Tác phẩm "Nơi đâu là an toàn" của phóng viên Tấn Sỹ, Đài PT-TH Quảng Nam đã xuất sắc giành giải Vàng tại LHTHTQ lần thứ 40.
Làm 20 năm, tham gia rất nhiều kỳ Liên hoan, phóng viên Tấn Sỹ - Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam cho biết rất bồi hồi, xúc động mỗi khi được tham gia Liên hoan truyền hình toàn quốc. Đặc biệt, 2020 là một năm vô cùng đặc biệt với anh cũng như đối với người dân cả nước khi phải chống chọi với nhiều khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, thiên tai.
Theo chia sẻ của phóng viên Tấn Sỹ, khi Trà Leng của huyện Nam Trà My bị sạt lở núi, anh là người đầu tiên đã tiếp cận hiện trường và một mình liều lĩnh đi vào vùng nguy hiểm để tự quay, tự dẫn, tự chụp ảnh, viết bài để đưa những thông tin mới nhất, chính xác nhất và nhanh nhất đến với khán giả truyền hình.
Nhớ lại những khoảng khắc đó, phóng viên Tấn Sỹ cũng không thể hiểu nổi vì sao mình lại có thể liều lĩnh được như vậy và anh thậm chí còn không thể hiểu nổi bằng cách gì anh có thể đến được tới đó.
Phóng viên Tấn Sỹ cùng các tác giả khác nhận giải Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 40
Với sự nỗ lực của mình cũng như những hình ảnh "đắt giá" mà anh ghi lại được trong quá trình tác nghiệp đã giúp tác phẩm "Nơi đâu là an toàn" của anh giành giải Vàng tại LHTHTQ lần thứ 40.
"Vào những kỳ liên hoan khác mình chỉ nhận được giải Vàng ở những thể loại khác như Chyên đề khoa giáo hay thể loại chương trình truyền hình tiếng dân tộc và một năm được giải Bạc phóng sự. Năm nay, giải Vàng tôi nhận được thực sự rất quan trọng vì năm nay là năm bão lũ và thiên tai. Quảng Trị, Huế, Hà Tĩnh đều có bão lũ thiên tai xẩy ra và các Đài đều khai thác về khía cạnh bão lũ. Tuy nhiên, đối với tôi khi khai thác khía cạnh bão lũ, sạt lở núi mang tính đồng bào hơn và mình gắn bó với bà con từ lúc xảy ra sự việc cho đến khi tái thiết cuộc sống cho đến bây giờ", phóng viên Tấn Sỹ chia sẻ.
"Cầm trên tay chiếc cúp Vàng ý nghĩa tôi thật sự rất hạnh phúc và xúc động. Bởi thể loại phóng sự có rất nhiều tác phẩm dự thi và tôi rất may mắn khi nhận được giải cao nhất trong các tác phẩm dự thi. Ngay lúc này đây, tôi muốn san sẻ niềm vui này với đồng bào hai huyện bị sạt lở núi Trà Leng, Nam Trà My và huyện Phước Sơn. Nơi đây đồng bào thật sự rất cực khổ và tôi mong muốn đồng bào sớm vượt qua được những khó khăn".
"Câu nói của già làng Hồ Văn Đề khiến tôi suy nghĩ mãi. Đó là "làm sao để bà con, dân tộc mình không bị sạt sở núi nữa". Tôi mong rằng người dân Quảng Nam nói riêng và người dân miền núi cả nước nói riêng sẽ không còn phải hứng chịu cảnh sạt lở núi và mọi người sẽ có cuộc sống an toàn hơn".