VTV.vn - Những cô dâu Việt không giấy tờ tùy thân, không quốc tịch ở Đài Loan (Trung Quốc) được gọi với tên "quả bóng", có thể lăn đi bất cứ nơi đâu và chẳng có bên nào bảo hộ.

Những cô dâu Việt không giấy tờ tùy thân, không quốc tịch ở Đài Loan (Trung Quốc) được gọi với tên "quả bóng", có thể lăn đi bất cứ nơi đâu và chẳng có bên nào bảo hộ.

Chông chênh là tựa đề bộ phim tài liệu lên sóng khung giờ VTV Đặc biệt tháng 3. Đây là tác phẩm tiếp theo của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư - người từng gây dấu ấn với khán giả qua các phim Hai đứa trẻ, Miền đất hứa... Tiếp tục theo đuổi đề tài thân phận con người, trong Chông chênh, vị đạo diễn này sẽ kể những câu chuyện chạm đến cảm xúc của rất nhiều nàng dâu xa xứ nói riêng và khán giả truyền hình nói chung. Bộ phim này có gì đặc biệt?

Chông chênh là bộ phim đề cập đến thân phận của những cô dâu Việt tại Đài Loan không có giấy tờ tùy thân hoặc đã cắt quốc tịch Việt Nam. Xuyên suốt bộ phim là sự dẫn dắt của nhân vật Kim Hà, một cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan hơn chục năm nay. May mắn hơn nhiều người, chị Kim Hà có ưu thế về ngoại ngữ, am hiểu luật pháp và thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội. Theo chân chị, khán giả sẽ hiểu hơn về những nghịch cảnh khác nhau của các cô dâu Việt không quốc tịch, không giấy tờ.

Chia sẻ về cảm xúc khi thực hiện bộ phim này, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã nói: "Rất nặng nề".

"Trước tôi chỉ được đọc báo, nghe kể về những trường hợp này nhưng chưa chứng kiến thực tế có những người khổ như vậy. Một luật sư Đài Loan chia sẻ với tôi rằng luật pháp Đài Loan quy định với người phạm tội bằng các hình thức phạt tiền, bỏ tù… nhưng họ vẫn được công nhận là công dân Đài Loan. Còn những cô dâu Việt Nam, những người không giấy tờ, không được nhập quốc tịch Đài Loan, thân phận không bằng những người phạm tội đó. Liệu có đáng? Tôi nghĩ đây là một câu hỏi đau lòng mà đến giờ họ vẫn chưa được giải đáp", anh tâm sự.

VTV Đặc biệt - Chông chênh: Phận đời của những cô dâu Việt không giấy tờ, không quốc tịch ở Đài Loan - Ảnh 2.

Từ đâu mà anh tiếp cận được với đề tài về những nàng dâu Việt tại Đài Loan?

- Đây là một đề tài đến tình cờ. Sau khi Miền đất hứa lên sóng, chị Kim Hà (một cô dâu người Việt là phiên dịch viên cho những lao động ở Đài Loan) có chia sẻ rằng bộ phim chưa bộc lộ hết những góc sâu xa trong cuộc sống mà những lao động Việt Nam đang phải chịu đựng. Chị đã tìm gặp tôi và đề xuất làm phần 2. Tuy nhiên, đề tài này khó có thể thực hiện được luôn.

Trong quá trình trò chuyện, khi chị Hà nhắc tới các cô dâu Việt, tôi cũng từng nghĩ đề tài này không có gì mới, báo chí đã khai thác nhiều. Tuy nhiên, chị Hà có nói về tình trạng của những cô dâu Việt được người dân địa phương ví như "quả bóng", lăn đi đâu thì tùy, không có bên nào bảo hộ, họ là những người không có giấy tờ tùy thân. Tôi nghĩ đây là đề tài hay và bắt tay làm ngay.

Tôi được biết những bộ phim về đề tài nàng dâu ở nơi xứ người thường đề cập tới cuộc sống khó khăn, vất vả của họ hoặc bị chồng bạo hành nhưng bộ phim này gói gọn về những cô dâu Việt sang Đài Loan hợp pháp nhưng vì nhiều nguyên do mà rơi vào tình trạng không giấy tờ tùy thân, không quốc tịch, không thể trở về Việt Nam, thậm chí có người rơi vào tận cùng của sự đau khổ, của xa cách và chia ly. Tôi nghĩ đó là bi kịch cuộc đời.

Bộ phim đi sâu vào cuộc sống của những người này và tôi hy vọng chính quyền Đài Loan cũng như Việt Nam có thể giúp đỡ những phụ nữ này đoàn viên vì ai đi xa cũng mong có ngày được trở về với người thân.

Quá trình tìm kiếm nhân vật cho bộ phim này có khó khăn?

Bộ phim chỉ gói gọn khai thác những cô dâu lấy chồng hợp pháp tại Đài Loan. Nhưng sau khi sang đó sinh con thì do mâu thuẫn, bị bạo hành, bị đuổi khỏi nhà và rơi vào hoàn cảnh không giấy tờ, có nhiều người đã cắt quốc tịch Việt Nam. Hầu như những cô dâu tôi tiếp xúc đều không rành về đường phố hay tiếng địa phương. Chính quyền Đài Loan cũng biết sự tồn tại của những cô dâu này. Họ được cấp cho những giấy tờ tạm thời để có thể đi làm tạm nhưng không phải ai cũng biết thông tin để làm giấy tờ.

Quá trình sang Đài Loan cũng gặp khó khăn vì những cô dâu được chị Kim Hà liên hệ giúp không muốn gặp. Họ ngại. Gần nửa tháng, chúng tôi đã không tiếp cận được với nhân vật mới nào.

VTV Đặc biệt - Chông chênh: Phận đời của những cô dâu Việt không giấy tờ, không quốc tịch ở Đài Loan - Ảnh 4.

Những tấm hộ chiếu bị cắt góc không còn hiệu lực của các cô dâu Việt tại Đài Loan

Khi làm phim, giữa việc tìm hiểu trước và thực tế có thể chênh nhau 60 - 70%. Với bộ phim này, chúng tôi đã "chơi" 12 ngày tại Đài Loan, không làm được gì, không tiếp cận được nhân vật, những lịch hẹn trước đó đều không thực hiện được. Nó đúng với tên phim - Chông chênh, bản thân tôi cũng không biết mình sẽ thành công hay thất bại.

12 ngày chỉ ăn, ngủ và không biết làm thế nào để tiếp cận nhân vật, có lúc chúng tôi đã nghĩ không làm được phim nữa. Nhưng quá trình tác nghiệp thì tôi nghĩ sẽ có những may mắn đến nếu mình kiên trì và nhờ cả sự giúp đỡ của người bản địa.

Sau khi có được nhân vật đầu tiên đồng ý cho tiếp cận, chúng tôi như bị cuốn theo. Lúc này, khoảng cách di chuyển là vấn đề cực lớn. Chẳng hạn như với nhân vật Nhung tại Bình Đông, Cao Hùng, một vùng núi xa xôi, không có khách sạn nên cứ mỗi lần quay xong là chúng tôi phải di chuyển ngay vì không có chỗ ở. Chúng tôi tiếp cận được 10 nhân vật nhưng chỉ có 4 nhân vật cho phép ghi hình cuộc sống thường ngày của họ.

VTV Đặc biệt - Chông chênh: Phận đời của những cô dâu Việt không giấy tờ, không quốc tịch ở Đài Loan - Ảnh 5.

Nhân vật Nhung trong phim Chông chênh

Nhân vật nào trong phim khiến anh ấn tượng nhất?

- Hiện tại, số lượng cô dâu Việt ở Đài Loan đã cắt quốc tịch Việt Nam mà không được nhập quốc tịch Đài Loan là gần 100 người, còn số lượng cô dâu không có giấy tờ thì không thể thống kê chính xác.

Trong phim, chúng tôi đề cập tới 4 nhân vật và câu chuyện của nhân vật chính tên Nhung làm ấn tượng tôi nhất. Chị Nhung không có giấy tờ do bị chồng giấu, vứt đi. Khi anh ta chết cũng mang theo bí mật này, người phụ nữ ấy mất quyền bảo hộ và từng bị bắt 2 lần khi đi làm. Con gái chị Nhung hiện đang ở cô nhi viện và bản thân chị phải nhờ sự giúp đỡ của các cô dâu khác để tìm lại quyền giám hộ con.

