Trong lễ bế mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41 diễn ra tối qua (18/3), bộ phim "Ghi chép 12 ngày đêm" của ê-kíp đạo diễn Đoàn Thị Hồng Lê, Đặng Lê Thế Phong và Đặng Tiến Nhựt thuộc Trung tâm THVN Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đã giành giải Vàng ở thể loại Phim Tài liệu. Bộ phim là 1 trong 2 giải Vàng mà Đài THVN nhận được của thể loại này tại liên hoan lần thứ 41.
Trước đó, theo thông tin từ BTC, tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm nay, thể loại Phim tài liệu đã nhận được 82 phim dự thi, trong đó có 74 phim tài liệu 1 tập và 8 phim tài liệu dài tập. Kết thúc liên hoan, thể loại Phim Tài liệu chọn được 5 giải Vàng.
Nói về ý nghĩa của việc giành giải Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần này trong cuộc phỏng vấn ngắn với VTV News, đạo diễn Đoàn Hồng Lê nói: "Đây là một niềm vui cho người làm phim tài liệu lịch sử, vì bộ phim này nhìn lại lịch sử theo con mắt của người trẻ và mong muốn thực hiện để dành cho giới trẻ, nếu nó được đón nhận thì đó là một ghi nhận cho những nỗ lực".
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê trong các chuyến đi làm phim.
Vậy chị đến với đề tài của Ghi chép 12 ngày đêm bắt đầu như thế nào?
Từ những bức ảnh trở về...
- Đã có nhiều bộ phim về Hà Nội 12 ngày đêm như "Điện Biên Phủ trên không". Những bài học lịch sử đã được rút ra rồi, những ngợi ca chiến thắng của chính nghĩa đã được nói đến nhiều, tinh thần hy sinh quả cảm của quân dân Hà Nội, lịch sử chính thống, diễn biến quân sự ngoại giao đã thể hiện hết trong các phim này.
Tôi sinh ra hai năm sau đó ở bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Nhiều năm sau hòa bình vẫn được nghe kể về 12 ngày đêm ấy trong những câu chuyện của mẹ tôi - một biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam - về những chú, bác đồng nghiệp của mẹ khi họ mang những bức ảnh trở về. Không lớn lên, không biết gì về Hà Nội nhưng những câu chuyện ấy đã in vào tâm hồn tôi tình yêu nghề nghiệp, tình yêu con người, tình yêu Hà Nội của họ.
Và tôi đã luôn muốn làm một bộ phim nữa về Hà Nội 12 ngày đêm bi tráng đó qua góc nhìn thật cá nhân của những người chụp ảnh thời điểm đó, và qua những bức ảnh của họ.
Phần vào đầu của bộ phim Tài liệu "Ghi chép 12 ngày đêm" của đạo diễn Đoàn Hồng Lê.
Lý do chị thích làm phim về đề tài lịch sử là từ đâu và vì sao? Tôi nghĩ đề taì này sẽ khó hơn những đề tài khác!?
- Lịch sử rất thú vị khi ta tiếp xúc với những con người mang ký ức cá nhân sâu sắc về những gì họ đã trải qua trong cuộc đời gắn với một thời đại, ký ức đó cũng chính là tinh thần của thời đại của họ mà nếu không kip ghi chép lại, tinh thần đó sẽ dần chìm vào lãng quên cùng với một giai đoạn lịch sử.
Mỗi khi nghe tin một nhân chứng của lịch sử qua đời tôi hay tự hỏi không biết đã có ai kịp ghi lại những câu chuyện của họ chưa, bởi nó giúp ích rất nhiều cho chúng ta ngày nay, khi nhìn thấu suốt "lịch sử của thường dân" như vậy ta biết thêm những khía cạnh con người bên cạnh thứ lịch sử chính thống, thấu hiểu con người giúp ta có thêm bài học cho hiện tại và tương lai.
Một số hình ảnh tư liệu trong phim "Ghi chép 12 ngày đêm".
Đấy là cái thú vị. Vậy cái khó với cá nhân chị khi làm đề tài này là gì?
"Tôi vẫn đang phiêu lưu mỗi ngày..."
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê.
- Hình ảnh cho những câu chuyện về quá khứ là thử thách rất lớn, nhưng cũng chính là sự kích thích lớn khi người làm phim tìm cách kể chuyện chỉ với rất ít hình ảnh tư liệu. Gần đây tôi tìm cách thực hành sử dụng tư liệu theo một cách khác: phục dựng âm thanh gốc, sử dụng âm nhạc tạo diễn biến câu chuyện, tạo tâm lý cho nhân vật chứ không dùng những bài hát gắn với các thời kỳ lịch sử. Cùng với kỹ thuật phỏng vấn để tìm cách đưa nhân vật chìm sâu vào ký ức, sử dụng visual concept ... tất cả pha trộn lại hầu mong tạo ra một bầu không khí, một cảm giác, một cái gì đó không rõ ràng nhưng hiện hữu... Tôi vẫn đang phiêu lưu mỗi ngày trên con đường này, và rất thú vị là những thử thách đó đem lại cho tôi nguồn cảm hứng mới.
Và chắc chắn rồi, tìm cách kể lịch sử qua những ký ức rất cá nhân như vậy khiến cho các sự kiện lịch sử trở nên đa chiều, khán giả nhìn nó với những góc nhìn mới, đó là điều luôn thử thách người làm phim, rất phiêu lưu nhưng chính vì vậy cũng rất thú vị.
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê (bên trái) tại một sự kiện phim.
Chị có theo dõi nhiều về phim tài liệu của mình trong những năm qua không? Và chị thấy phim tài liệu của chúng ta đang phát triển như thế nào?
- Với sự dễ dàng trong tiếp cận các phong cách làm phim mới, các bạn trẻ có nhiều cơ hội để học hỏi, thể nghiệm, mạo hiểm và từ đó phim tài liệu truyền hình đã được thổi vào một làn gió mới. Các đề tài cũng được mở rộng và khán giả có thể chứng kiến những đề tài về đời thường được sản xuất nhiều hơn. Hiện thực đời sống cũng được đưa vào phim phong phú hơn, thực hơn, đáng tin cậy hơn với việc chú trọng thu âm trực tiếp tại hiện trường. Đó đều là những tín hiệu tốt.
Gần 3 năm qua với những diễn biến và ảnh hưởng của đại dịch, với một người làm phim tài liệu, có ý nghĩa như thế nào với chị?
- Tôi nhớ những ngày trong dịch bỗng nhiên ta có thể tìm thấy rất nhiều trăn trở của mọi người về thế giới, về tự nhiên, về sự hữu hạn của đời sống với đủ các triết lý Đông Tây, nhưng tôi cũng ngạc nhiên chứng kiến khi đại dịch qua đi, con người thật mau quên, cuộc sống trở lại như cũ và trong mỗi người tôi không nhận thấy có gì khác trước như đã tưởng. Giai đoạn đó đã trở thành lịch sử đối với mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng. Vì vậy, tôi tự hỏi ký ức tập thể về nó là gì? Nó đang bị che lấp bởi điều gì? Có thể sau nhiều năm nữa người ta mới có đủ độ lùi thời gian để nhìn lại và vẽ nên nó chăng? Dù sao cũng đã có nhiều người làm phim ghi chép lại những tiếng nói của thời kỳ đó, nó sẽ trở thành lịch sử cho thế hệ sau này.
Mỗi bộ phim là một câu chuyện... khám phá sự đa diện của con người, cuộc sống...
Năm nay chị có đang làm phim mới nào không?
- Tôi mới xong "Đường đến hòa bình" và tôi đang nghỉ một thời gian để nạp năng lượng lại.
Nhân nhắc đến phim "Đường đến hoà bình", kết quả mới nhất của vụ việc có làm chị vui?
- Vui quá chứ, vui cho các nhân vật ở cả Việt Nam và Hàn Quốc - như một người làm phim; vui cho điều mình tin tưởng là sự thật, cái đẹp của con người sẽ chiến thắng - như một công dân Việt; và vui cho cái happy ending của phim như một mối duyên với nghề.
Những hình ảnh của đạo diễn Đoàn Hồng Lê khi làm phim Tài liệu "Đường đến hòa bình".
Kết quả của việc đó cùng giải vàng cho "Ghi chép 12 ngày đêm" có phải một khởi đầu 2023 vui với chị?
- Một khởi đầu khá ổn, nhưng thật ra mỗi ngày được làm việc tôi đều thấy rất vui rồi.
Cái cuối cùng khiến chị thích nhất (để tiếp tục gắn bó) với phim tài liệu là gì?
- Mỗi một bộ phim là một câu chuyện mới, cho tôi cơ hội nhìn sâu vào những cuộc đời hay những sự việc, khám phá sự phức tạp và đa diện của con người và cuộc sống.
Cảm ơn chị về những chia sẻ và mong được xem nhiều hơn những bộ phim Tài liệu của chị trong thời gian tới!
Phim tài liệu: Ghi chép 12 ngày đêm
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!