VTV.vn- Những gì khán giả nhìn thấy trên sân khấu là hình ảnh tươi cười của các thần tượng Hàn Quốc, nhưng nào ai ngờ phía sau ấy, họ lại phải chịu sự dằn vặt từ căn bệnh trầm cảm.

Chiều ngày 14/10, Sulli đã được tìm thấy qua đời tại nhà riêng ở Sujeong-gu, Seongnam, Gyeonggi. Nguồn tin từ cảnh sát cho biết có khả năng nữ ca sĩ đã tự tử do trầm cảm kéo dài. Tin tức này đã làm chấn động cả làng giải trí Hàn Quốc, hàng loạt nghệ sĩ tuyên bố tạm dừng hoạt động để tỏ lòng thương tiếc, các khán giả khóc thương cho số phận đoản mệnh của nữ ca sĩ trẻ ở tuổi 25.

Thế nhưng cũng chỉ ngay trước đó ít lâu thôi, chính công chúng, chính những con người đang bàng hoàng về cái chết của Sulli đã chỉ trích cô vì những hành động bị cho là ngông cuồng, đã ngoảnh mặt làm ngơ trước sự cầu cứu của cô.

Trầm cảm - Góc tối đau đớn sau ánh hào quang của nghệ sĩ Hàn - Ảnh 1.

Giới showbiz Hàn Quốc chấn động sau khi nghe tin cựu thành viên f(x) tự tử ở tuổi 25. (Ảnh: Marie Claire)

Đây không phải lần đầu tiên một thần tượng Hàn Quốc tự tử, càng không phải lần đầu một nghệ sĩ lên tiếng về căn bệnh trầm cảm của mình. Điều này đã đặt ra một câu hỏi nhói lòng đáng suy ngẫm với tất cả chúng ta: Phía sau gương mặt luôn tươi cười và tràn đầy năng lượng ấy, những thần tượng xứ sở kimchi đã phải chịu đựng những gì, để mà đối với họ, cái chết dường như còn hạnh phúc hơn?

Làn sóng Hallyu và ước mơ trở thành ngôi sao

Trầm cảm - Góc tối đau đớn sau ánh hào quang của nghệ sĩ Hàn - Ảnh 2.

Bắt đầu từ những năm 2000, xu hướng K-pop dần xuất hiện, trở thành một ngành công nghiệp điển hình và là niềm tự hào của Hàn Quốc. Đó là một làn sóng văn hóa trỗi dậy mạnh mẽ với tốc độ phát triển vượt bậc không chỉ trong thị trường Hàn Quốc mà còn dần lan rộng ra cả các nước châu Á và cuối cùng là trên toàn thế giới. Làn sóng ấy được gọi tên là Hallyu, là kim châm thu hút đông đảo sự chú ý của khán giả và cũng là ước mơ vụt sáng trở thành ngôi sao của hàng loạt bạn trẻ khắp thế giới.

Hơn 20 năm, K-pop vẫn tiếp tục thống trị, là minh chứng rõ ràng nhất rằng đây không phải đơn thuần chỉ là một trào lưu sớm nổi chóng tàn. Sự thành công ấy có lẽ đã được hình thành từ chính những sự đào tạo bài bản, chuyên nghiệp nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt của các công ty giải trí xứ kimchi để rồi tạo ra hàng loạt tên tuổi đình đám tầm cỡ châu Á.

Bắt đầu với những huyền thoại như H.O.T, BI Rain, rồi đến DBSK, Super Junior, Big Bang, SNSD và bây giờ là thế hệ thứ 3 cùng những bước tiến gần hơn nữa với âm nhạc thế giới, với các giải thưởng danh giá mang tầm cỡ quốc tế. Tất cả đều đã trở thành niềm tự hào của người dân Hàn Quốc. Cho đến giờ, không ai còn mang trong mình ý nghĩ Hallyu chỉ là một trào lưu nữa, họ đặt kì vọng K-pop sẽ tiếp tục tỏa sáng và vươn xa hơn nữa với thế hệ mới như BTS, BLACKPINK, Twice…

Trầm cảm - Góc tối đau đớn sau ánh hào quang của nghệ sĩ Hàn - Ảnh 3.

Có lẽ chính vì thế mà việc trở thành thần tượng lại là ước mơ đổi đời lớn lao nhất của biết bao bạn trẻ. Những cô gái, những chàng trai chỉ 14, 15 tuổi, vẫn còn trong độ tuổi cắp sách tới trường lại sẵn sàng bỏ dở tất cả để theo đuổi đam mê của mình. Có thành công không? Có chứ! Nhưng số người thất bại lại gấp nhiều lần những người đạt tới đỉnh cao. Ấy vậy mà trong trí óc của những cô cậu vẫn còn ở độ tuổi vị thành niên ấy, thế giới showbiz vẫn là một thiên đường.

Và cái giá phải trả khi đặt chân tới đỉnh cao...

Trầm cảm - Góc tối đau đớn sau ánh hào quang của nghệ sĩ Hàn - Ảnh 4.

Những người hâm mộ lập nơi tưởng niệm thành viên SHINee Jonghyun sau khi anh qua đời vì tự sát vào năm 2017.