Nhân vật chính trong phim đã 13 năm chưa trở về Việt Nam. Sau khi mất điện thoại và cách thức liên lạc với gia đình, chị Nhung không còn tin tức của bố mẹ. Còn ở quê hương, gia đình cũng không rõ chị Nhung sống chết ra sao. Sau khi ghi hình chị Nhung ở Đài Loan, chúng tôi đã trở về Việt Nam và kết nối để chị trò chuyện cùng gia đình qua điện thoại.

3 nhân vật còn lại của phim đã cắt quốc tịch Việt Nam. Những người phụ nữ này đều có ít nhất từ 8 - 13 năm chưa về Việt Nam.

Bản thân anh có suy nghĩ như thế nào về những nhân vật của mình sau quá trình làm phim?

-  Khi bắt tay thực hiện phim, tôi đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu mình có quá đáng khi đưa những thân phận phụ nữ khổ đau, những người đồng hương của mình lên phim? Nó có cứa vào nỗi đau của họ một lần nữa?

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với nhân vật, tôi không mong muốn gì hơn là chính họ sẽ chia sẻ câu chuyện của mình, giúp những người khác không bị rơi vào tình trạng như mình. Hơn nữa, thông qua chia sẻ của họ, biết đâu rằng chính quyền Đài Loan hay Việt Nam có thể giúp đỡ được họ. Khi gợi mở vấn đề này, các nhân vật khá ủng hộ.

Điều mà chúng tôi ghi nhận là phía chính quyền Đài Loan rất nhiệt tình trong quá trình giúp đỡ những người phụ nữ này, để họ đỡ khổ, còn làm được đến đâu thì lại bị giới hạn bởi quy định của pháp luật.

Tôi nghĩ những người phụ nữ này họ không sai. Cái sai rất nhỏ ở đây là họ thiếu hiểu biết, họ đặt niềm tin vào người chồng và không giữ cho mình một con đường an toàn. Tôi mong nhiều cô dâu Việt có ý định lấy chồng nước ngoài nên trau dồi cho mình kiến thức, kỹ năng để không rơi vào tình trạng đó.

VTV Đặc biệt - Chông chênh: Phận đời của những cô dâu Việt không giấy tờ, không quốc tịch ở Đài Loan - Ảnh 7.

Ngoài những câu chuyện đặc biệt, bộ phim "Chông chênh" còn mang tới cho khán giả những điều khác biệt nào?

-  Tôi tôn trọng sự thật. Phim Chông chênh đi theo diễn tiến của câu chuyện, theo tình huống mà nhân vật phải trải qua. Chính vì thế tôi cũng không sắp đặt, không bố trí và các cảnh quay đều được "chộp" một cách rất tự nhiên. Có những lúc khuôn hình của chúng tôi chỉ để nguyên một góc không thay đổi bởi nếu thay đổi, nhân vật sẽ mất đi cảm xúc.

Bộ phim được làm không lời bình, giữ nguyên cảm xúc của chính các nhân vật khi chia sẻ. Với thời lượng hơn 50 phút, bộ phim không thể truyền tải hết những quy định trong pháp luật Đài Loan nhưng tôi hy vọng với những thân phận cụ thể mà chúng tôi chọn lựa, nó sẽ truyền tải khá đầy đủ những cảm xúc của một người mất quyền tự do, quyền công dân.

Từ "Hai đứa trẻ", "Miền đất hứa" đến "Chông chênh", anh có thấy mình may mắn khi tiếp cận được với nhiều đề tài thú vị?

-  Làm phim thì yếu tố may mắn chiếm tới 60 - 70% để thành công. Nhưng trong may mắn phải có cả sự đánh đổi. Nếu không có niềm đam mê, không có sự kiên trì theo đuổi thì không có may mắn nào tự tìm đến. Như trong phim Chông chênh, đã có lúc tưởng chừng "đổ" phim rồi.

VTV Đặc biệt - Chông chênh: Phận đời của những cô dâu Việt không giấy tờ, không quốc tịch ở Đài Loan - Ảnh 8.

VTV Đặc biệt - Chông chênh sẽ được phát sóng vào 20h10 ngày 13/3 trên kênh VTV1. Mời quý vị chú ý đón xem!

TH
Chương trình cung cấp
X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước