Đạo diễn Đoàn Hồng Lê - tác giả của các bộ phim tài liệu nhận được nhiều tiếng vang như "Người mẹ", "Ghi chép 12 ngày đêm", "Đường đến hòa bình"... - vừa trở về sau chuyến đi đến Trung Quốc tham gia Tứ Xuyên TV Festival. Bộ phim "Người mẹ" (từng được phát sóng trên VTV8) của chị đã được chọn vào vòng chung kết ở Tứ Xuyên TV Festival năm 2021 nhưng vì đại dịch nên thời điểm đó liên hoan đã không được tổ chức. Chia sẻ trên trang cá nhân về sự kiện này, đạo diễn Đoàn Hồng Lê nói cùng với các bộ phim sản xuất trong hai năm vừa qua, bộ phim "Người mẹ" của chị vẫn tiếp tục được chọn vào shortlist của liên hoan.
Trước khi tham gia Tứ Xuyên TV Festival, đạo diễn Đoàn Hồng Lê cũng đã nhận được một giải thưởng quan trọng tại lễ trao giải Cánh diều Vàng 2023. Giải thưởng chị nhận được là Cánh diều vàng cho Đạo diễn Phim tài liệu xuất sắc (cho phần chỉ đạo cho phim "Đường đến hòa bình"). Vào thời điểm ấy, khi hỏi chị có thể nói gì về giải thưởng này, đạo diễn Đoàn Hồng Lê chia sẻ rất ngắn gọn: "Đây là sự ủng hộ của những người làm phim Việt Nam đối với cô Thanh và những người bạn Hàn Quốc trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới".
Và những chia sẻ của đạo diễn Đoàn Hồng Lê dưới đây sẽ là câu chuyện của chị về quá trình làm những bộ phim ấy, những bộ phim mà như chị từng nói trong một chia sẻ - đã giúp chị "nhìn sâu vào những cuộc đời". Và cũng trong những chia sẻ dưới đây, bạn sẽ được nghe nhiều hơn những quan điểm của đạo diễn Đoàn Hồng Lê về công việc của một nhà làm phim tài liệu - một người với tinh thần hiện thực muốn ghi chép lại những ký ức...
"Tôi sinh ra ở Hà Nội, một năm trước khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Thế hệ chúng tôi lớn lên trong những năm đầu hòa bình và trải qua tuổi thơ khốn khó trong tình cảnh đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến, hàn gắn lại những vết thương trên thân thể và tâm hồn.
Tôi sống giữa những câu chuyện hậu chiến vây quanh và vì vậy, những bộ phim của tôi đều ít nhiều liên quan đến cuộc chiến đó. Bộ phim đầu tiên của tôi "Đất đai thuộc về ai?" kể về những người nông dân ở Điện Ngọc, một xã "anh hùng chống Mỹ" trong chiến tranh, nay người dân phải tiếp tục chiến đấu để giữ gìn mảnh đất của mình. Bộ phim thứ hai "My father the last communist" kể về cha tôi, trong những ngày tháng cuối của đời mình đã cố giữ gìn những ký ức của một thế hệ từng hiến dâng đời mình cho đất nước với niềm tin mãnh liệt vào một tương lai tốt đẹp, trong khi hiện thực xã hội đầy mâu thuẫn với lý tưởng đó.
Một bộ phim tôi làm cho truyền hình là "Người Mẹ", kể về một bà mẹ Sài Gòn đã gửi con gái lai Mỹ của mình đi Mỹ theo chiến dịch Babylift tháng 4 năm 1975 và cuộc tìm kiếm con trong suốt 44 năm sau đó cho đến ngày gặp lại. Một bộ phim khác là "Ngày hòa bình", đó là câu chuyện về ngày cuối cùng của chiến tranh ở thành phố Đà Nẵng, khi người dân nghi ngại, lo âu xen lẫn hồi hộp chờ đợi đoàn quân từ miền Bắc, trong niềm hạnh phúc đoàn viên có chia ly mất mát, và trên hết là nỗi mong mỏi một cuộc hòa giải giữa những người cùng dòng máu.
Phim “Trong quên lãng” là câu chuyện về sự thay đổi trong cuộc sống của một ngôi làng Ba Na trước những biến thiên của thời đại công nghiệp. “Bên ni bên nớ” ghi lại những tiếc nuối của người dân một ngôi làng Ctu khi phải rời làng cũ để nhường đất cho một công trình thủy điện, “Gần mà xa, khu rừng của tổ tiên” là biên niên ký một ngôi làng bị chia cắt khỏi rừng- nơi tổ tiên họ đã sống ngàn đời...
"Đội văn nghệ phường" là câu chuyện những người lính đã đi qua chiến tranh, nay tiếp tục hát những bài ca cách mạng để giữ lấy niềm tin trước hiện thực thay đổi. "Hy sinh lần nữa" kể về những người dân tộc thiểu số ở khu tái định cư thủy điện sông Tranh, đã hy sinh trong chiến tranh để giữ đất giữ rừng, nay sống giữa những cơn động đất do công trình này gây ra, lại bị kêu gọi “hy sinh lần nữa” để phục vụ phát triển kinh tế, nhưng thật ra là phục vụ lợi ích của các nhà đầu tư. "Ba tôi" là ký ức về đại tá Trương Hồng Anh hy sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam, chẳng để lại chút gì cho vợ con và đồng đội ngoài những kỷ niệm đẹp đẽ về một thời khốn khó nhưng đầy tình yêu…
Gần đây nhất là phim "Đường đến hòa bình" đã phát sóng trên VTV8, về cuộc chiến pháp lý của cô Nguyễn Thị Thanh đòi công lý cho những người thân bị lính Đại Hàn thảm sát trong chiến tranh Việt Nam".
'Một cuộc chiến qua đi, trở về một mình đối diện với chính mình, người ta chỉ còn lại những vết thương. Với những tổn thương, không có sự an ủi nào là vô nghĩa'.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê.
Bộ phim "Đường đến hoà bình" của đạo diễn Đoàn Hồng Lê được phát sóng vào tháng 12/2022. Đây là bộ phim ghi lại hành trình vụ kiện đặc biệt của bà Nguyễn Thị Thanh - 1 trong số ít nạn nhân sống sót sau cuộc thảm sát của quân đội Đại Hàn ở làng Phong Nhị. "Đường đến hoà bình" được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2022. Với bộ phim này, đạo diễn Đoàn Hồng Lê đã cho người xem được thấy một phần của hành trình vụ thảm sát làng Phong Nhị đến với toà án của Hàn Quốc.
Sau khi bộ phim phát sóng 2 tháng, vào ngày 7/2 năm nay, Tòa án Trung Seoul (Hàn Quốc) đã yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc bồi thường cho bà Nguyễn Thị Thanh - nguyên đơn trong vụ kiện về vụ thảm sát thường dân trong chiến tranh Việt Nam tại làng Phong Nhị, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào năm 1968.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê và những hình ảnh trong thời gian thực hiện phim tài liệu "Đường đến hòa bình". (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Sau khi bộ phim tài liệu "Đường đến hòa bình" được phát sóng, đạo diễn Đoàn Hồng Lê đã thực hiện một cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Koh Kyoung Tae của Hankyoreh, Hàn Quốc. Trước câu hỏi về lý do quyết định làm bộ phim "Đường đến hoà bình", đạo diễn Đoàn Hồng Lê cho biết: "Tôi không nhớ có được học về sự tham gia của quân đội đại Hàn trong cuộc chiến Việt Nam ở nhà trường. Những gì tôi biết về điều này là qua câu chuyện của cha tôi, một phóng viên chiến trường đã làm việc nhiều năm ở Quảng Nam, nơi quân đội Hàn Quốc đóng quân trong chiến tranh Việt Nam.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê (áo cam) trong một cảnh quay cho phim "Đường đến hòa bình"
Những người dân ở các vùng nông thôn tôi đến làm việc cũng có câu: "Ác như Đại Hàn", kể cả những người đã làm việc cho Việt Nam Cộng hoà - mà quân đội Đại Hàn là đồng minh - cũng nói vậy, tôi xin lỗi phải kể sự thật không dễ chịu này, có lẽ họ còn giữ những ký ức đau buồn của thời chiến.
Khi biết được rằng những thế hệ sau này ở Hàn Quốc bắt đầu phong trào Thành thật xin lỗi Việt Nam kéo dài đến nay là 20 năm, tôi tự hỏi điều gì khiến cho người Hàn Quốc, vốn là một dân tộc mang đặc trưng Á Đông coi trọng thể diện, lại có cách nhìn nhận và hành động mạnh mẽ đối với một sai lầm của quá khứ như vậy? Chắc chắn phong trào này lúc ra đời cũng không phải dễ dàng. Tôi cũng rất tò mò: Điều gì đã và đang xảy ra trong xã hội Hàn Quốc? Đến khi biết câu chuyện của cô Thanh, tôi mới nghĩ rằng theo đuổi quá trình pháp lý này có thể trả lời cho câu hỏi của mình".
'Câu chuyện của cô Thanh và hành trình theo đuổi pháp lý của cô có thể trả lời cho câu hỏi của mình'.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê.
Khi quyết định thực hiện bộ phim này, thông điệp chị muốn chuyển tải đến mọi người là gì? Và với khán giả chính là người Việt Nam, điều chị muốn nói với họ thông qua bộ phim là gì?
- Từ câu chuyện của cô Thanh, tôi đã quan sát và ghi chép được một phần những chuyển động xảy ra trong xã hội Hàn Quốc ngày nay, những xung đột giữa quá khứ và hiện tại, cấp tiến và bảo thủ, lý và tình… Đó là một soi chiếu cần thiết cho xã hội Việt Nam khi đối mặt với lịch sử của chính mình.
Camera của chị luôn đi theo bà Nguyễn Thị Thanh. Vậy theo chị, bà Thanh là người như thế nào? Chị có thể dùng một câu hoặc một, hai từ nào đó để mô tả bà Thanh được không?
- Trong phỏng vấn với tôi, cô Thanh kể: "Một buổi trưa tôi đang làm vườn, tôi nghe nói có người Hàn Quốc đến làng (đó là lần đầu tiên một người Hàn Quốc trở lại làng Phong Nhị sau chiến tranh) tôi vứt cuốc chạy đến. Tôi đứng lên kể chuyện gia đình mình, những người ngồi đó ai cũng khóc. Rồi mọi người nói đó đã là chuyện của thế hệ trước, lính Đại Hàn đánh thuê cho Mỹ thôi". Tôi nói tôi không biết ai đánh thuê cho ai, nhưng ai cầm súng bắn giết mẹ và em tôi thì tôi căm thù kẻ đó. Những lần gặp người Hàn Quốc sau này, được thấu hiểu và an ủi, lòng căm thù đó không còn nữa".
Nói về cô Thanh ư? Cô thành thật như những người nông dân Quảng Nam mà tôi biết. Tìm một từ để nói về cô? Tôi cũng chỉ xin nhắc lại: "Thành thật".
Bà Nguyễn Thị Thanh trong một cảnh phim "Đường đến hòa bình" khi bà đến Hàn Quốc để theo đuổi vụ kiện của mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Bà Nguyễn Thị Thanh đã thắng kiện trong phiên tòa sơ thẩm kiện chính phủ Hàn Quốc về việc quân đội Đại Hàn đã gây ra vụ thảm sát Phong Nhị năm 1968. Chị có dự đoán rằng bà ấy sẽ thắng kiện không? Và khi nghe tin bà thắng kiện, chị cảm thấy như thế nào?
- Tôi không hiểu rõ luật của Hàn Quốc nên không dự đoán được về phiên sơ thẩm, cô có thể không thắng trong phiên tòa này nhưng tôi tin cuộc đấu tranh sẽ tiếp tục cho đến khi sự thật giành phần thắng.
Tôi đang ở bên cô lúc cô nhận tin thắng kiện, bấm máy quay, tôi run tay. Rồi chúng tôi ôm nhau, rưng rưng xúc động, cảm giác lúc đó thật choáng ngợp, suốt trên đường trở về nhà tôi không nghĩ được gì, không nói được gì, không viết nổi một cái tin, một bài báo. Ngày hôm sau tôi mới ngồi vào máy tính được, lòng tràn đầy hạnh phúc, tôi nghĩ rằng kết quả của phiên tòa đó trong phim đã khiến người xem nhận ra "Người Hàn đẹp quá".
Tinh thần điện ảnh của chị là gì và "Đường đến hòa bình" đã làm thỏa mãn tinh thần điện ảnh của chị đến mức nào?
- Tôi chú trọng tính chân thực trong những câu chuyện của mình. Chẳng phải đó là sức mạnh lớn nhất của phim tài liệu hay sao? Sự chân thực đôi khi cũng khắc nghiệt, nhưng hiện thực không bao giờ đẹp theo kiểu một tấm post card, nó mang vẻ đẹp khắc nghiệt.
Với "Đường đến hòa bình", tôi đã hết lòng yêu mến vẻ đẹp của các nhân vật của mình, khán giả Việt Nam cũng yêu mến họ, vậy là tôi thấy vui. Chỉ tiếc rằng tôi không biết tiếng Hàn để có thể nhạy cảm phát hiện sớm hơn nhiều thứ khi đi quay ở Seoul.
'Tôi mong muốn lịch sử trở nên gần gũi với đời sống, chứ không chỉ là những con số hay luận đề trong sách giáo khoa. Cần đưa 'lịch sử của thường dân' vào chương trình học, nghĩa là những câu chuyện về trải nghiệm chiến tranh của các nhân chứng, từ đó học sinh có được sự đồng cảm với con người, hiểu rõ vì sao mọi chuyện xảy ra như thế ở góc độ con người. Tôi tin điều đó giúp học sinh nhận thức được vai trò của mình trong việc kiến tạo nên một lịch sử của tương lai'.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê.
'Với tôi, những mảnh ký ức dù nhỏ bé nhưng chân thật đều có giá trị ghép thành bức tranh toàn cảnh của ký ức cộng đồng'.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê.
'Khi tôi bước vào một dự án phim kể về một chuyện quá khứ, điều duy nhất tôi muốn là ghi chép lại những ký ức để những người trẻ sau này có thể hiểu đúng về một thời kỳ đã qua, để biết tại sao ông bà mình lại từng sống như vậy, từng nghĩ như vậy, từng hành xử như vậy'.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê.
Trò chuyện với VTV News sau khi trở về từ Tứ Xuyên TV Festival, trong một cuộc trò chuyện thuần túy về công việc làm phim tài liệu, đạo diễn Đoàn Hồng Lê đã nói về tinh thần của chị khi làm các bộ phim này - những câu chuyện của quá khứ.
Chị nói: "Khi tôi thuyết phục nhân vật kể chuyện, có những người nói rằng: “Đến tuổi này nói thật được rồi”, “Đồng ý. Bởi đó là một trách nhiệm công dân”, “Tôi sẽ kể, vì tôi muốn điều này phải được nhớ tới, được nhắc nhở”… tôi vui mừng khi nghe họ nói vậy, bởi vì lúc đó, mục đích của hai bên - người kể chuyện và người ghi chép ký ức - đã đồng nhất".
"Ký ức là tài sản của mỗi người, trao truyền trong gia đình dòng tộc, còn lịch sử chính là ký ức của cộng đồng, của một thời đại" - đạo diễn Đoàn Hồng Lê nói tiếp - "Với một người làm phim, ký ức và lịch sử đều là câu chuyện quá khứ".
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê trong một cuộc trò chuyện về phim tài liệu tại Pháp vào tháng 3/2023. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
"Trong tiểu thuyết 1984 của Georges Orwell có câu tôi rất nhớ: “Kẻ nào kiềm chế được quá khứ, kẻ đó kiểm soát được tương lai”. Chính vì vậy, tôi ý thức được tầm quan trọng của việc ghi lại quá khứ một cách trung thực. Nên tôi rất buồn khi bị những nhân vật từ chối mà rằng: “Chuyện qua rồi, kể lại cũng có được gì đâu?” Hoặc có những nhân chứng của một cuộc chiến: “Kể lại thất bại ư? Có gì vinh quang đâu mà kể?”...".
"Với tôi, những mảnh ký ức dù nhỏ bé nhưng chân thật đều có giá trị ghép thành bức tranh toàn cảnh của ký ức cộng đồng, cũng chính là một lịch sử chân thật cho thế hệ sau".
Tôi tò mò một chút về con đường dẫn chị đến với phim tài liệu này đã được bắt đầu như thế nào? Và sự hấp dẫn của thể loại phim này với chị từ đâu cũng như cách nó khiến chị vẫn tiếp tục bền bỉ với nó cho đến giờ?
- Tôi đến với phim tài liệu một cách tình cờ. Thú thực không có một lý do gì đáng để kể (cười).
Năm đó tôi 30 tuổi, mông lung trước con đường nghề nghiệp và tôi đã gặp Varan. Khoá học đầu tiên về điện ảnh hiện thực đó đã thay đổi tôi hoàn toàn. Còn nhớ hồi đó tôi làm phim về một bạn trẻ mơ ước trở thành triệu phú. Tôi tiếp cận nhân vật của mình qua những hào quang lấp lánh bề ngoài. Rồi qua vài lần quay, phát hiện ra những khía cạnh ngược lại của nhân vật khiến tôi thất vọng, nản không muốn tiếp tục vì bộ phim sẽ không như mình tưởng tượng. Thầy tôi - đạo diễn Andre Van In- lúc đó hỏi tôi: “Bạn mong đợi gì ở một con người? Anh ta chỉ là một con người bình thường, không ai là hoàn toàn đen hay trắng. Hãy chấp nhận và kể về hiện thực như nó vốn là, vì cuộc sống là như thế”.
Bài học đầu tiên đó ảnh hưởng đến nghề nghiệp của tôi suốt hai mươi năm sau này, mà không chỉ nghề nghiệp, còn là cách nhìn con người và đời sống. Nó tập cho tôi dẹp bỏ thói cực đoan, có góc nhìn đa chiều, tìm cách thấu hiểu thay vì phán xét, nhờ vậy mà học cách khoan dung. Có lẽ cũng chính điều đó hấp dẫn tôi, khiến tôi muốn được làm phim mãi, để tiếp tục khám phá con người và cuộc sống.
So với thời điểm chị bắt đầu thì sự phát triển của phim tài liệu của Việt Nam lúc đó với bây giờ có thay đổi nhiều không?
- Rất nhiều. Phim tài liệu đã gần hiện thực hơn và vì vậy mà tiếp cận đến khán giả tốt hơn. Trước đó nhân vật của phim tài liệu thường là những người hùng. Một thời chúng ta chỉ có những nhân vật hoặc rất tốt hoặc rất xấu. Bây giờ nhân vật là những người bình thường, khán giả có thể tìm thấy mình trong họ.
Là người từng tham gia nhiều liên hoan phim rồi, chị có bao giờ (có thể là vô thức) so sánh phim của chúng ta với thế giới không? Nếu có, nó là ở khía cạnh nào?
- Những bộ phim của các tác giả độc lập Việt Nam tìm được chỗ đứng ở các LHP quốc tế đều sản xuất từ sự hỗ trợ tài chính của các quỹ nước ngoài. Tiếc là các phim này không được hỗ trợ từ một quỹ điện ảnh nào trong nước. Sản xuất phim tài liệu ở các nước khác kể cả Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines đều đã tiến đến mức độ chuyên nghiệp cao và có được sự đầu tư của nhà nước trong một chiến lược cho điện ảnh.
Năm nay chị có kế hoạch làm một bộ phim nào không?
- Tôi đang làm nhưng không nói trước được. Mình đang trong thời gian khảo sát.
Điểm chung nhất trong tất cả những phim chị đã làm và tinh thần xuyên suốt chị đã và vẫn giữ từ phim đầu tiên của mình cho đến nay là gì?
- Tinh thần hiện thực. Phim tài liệu ghi lại hiện thực để giữ lại cho thế hệ sau. Có câu nói "một đất nước không có phim tài liệu như một gia đình không có cuốn album". Tôi thì mong muốn chúng ta để lại cho con cháu một cuốn album với những bức ảnh kể lại cuộc sống trung thực của ông bà cha mẹ mình, chứ không phải một cuốn album toàn những bức ảnh tự sướng hoặc đã photoshop long lanh.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
___
Người thực hiện: ĐLNA
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!