dậy sau một giấc ngủ dài. Và nó cũng thường là vật cuối cùng mà tôi nhìn thấy về ban đêm, khi tôi kiểm tra email hoặc chơi một trò chơi nào đó trước khi chìm vào giấc ngủ.
Tôi không rõ khi nào iPhone lại trở nên quan trọng với cuộc sống của mình như vậy. Trên thực tế, có thể nói rằng 10 năm qua là thập kỷ của iPhone khi nó trở thành xu hướng, giúp tạo ra các tập đoàn tỷ đô, sắp xếp lại nhiều ngành công nghiệp và thay đổi thế giới", trang CNBC bắt đầu bài viết về iPhone khi mà thế giới sắp kết thúc thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21.
Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007
iPhone được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2007. Đến những ngày đầu của thập kỷ thứ 2, nó vẫn chỉ là một sản phẩm ngách, phân phối qua nhà mạng và chủ yếu nhắm đến đối tượng là những người dùng yêu công nghệ. Quý I/2010, thống kê cho thấy Apple chỉ bán được 8,7 triệu chiếc iPhone. Song đến quý đầu tiên của năm 2018, đã có 47 triệu chiếc iPhone được bán ra trong 3 tháng đầu năm.
Ước tính, Apple đã bán được 1,4 tỷ chiếc iPhone trong thập kỷ này. Và nếu theo số liệu tính đến cuối năm 2019, đã có khoảng 1,6 tỷ chiếc iPhone đến tay người dùng trong 10 năm qua. Táo khuyết cho biết hiện có hơn 900 triệu chiếc iPhone đang được sử dụng.
Trong 10 năm qua, iPhone được xem là "con gà đẻ trứng vàng" giúp Apple chuyển mình từ một công ty máy tính với mảng kinh doanh phụ bán máy nghe nhạc (iPod) trở thành một siêu tập đoàn có giá trị nghìn tỷ đô trên thị trường chứng khoán, với hàng loạt chi nhánh trên toàn cầu, cùng 137.000 nhân viên làm toàn thời gian.
"Rõ ràng đó iPhone là sản phẩm công nghệ tiêu dùng có ảnh hưởng lớn nhất trong một thập kỷ qua", Gene Munster, nhà phân tích kiêm sáng lập Loup Ventures nhấn mạnh.
Thay đổi mọi thứ trong túi của bạn
"Thay vì quản lý công việc với lịch và các ghi chú, nay tôi sử dụng iPhone của mình. Tôi cũng không cần phải có đồng hồ báo thức nữa. iPhone thay thế các thiết bị định vị GPS trong xe hơi. Cùng với đó là máy nghe nhạc, thậm chí đèn pin cũng không còn cần thiết", CNBC cho biết.
iPhone đang thay thế cho sổ ghi chép, đông hồ báo thức, đèn pin...
Theo nhà phân tích Jeff Kagan, 15 năm trước, chúng ta sử dụng điện thoại không dây để thực hiện các cuộc gọi, thì nay nó được sử dụng cho mọi thứ. Nó kiểm soát từ xa cuộc sống của chúng ta.
Ngành công nghệ máy ảnh có lẽ ví dụ điển hình nhất cho sự tác động đến từ iPhone. Thống kê cho thấy, có đến 109 triệu chiếc máy ảnh được bán ra trong năm 2010. Nhưng đến năm 2018, chỉ 9 triệu sản phẩm được bán ra.
"Một số sản phẩm được hấp thụ, một số bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thị trường. Đây là một phần của thị trường mở", Thomas Cooke, giáo sư tại Trường kinh doanh McDonough của Đại học Georgetown cho biết sự tác động của iPhone với những ngành công nghiệp khác.
Đi liền với sự phá hủy, iPhone cũng giúp tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới.
Lyft và Uber, hai gã khổng lồ trong lĩnh vực taxi công nghệ với tổng giá trị 60 tỷ USD sẽ không thể có được ngày hôm nay nếu không nhờ vào tính năng kết nối không dây tốc độ cao và định vị GPS trên iPhone. Và nay, tính năng này đã xuất hiện trên tất cả các mẫu smartphone trên thế giới.
Đi liền với sự phá hủy, iPhone giúp tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới
"Bạn xem các tính năng trên iPhone và có thể nghĩ đến các công ty tỷ đô được tạo ra xung quanh chúng. Nó tác động đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta.
Camera trên máy ảnh, Instagram, bản đồ Google Maps, ứng dụng phân phối Grubhub… đều ra đời và làm nên ăn ra nhờ iPhone. Giao tiếp NFC đang khiến ngân hàng thay đổi từng ngày. YouTube sẽ chẳng thể có ngày hôm nay nếu không có iPhone…", Gene Munster khẳng định.
YouTube sẽ chẳng thể có ngày hôm nay nếu không có iPhone
Gene Munster
Ngoài ra, kho ứng dụng App Store trên iPhone cũng đang trở thành một lĩnh vực tỷ đô khác, khi đây là nơi mà những nhà phát triển tạo ra ứng dụng để bán cho người dùng trên toàn thế giới. Vào tháng 1 vừa qua, Apple cho biết kể từ khi ra mắt vào năm 2008, App Store đã giúp các nhà phát triển kiếm được đến 120 tỷ USD. Tính riêng trong năm 2018, con số này đã lên tới 30 tỷ USD.
Chuỗi cung ứng khổng lồ
Mặc dù ý tưởng cốt lõi của iPhone gần như không thay đổi trong suốt một thập kỷ qua, nhưng bản thân chiếc smartphone này đã trở nên mạnh mẽ hơn sau từng năm.
Đầu thập kỷ này, iPhone mạnh nhất là iPhone 3G, phiên bản thứ hai của thiết bị, nó dùng CPU Samsung một lõi chạy ở tốc độ 412MHz. Bước sang năm 2019, iPhone 11 Pro được tích hợp bộ vi xử lý 6 lõi có tốc độ lên tới 2.65GHz do chính Apple thiết kế. Theo một số thử nghiệm, hiệu suất iPhone hiện nay ngang ngửa với máy tính xách tay.
Cùng với con chip, chúng ta cũng chứng kiến sự thay đổi về chất lượng màn hình trên iPhone. Chiếc iPhone trong năm 2010 có màn hình 3,5 inch với 153.000 điểm ảnh. Nay chiếc iPhone mới nhất đã sở hữu màn hình lên đến 6,5 inch với hơn 2,6 triệu điểm ảnh.
"Tôi đang dùng iPhone 11, nếu sử dụng lại iPhone 1 hoặc 2, nó giống như quay trở về với những chiếc Model T (chiếc xe đầu tiên của Ford Motor)", nhà phân tích Jeff Kagan so sánh.
Nhà máy Science Park tại Trịnh Châu (Trung Quốc), nơi xuất xưởng hàng trăm nghìn chiếc iPhone mỗi ngày
Để có thể trình làng một mô hình mới vào mỗi năm với những nâng cấp đáng kể về cấu hình cùng với đó là số lượng lên đến hàng trăm triệu chiếc, Apple đã phải tạo lập những chuỗi cung ứng khổng lồ. Và Foxconn đỉnh cao trong chuỗi cung ứng của Táo khuyết. Năm 2017, Apple cho biết họ đã tạo và hỗ trợ đến 4,8 triệu việc làm tại Trung Quốc.
Thời đại của Tim Cook
Ngày 24/8/2011, hai tháng trước khi huyền thoại Steve Jobs qua đời, Tim Cook tiếp quản vị trí CEO Apple và tại vị cho đến ngày hôm nay.
Có rất nhiều ý kiến chê bai về một Apple kém sáng tạo trong nhiều năm qua, song dưới thời Tim Cook, hàng tỷ chiếc iPhone đã được bán ra, hàng trăm tỷ USD tiền lãi đã được Táo khuyết thu về.
Năm 2018, Apple trở thành công ty đầu tiên của Mỹ cán mốc giá trị 1.000 tỷ USD trên thị trường chứng khoán
Năm 2018, Apple trở thành công ty đầu tiên của Mỹ cán mốc giá trị 1.000 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.
"Kết quả tài chính đơn giản là kết quả của sáng tạo của Apple, ưu tiên khách hàng và sản phẩm, luôn gắn bó với giá trị thực sự", Tim Cook nói với nhân viên tại thời điểm Apple cán mốc lịch sử này.
Trong phần lớn thập kỷ qua, Apple luôn là công ty có giá trị lớn nhất thế giới trên thị trường chứng khoán. Sự thống trị của Apple chỉ đôi lúc bị ngắt quãng đến từ sự "phá bĩnh" của đối thủ Microsoft. Và mới đây, Apple chỉ chấp nhận chịu thua "trùm sò" vàng đen Saudi Aramco, khi công ty này tiến hành IPO hồi đầu tháng 12 vừa qua.
Với Tim Cook, Apple đã vươn lên đỉnh cao tài chính
Người ta ước tính rằng, nếu đầu tư 1 triệu USD vào Apple năm 2010, bạn chẳng phải làm gì cả mà vẫn có thể thu về đến 9,13 triệu USD theo giá trị trường trong tuần trước. Việc nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett nắm giữ đến 5% cổ phiếu Apple là minh chứng đủ lớn cho sự vững vàng về tài chính, cũng như tiềm năng to lớn của Táo khuyết.
Nếu đầu tư 1 triệu USD vào Apple năm 2010, bạn chẳng phải làm gì cả mà vẫn có thể thu về đến 9,13 triệu USD theo giá trị trường trong tuần trước
Nạn nhân cho sự thành công của chính mình
Apple bước vào thập kỷ tiếp theo với hành trang là danh tiếng và lợi nhuận kếch xù. Nhưng Táo khuyết đang ngày càng phải đối diện nhiều hơn các thách thức đến từ quy mô, cũng như sự thành công của chính mình.
Gần đây, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ yêu cầu các tài liệu từ Apple, cùng với các gã khổng lồ công nghệ khác như Amazon, Facebook và Google, như một phần của cuộc điều tra chống độc quyền khi mà Washington đang ngày càng trở nên hoài nghi hơn về Big Tech.
Apple của Tim Cook đang đối diện với ngày càng nhiều thách thức
Những tháng gần đây, Tim Cook cũng phải trả lời nhiều câu hỏi từ báo chí quốc tế về việc có hay không sự độc quyền đến từ Apple. Trong đó, trọng tâm là sự kiểm soát App Store đến từ Apple.
"Thật không hợp lý khi cho rằng Apple gắn với sự độc quyền", Tim Cook tuyên bố vào tháng 10 vừa qua.
Ngoài ra, các nhà hoạt động và đấu tranh vì người tiêu dùng còn lo lắng về chi phí môi trường khi sản phẩm mới được giới thiệu hàng năm cho hàng trăm triệu người và nhiều người nâng cấp thiết bị của mình cứ sau vài năm. Đáp lại, Apple giới thiệu chương trình và sáng kiến tái chế nhằm giảm thiểu lượng rác thải thải ra môi trường.
Ngay cả cựu Giám đốc thiết kế Jony Ive bày tỏ lo ngại iPhone quá tốt, đến mức không ai muốn đặt nó xuống.
Apple liền giới thiệu tính năng Screen Time giúp người dùng "cai nghiện" smartphone. Screen Time giúp thống kê thời gian người dùng sử dụng iPhone, từ đó giúp họ chủ động điều chỉnh việc sử dụng thiết bị của mình.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Apple chính là khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng như đã từng làm trong 10 năm qua, khi mà hàng trăm triệu người dùng lần đầu sở hữu iPhone.
Năm 2015, Apple "lên đỉnh" với doanh số bán 231 triệu chiếc iPhone. Kể từ đó cho đến nay, Apple chưa khi nào vượt qua được đỉnh cao này. Năm 2019, Apple đã không còn cho biết chính xác doanh số bán các sản phẩm của mình nữa, thay vào đó chỉ là doanh thu ở từng mảng.
Dù suy giảm nhưng iPhone vẫn đóng góp hơn một nửa tổng doanh thu quý III
Để bù lại sự sụt giảm doanh thu đến từ iPhone, thời gian qua, Apple đã tập trung phát triển các thiết bị đeo như AirPods và Apple Watch, hay trình làng nhiều sản phẩm ở mạng dịch vụ như Apple News+, Apple TV+, Apple Arcade… Những "trái ngọt" đã ngay lập tức đến với Apple, nhưng iPhone vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" khi chiếm hơn 50% trong tổng doanh thu quý III/2019.
Thật khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong 10 năm tới, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng, Apple nói chung, hay iPhone nói riêng đã tạo một thời đại Internet di động, nó thay đổi cách sống, làm việc của người dân trên thế giới.
"Sự vĩ đại của Steve Jobs không phải đến từ việc ông ấy tạo ra Apple, mà bởi vì ông ấy đã tạo ra một thời đại mới, thời đại Internet của các thiết bị di động. Sẽ thật hạ thấp khi nói Steve Jobs vĩ đại, bởi tôi nghĩ ông ấy vô cùng vĩ đại.
Apple cũng là một công ty vĩ đại. Điều tuyệt vời nhất là công ty này luôn thúc đẩy thị trường trở nên lớn hơn và giúp nhiều công ty khác tồn tại", người sáng lập và cũng là CEO Huawei Nhậm Chính Phi thừa nhận sức mạnh của đối thủ.