Đúng như người ta vẫn nói, nửa kia của ánh sáng là bóng tối, ánh hào quang nào cũng đi kèm với đớn đau mà có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu thấu. Để đến được với đỉnh vinh quang đã là cả một hành trình khổ luyện đẫm nước mắt, nhưng để giữ vững tinh thần ở vị trí ấy lại là điều mà nhiều thần tượng đã không thể làm được. Trầm cảm có lẽ là căn bệnh tâm lý phổ biến nhất mà các nghệ sĩ Hàn Quốc đều phải chịu đựng, để rồi cho đến cuối cùng, không ít người đã lựa chọn cách lìa xa khỏi cõi đời này để tìm sự thanh thản và bình yên.

Trầm cảm - Góc tối đau đớn sau ánh hào quang của nghệ sĩ Hàn - Ảnh 5.

Quay trở lại với trường hợp của Sulli, người ta tìm thấy cô treo cổ tại nhà riêng. Dù vẫn chưa xác định được nguyên nhân, nhưng tất cả những khán giả đã theo dõi chặng đường đi của cô đều hiểu cái chết của cô chính là hậu quả của việc phải chịu áp lực và trầm cảm nặng nề suốt một thời gian quá dài.

"Tôi không phải người xấu đâu. Tôi đã làm gì khiến cho mọi người đối xử với tôi thế này?".

"Cuộc sống của tôi giờ trống rỗng quá. Tôi cứ tỏ ra là mình hạnh phúc và điều đó khiến tôi cảm thấy như mình đang lừa dối mọi người vậy".

"Tôi đã nói là tôi mệt mỏi lắm rồi, thế nhưng chẳng có ai lắng nghe cả".

Đó chính là những phát ngôn của Sulli được cư dân mạng đào lại sau khi cô qua đời. Người ta chỉ nhìn thấy những biểu hiện bất thường khi mọi chuyện đã không thể cứu vãn. Đã quá nhiều lần Sulli kêu cứu qua những bài phỏng vấn, đã quá nhiều lần cô bày tỏ sự mệt mỏi của mình qua tranh vẽ và qua lời bài hát đầy ẩn ý, đã quá nhiều lần cô kiệt sức bởi sự chỉ trích và lăng mạ từ cư dân mạng, ấy vậy mà liệu có ai thực sự lắng nghe?

Sulli nói rằng cô ấy không phải người xấu, họ lại chỉ ra rằng cô là kẻ sống buông thả, không xứng làm tấm gương cho giới trẻ. Sulli nói rằng cô ấy đang gặp phải nhiều vấn đề tâm lý, họ lại cho rằng cô chỉ đang cố gắng tìm sự chú ý mà thôi. Có lẽ con người ta thường ít cảm thông hơn với những người tưởng chừng như đang nắm giữ thành công, và đó là lí do dù những thần tượng Hàn có kêu than đi chăng nữa, cũng sẽ chẳng có ai thực sự lắng nghe.

Trầm cảm - Góc tối đau đớn sau ánh hào quang của nghệ sĩ Hàn - Ảnh 6.

Với các nghệ sĩ, không có chỗ cho sai lầm, bởi chỉ cần một sai lầm thôi, tất cả những gì họ cố gắng gây dựng đều có thể tan thành mây khói. Sau sự việc đau lòng của Sulli, người ta tìm lại những câu chuyện về các idol Hàn cũng từng tự kết liễu đời mình. Điểm chung của họ chính là sự áp lực mà công ty, công chúng đã đặt lên vai họ.

Ở thời đại ngày nay, với cuộc sống bộn bề và hối hả, trầm cảm đang ngày càng trở thành một căn bệnh phổ biến hơn. Với giới idol, căn bệnh này đã len lỏi từ rất lâu nhưng chưa bao giờ thực sự được chú ý. Chỉ đến khi hàng loạt các vụ tự tử, từ Jeon Mi Seon, Park Yong Ha, Jonghyun và giờ là Sulli, người ta mới cảm thấy tiếc nuối và tự trách rằng: Giá như chúng ta có thể quan tâm nhiều hơn…

Việc Jonghyun tự tử cũng từng làm chấn động showbiz Hàn vào năm 2017. Trong bức thư tuyệt mệnh, nam ca sĩ chia sẻ đã mắc căn bệnh trầm cảm và mong mọi người không trách móc quyết định của anh.


Cái chết của Sulli như một hồi chuông cảnh tỉnh về căn bệnh trầm cảm, một căn bệnh không chỉ bao phủ lấy giới idol Hàn Quốc trong suốt bao nhiêu năm nay mà còn đang xảy ra trong chính cuộc sống của những con người tưởng chừng như bình thường nhất.

Thế nhưng, người ta sẽ còn quan tâm được đến bao giờ? Liệu sẽ có ai lên tiếng để những sự việc đau lòng này không còn xảy ra nữa, hay chúng ta chỉ đơn giản khóc thương và sẽ lãng quên sau một thời gian ngắn? Còn bao nhiêu idol phải kết liễu cuộc đời mình nữa thì xã hội mới thực sự có cái nhìn nghiêm túc về bệnh trầm cảm đây?

Hà Linh
15/10/2019


X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước