VTV.vn-Ngày trở về từ tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, ĐD Tạ Quỳnh Tư mang theo hai PTL - VTV Đặc biệt "Ranh giới" và "Ngày con chào đời", chứa đựng những ám ảnh của anh về dịch COVID-19.

Cuối tháng 7/2021, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cùng với 4 đồng nghiệp khác của Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam được cử đi công tác vào thành phố Hồ Chí Minh - tâm dịch COVID-19 của cả nước ở thời điểm bấy giờ. 

Nhóm 5 người gồm đạo diễn, quay phim, biên tập viên chia làm hai ê-kíp sản xuất, một nhóm vào tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến, thực hiện phóng sự, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Viết Phong vào khu K1 - bệnh viện Hùng Vương. Đây là nơi được chuyển đổi thành khu điều trị cho các sản phụ bị nhiễm COVID-19 lớn nhất thành phố với quy mô 120 giường. 

Trước chuyến đi vào Nam công tác, ngoài việc chuẩn bị trang phục, đồ dùng bảo hộ, thiết bị máy móc phục vụ cho việc ghi hình tác nghiệp, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư còn được tiếp thêm tinh thần với những lời động viên, khích lệ và cổ vũ của gia đình, đồng nghiệp và lãnh đạo cơ quan. Điều duy nhất lúc đó anh chưa có và cũng khiến anh đau đáu nhất, đó chính là việc sẽ phải làm đề tài gì, nói về ai, chọn lựa nhân vật, câu chuyện nào giữa muôn vàn những điều đang diễn ra lúc đó tại thành phố tâm dịch.

Đây là lần thứ hai tôi (PV) có dịp trò chuyện và phỏng vấn đạo diễn Tạ Quỳnh Tư về một tác phẩm mới. Biết anh tác nghiệp chủ yếu trong bệnh viện lại là nơi tâm dịch, tôi cũng tránh làm phiền và đợi sau khi anh trở về Hà Nội mới liên lạc lại. 

Thông tin đầu tiên tôi nhận được sau chuyến đi là "Anh khoẻ". Tôi thở phào nhẹ nhõm. Gần sát ngày phát sóng, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư mới có thời gian chia sẻ về hai chứ không phải một bộ phim tài liệu của mình, về chuyến công tác vừa qua với 21 ngày sống và làm việc nơi tâm dịch. 

Trong cuộc trò chuyện, phần nhiều anh nói về đội ngũ y bác sĩ với sự cảm phục, biết ơn, sự yêu thương, tin tưởng, sau đó là cú sốc lớn về COVID-19 và cả sự xót xa khi tận mắt chứng kiến những bệnh nhân mang trong mình hai sinh mệnh vật vã và chiến đấu với tử thần.

Nhìn lại, dường như câu trả lời của anh nào cũng chứa đựng một sự "nhiều". Có quá nhiều cảm xúc, có quá nhiều suy nghĩ, có quá nhiều nhân vật, câu chuyện, quá nhiều sự hi sinh, nguy hiểm, khó khăn, vất vả, rồi quá nhiều khoảnh khắc ấn tượng, xúc động, tiếc nuối, bất lực...

Hai bộ phim tài liệu "Ranh giới" và "Ngày con chào đời" sẽ được phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam. Trong đó, bộ phim "Ranh giới" sẽ được phát sóng trước, vào 20h10 tối 08/09 trên kênh VTV1. Bộ phim còn lại - "Ngày con chào đời" dự kiến được phát sóng vào ngày 22/9.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư hy vọng rằng hai bộ phim sẽ có sự tác động mạnh mẽ đến người xem và tác phẩm của anh sẽ khiến suy nghĩ của nhiều người thay đổi, cũng giống như chính chuyến công tác lần này, thực hiện phim lần này đã khiến bản thân anh thay đổi rất nhiều.


Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Tôi sốc vì những gì diễn ra trước mắt - Ảnh 3.

NGÀY NHẬN NHIỆM VỤ VÀO TP HỒ CHÍ MINH CÔNG TÁC, ANH CÒN NHỚ CẢM XÚC LÚC ĐÓ?

- Tôi nhớ khi đó mình chỉ suy nghĩ và áp lực là sẽ làm gì. Trong đầu tôi lúc ấy luôn luôn nghĩ sẽ phải chọn đề tài ra sao vì khi vào vùng dịch như thế thì sẽ có rất nhiều câu chuyện, sự kiện và nhân vật điển hình. Mình phải tìm đề tài nào để làm và làm như thế nào. Khi đã có đề tài rồi thì cần phải liên hệ và tiếp cận nó ra sao. 

Còn nếu là sự lo lắng, do dự khi vào vùng dịch tác nghiệp thì tôi không có. Bản thân tôi cũng đã tiêm Vaccine nên cũng không nghĩ nhiều đến chuyện liệu mình có bị nhiễm bệnh hay không.

TRƯỚC CHUYẾN ĐI ĐẶC BIỆT, ANH CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ?

- Khi biết tôi vào TP Hồ Chí Minh tác nghiệp, bạn bè, anh em đồng nghiệp cùng lãnh đạo cơ quan quan tâm, hỏi han và động viên, cũng gửi tặng nhiều trang thiết bị cần thiết. Chuyến đi lần này có chăng sự khác biệt là đi vào nơi tâm dịch, nơi mà dịch COVID-19 đang diễn ra khắc nghiệt nhất trên cả nước ở thời điểm lúc bấy giờ. 

Như tôi đã nói, áp lực nhất lúc đó là mình sẽ làm gì còn những điều khác tôi vẫn chuẩn bị như các chuyến công tác trước đây, khác chăng là có thêm nhiều trang thiết bị, đồ dùng bảo hộ. Mọi người cũng dặn dò tôi kỹ hơn, nhắc nhở tôi cẩn thận hơn trong chuyến đi lần này.

VẬY CÒN GIA ĐÌNH ANH THÌ SAO, TÂM TRẠNG CỦA MỌI NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?

- Gia đình là nền tảng vững chắc, luôn ủng hộ tôi rất nhiều và trong chuyến đi lần này, từ bố mẹ, vợ và các con đều một lòng ủng hộ. Không có ai ngăn cản hay gàn khi biết tôi được giao nhiệm vụ vào tâm dịch. Họ cũng không bắt tôi lấy lý do này hay lý do khác để thoái thác nhiệm vụ. 

Mọi người chỉ động viên tôi cố gắng hoàn thành công việc để xong sớm rồi về sớm, cũng không quên nhắc tôi thực hiện tốt các quy tắc phòng chống dịch bệnh để tránh lây nhiễm. Sau này, hàng ngày tôi và gia đình vẫn thường xuyên gọi cho nhau, ngoài lời hỏi thăm, động viên thì tôi cũng biết ẩn sâu sau đó là sự lo lắng nhất định. Nhưng mọi người giấu vì hiểu nếu mình biết được thì lại có cảm giác do dự hay chùn bước trước nhiệm vụ được giao.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Tôi sốc vì những gì diễn ra trước mắt - Ảnh 4.

KHI VÀO TRONG ĐÓ, Ý TƯỞNG THỰC HIỆN PHIM XUẤT PHÁT TỪ ĐÂU VÀ TỪ THỜI ĐIỂM NÀO, THƯA ANH?

- Lúc vào đấy thì chúng tôi chưa có phương án cụ thể nào cả. Trong rất nhiều đề tài miên man suy nghĩ trong đầu, tôi quyết định làm về các thai phụ bị nhiễm COVID-19. Lý do tôi chọn đề tài này vì nghĩ cuộc sống giống như một vòng tròn luân hồi, dịch bệnh đã cướp đi rất nhiều sinh mạng nhưng bên cạnh đấy vẫn có những em bé được chào đời.

Người bình thường mắc COVID-19 đã rất khổ sở rồi thì không hiểu các thai phụ mắc COVID-19 sẽ vật vã như thế nào. Chính sự tò mò này đã khiến tôi quyết tâm theo đuổi. Nơi chúng tôi chọn tác nghiệp là khu K1 - Bệnh viện Hùng Vương, thành phố Hồ Chí Minh, nơi điều trị cho rất nhiều sản phụ đã bị nhiễm COVID-19. Sau khi anh Nguyễn Tôn Nam - tổ chức sản xuất liên hệ được với bệnh viện và được BGĐ bệnh viện đồng ý thì tôi và đồng nghiệp quay phim bàn bạc, chuẩn bị thiết bị. Chúng tôi cũng gặp đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Hùng Vương để nghe hướng dẫn về việc mặc và thay đồ bảo hộ đúng cách, làm sao tránh được sự lây nhiễm một cách tốt nhất. 

Vào được ngày thứ 2 thì tôi nhớ một buổi tối, tôi được chứng kiến đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Hùng Vương thuyết phục bệnh nhân để cố gắng giữ được cho họ thở dù họ đôi khi không chấp nhận, phản đối nhưng các bác sĩ vẫn rất nhẫn nại. Nếu không nghe theo bác sĩ thì chỉ số SPO2 của bệnh nhân sẽ tụt rất nhanh. Ranh giới sống chết lúc này bộc lộ rõ nhất, chỉ trong khoảnh khắc là thai phụ có thể bị ngất xỉu, mê man. 

Khi ấy, tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh quá. Chính vì vậy, tôi quyết định đặt tên phim là Ranh giới và dự định nói về ranh giới sự sống, cái chết, rồi sự ra đời của các em bé ở trong này.

NHƯ VẬY, BAN ĐẦU ANH CHỈ DỰ ĐỊNH THỰC HIỆN MỘT PHIM. VẬY LÝ DO GÌ KHIẾN ANH LẠI QUYẾT ĐỊNH TÁCH THÀNH 2 PHIM RIÊNG BIỆT?

- Đúng vậy, lúc đầu tôi chỉ nghĩ làm phim tài liệu và đặt tên là Ranh giới. Nhưng trong bệnh viện khoảng 1 tuần, chứng kiến cảnh đội ngũ y bác sĩ họ cứu chữa cho các bệnh nhân F0 thì tôi thấy họ hi sinh nhiều quá, cống hiến khủng khiếp quá, gấp không biết bao nhiêu % so với bình thường. Lúc đó, tôi thay đổi suy nghĩ và quyết định chọn đề tài về đội ngũ y tế bác sĩ đã vượt qua khó khăn để giành giật sự sống cho bệnh nhân cho bộ phim đầu tiên. 

Ý tưởng cho "Ngày con chào đời" ban đầu cũng có trong phim Ranh giới, sau đó tôi tách ra thành một phim nữa,  làm riêng về các em bé cất tiếng khóc chào đời nơi tâm dịch. Ra đời trong hoàn cảnh mẹ bị nhiễm COVID-19, các em bé chịu đủ mọi sự thiệt thòi. Những tưởng khi sinh ra sẽ được bình an, nhưng những tuần tiếp theo, các em buộc phải xa mẹ, sống trong những khu cách ly, cũng bị nhiễm COVID-19 rồi cũng trải qua nhiều lần xét nghiệm, kiểm tra. Khoảnh khắc mẹ con không được gặp nhau rất xót xa. 

Cái đau và khắc nghiệt hơn nữa là những giọt sữa mẹ quý giá nhất dành cho con trong những ngày đầu chào đời thì người mẹ lại phải vắt đổ đi và những người con lại được chăm bằng nguồn sữa bột. Những điều đó thể hiện sự khắc nghiệt, ngặt nghèo trong mùa dịch nhưng ở sâu đâu đó vẫn là tình yêu thương của mọi người trong gia đình và nỗi niềm của người mẹ người cha đang phải đi cách ly vẫn hướng về con mình, vẫn đau đáu một nỗi niềm, ước mơ, khát vọng được nhìn thấy con.

NHƯ VẬY, MỘT LẦN NỮA NHÂN VẬT ĐƯA ANH ĐẾN QUYẾT ĐỊNH CHỌN ĐỀ TÀI? 

- Các bác sỹ cho tôi động lực, niềm tin và cái nhìn khác về họ. Cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận hết được hi sinh của người bác sĩ. Ở đó, tôi mới thấy giữa bác sĩ và bệnh nhân không hề có bất cứ ranh giới nào. Bác sĩ chữa trị bằng cái tâm, bằng tấm lòng và những lúc gay go nhất, những lúc nguy hiểm nhất cần phải giành giật sự sống cho bệnh nhân là lúc người ta bộc lộ sự gần gũi nhất với người bệnh. Chính điều đấy đã khiến tôi suy nghĩ và phải làm riêng một bộ phim về đội ngũ y bác sĩ. 

Khi chứng kiến đội ngũ y bác sĩ làm như thế thì tôi coi đó là động lực cho mình, khích lệ mình. Tôi bị cuốn theo và rất hào hứng, ngày ngày đi cùng bác sĩ vào khu K1 chữa bệnh cho các bệnh nhân. Nó có một cái tinh thần khó tả lắm, khiến tôi chẳng nề hà, ngại ngần hay lo lắng gì cả mà lúc nào cũng rất hào hứng. Mà hào hứng đến độ tôi vào nhiều quá khiến các y bác sỹ phải khuyên vào ít thôi. Khi được 15 ngày thì họ bảo tôi không nên vào nữa, thời gian thế là đủ rồi, vào nhiều nữa thì sẽ dễ bị nhiễm. Thậm chí, còn thấy may mắn khi tôi chưa bị nhiễm bệnh. 

Trong hoàn cảnh như thế thì tôi không chọn một nhân vật cụ thể nào trong phim. Tôi không làm về riêng bất cứ cá nhân bác sỹ nào vì thấy tất cả mọi người từ hộ lý, bác sỹ, đều hi sinh và cống hiến đến 300% sức lực. 

Tác nghiệp trong môi trường đặc biệt, nhân vật cũng quá đặc biệt khiến tôi vô cùng kính phục họ và chính họ truyền cảm hứng ngược lại cho tôi. 

ANH ẤN TƯỢNG THẾ NÀO VỚI NHỮNG NHÂN VẬT LẦN NÀY CỦA MÌNH?

- Có quá nhiều điều, nhiều nhân vật để lại ấn tượng cho chúng tôi, khó có thể kể ra hết nhưng mỗi nhân vật để lại ấn tượng riêng. Về đội ngũ y bác sĩ, có những bác sĩ thì kiên trì, động viên bệnh nhân, cảm giác như những người nhà bệnh nhân, là người thân nhất an ủi bệnh nhân. Họ bảo đây là những lúc người ta cần mình nhất nên mình giúp được gì thì giúp, làm được gì thì làm để bệnh nhân đỡ cô đơn, trống trải và sự động viên tinh thần đấy cảm giác như liều thuốc khó tả trong giây phút sinh tử. Có bác sỹ điềm tĩnh nhưng đầy trí tuệ, đầy sự quyết đoán sáng suốt để giải quyết tình huống vấn đề. 

Có cả nữ hộ sinh khu K1 bị nhiễm COVID-19 và phải đi cách ly. Sau này, tôi có đến thăm cô ấy ở bệnh viện dã chiến cách ly điều trị COVID-19 thì biết con trai cũng ở đấy và cũng nhiễm COVID-19. Khi hỏi bị như này có lo không thì cô ấy bảo không lo, còn trả lời hồn nhiên "em đi an dưỡng ấy mà". Đối với cô thời gian đi điều trị COVID-19 được ví như đi an dưỡng vì được nghỉ ngơi nhưng thực sự thì lại mong muốn sớm khỏi bệnh để tiếp tục vào bệnh viện. Cô áy náy vì trong viện lúc này quá tải và muốn được hỗ trợ các bác sỹ cứu chữa bệnh nhân. Rồi còn có cả người cha không thể gặp con gái lần cuối, gục ngã khóc nấc lên khi nghe bác sỹ thông báo tình hình con trước khi mất, nhìn những hình ảnh cuối cùng của con trong điện thoại bác sỹ. Đồ đạc vẫn còn y nguyên đây nhưng người thì đã mất.

Trong "Ngày con chào đời", tôi còn nhớ quay cảnh bà đón cháu thì người bà rất xúc động, đến mức không khóc được. Bà bế cháu về nhà quay cho mẹ xem thì một bên bà cho cháu ăn sữa bột còn một bên người mẹ giơ lên bình sữa ngày ngày vắt bỏ đi. Hay hình ảnh chị hộ sinh chăm bé, hai tay cầm hai bình sữa cho hai cháu ti cùng lúc. Chỉ có một mình trông mấy chục cháu nên lúc nào chị ấy cũng phải làm rất nhanh.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Tôi sốc vì những gì diễn ra trước mắt - Ảnh 5.

KHI ĐÃ CÓ Ý TƯỞNG CHO HAI BỘ PHIM, ANH MẤT BAO NHIÊU THỜI GIAN CHO ĐẾN LÚC HOÀN THÀNH?

-  Chuyến công tác của chúng tôi kéo dài 21 ngày, trong đó phần lớn thời gian chúng tôi dành cho khu K1. Tôi xác định luôn trong chuyến đi là vào nơi tâm của tâm dịch, sẽ tiếp xúc thường xuyên với F0. Trong môi trường đặc biệt có khả năng lây nhiễm cao khủng khiếp như thế thì tôi xác định nằm trong diện bị nhiễm bất cứ lúc nào, khi "kẻ thù" vô hình luôn quẩn quanh bên mình. 

Chính vì vậy, ngay từ đầu là vào khu K1 tôi đã cố gắng tác nghiệp càng nhiều càng tốt và trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất để làm sao ghi được nhiều hình, nhiều nhân vật nhất. Nếu chẳng may bị nhiễm COVID-19 và khi vào khu cách ly thì tôi vẫn có thể làm được hậu kỳ, hoàn thành được phim.

HAI BỘ PHIM ĐƯỢC SẢN XUẤT TRONG CÙNG MỘT BỐI CẢNH, THỜI ĐIỂM. TÔI NGHĨ SẼ MANG ĐẾN NHIỀU THUẬN LỢI, NHƯNG CŨNG SẼ RẤT DỄ RƠI VÀO SỰ TRÙNG LẶP. ANH NGHĨ THẾ NÀO VỀ ĐIỀU NÀY?

- Ở Ranh giới, nếu như tôi tập trung làm về đội ngũ y bác sĩ thì bộ phim thứ 2 có nhiều điểm tươi sáng hơn, đi sâu vào nhân vật người mẹ, em bé và hoàn cảnh phải sống trong điều kiện dịch bệnh. Trong thời điểm suy nghĩ cùng lúc thực hiện hai bộ phim này, tôi đã phải tính làm thế nào phim sau không bị trùng lặp phim trước và cố gắng tách biệt đề tài hai phim.

Vì vừa làm suy nghĩ nên tôi cũng chưa tự tin lắm "Ngày con chào đời" có thể đứng được độc lập thành một phim. Tôi vẫn có phương án dự phòng có thể đưa chất liệu vào phim "Ranh giới" để phim được tròn trịa. Đến gần những ngày cuối tôi nghĩ có thể tách được ra hai phim.

Lúc làm hậu kỳ, tôi luôn nghĩ trong đầu nên dùng cảnh này không hay cảnh này dành để lại cho phim sau để tránh sự trùng lặp, nhàm chán. Đó cũng là áp lực khi thực hiện cùng lúc 2 bộ phim.

Tôi cũng nuối tiếc vì có những câu chuyện đang theo rồi đến phút cuối vì lý do nào đấy không theo được, có những cái mang đến cảm xúc cao trào tột cùng muốn gửi gắm, khiến người xem có cảm giác mạnh hơn, lớn hơn nhưng tôi lại không thực hiện được. 

ĐÂY CŨNG SẼ LÀ HAI BỘ PHIM TIẾP TỤC KHÔNG LỜI BÌNH NHƯ NHỮNG TÁC PHẨM TRƯỚC CỦA ANH?

- Cả hai bộ phim tôi tiếp tục không dùng lời bình. Đã từ rất lâu rồi khi tiếp cận phong cách này, cách thức làm phim này thì tôi thấy rất cuốn hút bởi đây là dòng phim hiện thực của cuộc sống, chính là hơi thở đang diễn ra của cuộc sống. Tôi quan sát, nhìn và cảm sau đó chắt lọc lại để đưa vào trong phim, để kể một câu chuyện đang thực tế như thế. Đây là dòng phim tôi nghĩ vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Tôi sốc vì những gì diễn ra trước mắt - Ảnh 6.

KHI ĐẶT TÊN PHIM LÀ "RANH GIỚI", ANH MUỐN NHẮN GỬI ĐIỀU GÌ ĐẾN NGƯỜI XEM?

- Đó là một từ có hàm ý rất đa nghĩa đa chiều. Nghĩa đầu tiên có thể ai xem phim cũng sẽ thấy, đó là K1 là khu biệt lập hoàn toàn, ngăn cách với bên ngoài qua 2,3 lớp cửa. Những người vào trong khu K1 phải mặc đồ bảo hộ cực kỳ cẩn thận và mọi thứ đều rất nghiêm ngặt. Toàn bộ khu K1 liên lạc với bên ngoài thì chỉ gọi qua điện thoại.

Ranh giới còn là khoảng cách giữa một người bác sĩ với một người bệnh nhân. Xem phim, khán giả sẽ hiểu bệnh nhân thì phải dùng oxy để thở, đối với bệnh nhân thai phụ đang mắc COVID-19 thì họ thở cho cả con nữa. Oxy không thể thiếu và là huyết mạch để nuôi sống bệnh nhân. Nhưng huyết mạch đấy có truyền đến cứu sống được bệnh nhân hay không thì phải trông chờ vào những "bình Oxy sống", chính là đội ngũ y bác sĩ. Bác sỹ phải giúp bệnh nhân thở, trông họ trong lúc thở, vận hành mọi thứ để có Oxy, lúc hết Oxy thì bóp bóng bằng tay cả đêm cho bệnh nhân.

Và một ranh giới nữa là khi phải đối mặt với sự sống và cái chết của bệnh nhân thì bác sỹ không màng đến sự lây nhiễm. Khi nhấn tim thì khả năng lây nhiễm là cao nhất nhưng các bác sỹ đã liên tục thay nhau nhấn tim để cứu thai phụ. Khoảnh khắc đấy là ranh giới không có rào cản về tình người, về sự quyết tâm giành giật sự sống cho các bệnh nhân.

Chính vì ý nghĩa này mà lần đầu tiên chúng tôi làm kỹ một bộ phim về đội ngũ bác sỹ của bệnh viện Hùng Vương nói riêng và thông qua bộ phim này thì muốn người xem nhìn nhận rộng hơn tất cả các y bác sĩ, đội ngũ y tế của cả nước mình đang gồng mình, hi sinh, cống hiến để cố gắng hết sức, giành giật sự sống cho tất cả bệnh nhân nhiễm COVID-19 khác.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Tôi sốc vì những gì diễn ra trước mắt - Ảnh 7.

LIỆU CÓ LÚC NÀO ANH PHẢI CHỌN LỰA GIỮA VIỆC NẾU DẤN THÂN THÊM MỘT CHÚT THÌ MÌNH SẼ CÓ THÊM TƯ LIỆU HAY, HÌNH ẢNH ĐẮT GIÁ HAY VÌ QUÁ NGUY HIỂM NÊN ĐÀNH PHẢI DỪNG LẠI? 

- Tôi nhớ có lần mình ở trong bệnh viện đã khoảng 7,8 tiếng, không ăn không uống và cả không đi vệ sinh. Tôi theo một ca nặng từ sáng và tiên lượng của bác sĩ từ giờ đến đêm sẽ phải cấp cứu. Khi có nhu cầu giải quyết cá nhân thì tôi xác định xuống và sau đó thay bộ đồ cá nhân khác để vào tiếp. Trước lúc đi tôi có hỏi bác sĩ tiên lượng trường hợp như thế này thì bao giờ cấp cứu, bác sĩ đoán chắc là vài tiếng nữa. 

Chính vì nghĩ còn vài tiếng nữa nên tôi đi ra, nghĩ giải quyết xong mọi thứ, thay bộ đồ khác chỉ mất chừng khoảng 20-30 phút. Nhưng khổ nỗi vừa ra được đến nơi, thay xong bộ bảo hộ, quần áo còn đang khử khuẩn thì chuông báo động kêu lên, sản phụ đó phải cấp cứu. Lúc này tôi đành bất lực vì có thay bộ mới cũng không kịp thời gian, chưa kể không kịp khử khuẩn mọi thứ nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Tiếc là tôi đã bỏ lỡ một câu chuyện đáng thương như thế. 

Càng về cuối, tôi càng muốn có thêm hình ảnh nhưng cũng nhận được nhiều lời khuyên không nên quay nữa. Tôi cũng nghĩ nhân vô thập toàn, mọi thứ đều khó tròn trịa được nên tôi dừng lại. 

CÓ SỰ CỐ NÀO XẢY RA NẰM NGOÀI DỰ TÍNH CỦA CÁC ANH TRONG LÚC TÁC NGHIỆP?

- Vì phim làm không lời bình, có nghĩa là mình phải ghi một lượng file rất lớn và đặc biệt tác nghiệp nhanh, quan trọng nhất là thu được tiếng. Hai ngày đầu tiên thì tiếng bị ồn và chúng tôi không thể tác nghiệp nổi. Mic thì không thể đeo được cho bất kỳ ai vì họ mặc đồ bảo hộ và người ta cũng quá bận. Khi vào phòng điều trị thì có quá nhiều âm thanh khác. Tiếng máy thở, monitor, đo nhịp tim quá lớn ảnh hưởng rất nhiều trong việc thu tiếng của nhân vật. Cuối cùng sau khi gọi điện hỏi bạn bè, chúng tôi cũng tìm ra phương án, dù thực sự chất lượng thì không được như ý muốn. 

Cùng với đó là việc bảo hộ cho các thiết bị ghi hình. Ban đầu, chúng tôi lấy màng bọc thực phẩm thức ăn bằng giấy bóng cuốn vào máy quay, nhưng xong thì không dùng nổi vì khi quấn không thể lấy nét cũng không thể zoom out zoom in được nên đành bỏ ra. Cuối cùng mỗi lần tác nghiệp xong thì phải khử khuẩn với khử cồn ướt hết máy. Máy được 3 hôm thì bị kẹt bị đơ, bị chập không nhận lệnh và chúng tôi chấp chận phương án lúc ấy là có thể hỏng máy và phải mượn máy khác.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Tôi sốc vì những gì diễn ra trước mắt - Ảnh 8.

ANH ĐỐI DIỆN THẾ NÀO VỚI LẦN MÌNH CÓ NGUY CƠ NHIỄM BỆNH?

- Câu chuyện này xuất phát từ việc 3 đến 5 ngày tôi phải test PCR 1 lần. Có một lần tôi test cùng với một nhóm 5 người, trong đó có cả các y bác sĩ. Sáng xét nghiệm thì chiều tôi được báo xét nghiệm lại lần nữa, và tôi là một trong 3 người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Lúc đó, tôi không lo lắng nhiễm bệnh mà chỉ lo không thể hoàn thành phim, nếu quay chưa xong thì đành phải vào khu cách ly và đành thay đổi phim đi theo hướng khác. Hôm sau xét nghiệm lại thì tôi nhận kết quả âm tính, nhưng đáng tiếc hai người còn lại trong nhóm thì dương tính.

Rồi có lần trong khu K1, khi quay một chị thai phụ to nặng cần chuyển sang phòng khác, giường bệnh khác để thở máy và nguồn oxy cung cấp mới, vì không đủ người khênh sang giường nên mọi người gọi tôi hỗ trợ. Tình huống không may tôi bị rơi kính chống giọt bắn ra và bác sỹ bảo phải bỏ ngay. Nhưng kính mới thì không có, ra ngoài gọi xin thì phức tạp nên tôi nhanh ý mang kính ra xịt đầy cồn để khử khuẩn rồi lại đeo lại. 

Lúc biết có nguy cơ nhiễm bệnh tôi khá bình thản vì ngay từ đầu xác nhận có thể bị nhiễm. Tôi suy nghĩ không quá nặng nề, mặc dù chứng kiến bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 khổ như thế nào nhưng tôi lại nghĩ mình không sao, có lẽ bởi tâm lý đã tiêm Vaccine, ý thức tập luyện, tập thở, nên không nặng nề đặt vấn đề nhiễm hay không. Nếu có nhiễm phải đi cách ly thì tôi cũng có tư liệu để làm hậu kỳ phim. Điều này cũng khó giải thích lắm nhưng nhìn thấy các bác sỹ cũng bị nhiễm, rồi điều trị khỏi lại quay về làm việc nên tôi thấy mọi thứ trở nên cũng bình thường.

NHIỀU PHÓNG VIÊN, BTV VÀO TP HỒ CHÍ MINH VÀ TỪNG CHO BIẾT THỰC TẾ HỌ CHỨNG KIẾN KHÁC XA VỚI NHỮNG GÌ ĐÃ NGHĨ. ANH CÓ BỊ SỐC TRƯỚC NHỮNG GÌ DIỄN RA TRƯỚC MẮT MÌNH?

- Thực sự những gì chúng tôi chứng kiến khác xa với những gì mình nghĩ. Trong suy nghĩ của tôi khi xem hình ảnh, phim về COVID-19 ngay cả của nước ngoài cũng chỉ thấy một bệnh nhân nằm bất động ở trên giường và cắm ống thở, nếu không bất động thì nằm yên trên giường vẫn tỉnh táo, vẫn cắm ống thở và mình cũng không hiểu con virus SARS-CoV-2 này làm cho người ta khổ sở như thế nào, sao nó khốc liệt, kinh khủng thế thì ngày đầu tiên vào khu K1 tôi đã được chứng kiến cảnh các thai phụ mắc COVID-19 kinh khủng như thế nào.

Đúng là lúc đó tôi bị sốc, sốc bởi khác xa với những gì mình được xem, được nhìn. Được chứng kiến những cái giây phút mà người bệnh nhân sợ không thở được và thèm thở, muốn thở thì nó mới khủng khiếp như thế nào. Người bình thường thở đã khó, thai phụ thở cho hai người còn khó gấp đôi. Tôi sốc khi chứng kiến, nhìn tận mắt, thấy bệnh nhân chỉ trong tích tắc vừa nói chuyện, vừa được mình giơ tay động viên cố lên thì chỉ 2 phút sau ngoảnh lại đã nằm bất động và các bác sỹ đang phải dồn lực để nhấn tim cho thai phụ đấy.  Từ đó tôi mới thấy là sao cuộc sống con người mỏng manh, dễ dàng mất đi như thế trong mùa dịch này. Chính điều đấy khiến cho tôi sốc và tự ngẫm trân trọng cuộc sống, quý trọng hơi thở mình đang có hơn. 

Điều khiến tôi sốc nữa khi bác sỹ lựa chọn cứu mẹ hay cứu con. Họ đã bàn bạc rất kỹ nhưng công việc buộc họ phải lựa chọn cứu một trong hai. Rồi từ đó mình thấy có những việc ta được lựa chọn nhưng có những cái ta không được lựa chọn. Bác sỹ tâm sự ngày xưa nếu cứu chữa bệnh nhân theo phác đồ đấy, quy trình đấy phương thức đấy thì tự tin sẽ cứu được bệnh nhân nhưng đối với bệnh nhân thai phụ mắc COVID-19 thì niềm tin đấy không còn nữa, bản thân các bác sỹ nói nó cũng mong manh quá, không còn cho mình quyền quyết định cứu được hay không. 

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Tôi sốc vì những gì diễn ra trước mắt - Ảnh 9.

Ở NƠI THƯỜNG XUYÊN ĐỐI MẶT VỚI SỰ SINH TỬ, CÓ LÚC NÀO ANH KHÔNG THỂ CHI PHỐI ĐƯỢC CẢM XÚC CỦA MÌNH? 

- Điều đặc biệt trong quá trình làm phim là tôi đã luôn cố gắng để cảm xúc của mình không chạy theo những gì đang diễn ra. Mỗi khi có câu chuyện đau đớn xảy ra trước mắt mình, nếu mình thả cảm xúc theo là mình khóc, mình cảm động rồi chảy nước mắt không làm được. 

Đối mặt với những việc đấy và sau những lần đấy tôi nghĩ lại thời gian cho mình ở đây không nhiều, chính vì thế mình phải bằng mọi cách cố gắng vượt qua và tách biệt được cảm xúc để hoàn thành tốt công việc. 

Sau khi làm hậu kỳ, xem lại những hình ảnh đã quay và trở thành khán giả, những cảm xúc ấy lại ùa trở về, làm cho tôi cảm thấy rất ngột ngạt và khó làm tiếp được. Lúc đó tôi lại phải nghỉ ngơi, trấn an lại tinh thần để hoàn thành bộ phim một cách tốt nhất.

ANH NGHĨ NHỮNG HÌNH ẢNH TRONG BỘ PHIM LẦN NÀY SẼ TÁC ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN KHÁN GIẢ? 

- Tôi nghĩ phim sẽ tác động mạnh mẽ đến người xem và hy vọng thông qua bộ phim khán giả sẽ có một cái nhìn tường tận hơn về sự khắc nghiệt khi bị mắc COVID-19 như thế nào. Khi xem những cảnh trong phim, mọi người có lẽ sẽ nghĩ cần phải cẩn trọng, tự bảo vệ mình trước dịch bệnh. Thông qua bộ phim mọi người sẽ thấy quý trọng bản thân, quý trọng cuộc sống và những gì đang có, quý trọng sự hi sinh của đội ngũ y tế ở tuyến đầu đang ngày đêm căng mình chống dịch. Quý trọng tình cảm mà họ trao cho nhau, dành cho nhau, quý trọng sự tử tế đoàn kết vượt khó của cả một đội ngũ. 

Thông điệp của phim chính là sự vượt khó, tình yêu, sự hi sinh quên mình của các bác sỹ dành cho thai phụ, của các thai phụ dành cho con và đằng sau đấy là cả gia đình, cộng đồng, xã hội, đất nước đang chống chọi với đại dịch khủng khiếp COVID-19. Mong sao một ngày dịch bệnh qua đi và mọi người trở lại cuộc sống bình thường.

ĐIỀU GÌ CÒN ĐỌNG LẠI TRONG ANH SAU CHUYẾN ĐI LẦN  NÀY?

- Có quá nhiều điều đọng lại đối với tôi. Đó là tôi có cái nhìn khác hơn, sâu hơn về cuộc sống. Với đội ngũ y tế bác sĩ, tôi cảm phục, yêu quý họ hơn, có động lực, nghị lực hơn và quyết tâm lao động, làm việc. Tôi trân trọng cuộc sống mình đang có. 

TỪ VỊ TRÍ NGHỀ NGHIỆP, ANH THẤY MÌNH CÓ TRÁCH NHIỆM NHƯ THẾ NÀO TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG COVID-19? 

- Tôi tự ý thức có trách nhiệm với nghề nghiệp đang theo đuổi, bởi từ vị trí một phóng viên, đạo diễn thì tôi nghĩ mình phải xông pha, truyền tải những cái mình cần truyền tải nhất để gửi tới khán giả. 

Đối với tôi, được vào thành phố Hồ Chí Minh tác nghiệp là cơ hội rất lớn, có được trải nghiệm về bệnh dịch khủng khiếp. Những hình ảnh trong phim sau này được lưu giữ lại sẽ là những thước phim tư liệu quý giá, giúp khán giả nhìn lại giai đoạn lịch sử đầy khắc nghiệt. Càng khó khăn bao nhiêu, càng khắc nghiệt bao nhiêu thì tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tinh thần hy sinh của mỗi người dân Việt nam lại lớn lao hơn bao giờ hết. Tôi thầm cảm ơn vì đã có cơ hội đi vào trong tận cùng nơi khắc nghiệt nhất để ghi nhận phản ánh điều đó và truyền tải lên phim.

XIN CẢM ƠN ANH VỀ CUỘC PHỎNG VẤN! 

THỰC HIỆN: CHU ANH

08/09/2021

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước