VTV.vn - Mặc dù không giành ngôi vô địch ABU Robocon 2019, đội tuyển Việt Nam đã thể hiện xuất sắc tại đấu trường quốc tế và nhận được giải thưởng danh giá nhất của cuộc thi.

Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương 2019 (ABU Robocon 2019) đã khép lại với ngôi vô địch được trao cho đội tuyển Hong Kong (Trung Quốc) sau khi giành chiến thắng tuyệt đối Uukhai trước đội tuyển Mông Cổ 1 của nước chủ nhà. Mặc dù đội tuyển Việt Nam chỉ dừng lại tại Bán kết, tuy nhiên, không chỉ người hâm mộ Việt Nam mà cả Ban Tổ chức, khán giả quốc tế và các đội bạn đều đã công nhận và ấn tượng trước những gì mà các chàng trai Đại học Lạc Hồng, đại diện cho Việt Nam, thể hiện trên sân thi đấu quốc tế.

Bên cạnh giải Ba của cuộc thi, đội tuyển Việt Nam còn vinh dự nhận được giải thưởng danh giá nhất của cuộc thi - ABU Robocon Award. Đây là giải thưởng được Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương trao cho đội tuyển có giải pháp kỹ thuật xuất sắc nhất mỗi mùa ABU Robocon, một giải thưởng mà thậm chí đội tuyển vô địch cũng chưa chắc đã đạt được. Ngoài ra, đội tuyển Việt Nam còn nhận được giải thưởng của nhà tài trợ Mabuchi.

Để đạt được thành công này, đội tuyển LH-WAO đến từ Đại học Lạc Hồng đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách từ các tài năng trẻ khác để đại diện Việt Nam đến tranh tài tại đấu trường quốc tế ABU Robocon 2019.

Chiến thắng tuyệt đối với thời gian kỷ lục tại Robocon Việt Nam 2019

Tại vòng loại khu vực phía Nam cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam - Robocon Việt Nam 2019, đội tuyển LH-WAO đã trở thành 1 trong 8 đội tuyển đạt thành tích cao nhất để bước vào vòng chung kết toàn quốc tổ chức tại Hải Dương.

Để giành tấm vé vào vòng chung kết toàn quốc, LH-WAO cần phải vượt qua các đối thủ mạnh đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Trần Đại Nghĩa... và thậm chí cả những "người anh em" của mình dưới cùng mái trường Đại học Lạc Hồng. Trải qua hai vòng đấu đầy căng thẳng và hồi hộp, cuối cùng, LH-WAO cùng 4 đại diện khác của Đại học Lạc Hồng là LH-BFF, LH-OCEAN, LH-STORM và LH-LEGEND đã cùng nhau tiến vào vòng chung kết cuộc thi Robocon Việt Nam 2019 diễn ra tại Hải Dương.

Tuy nhiên, không đơn giản như vòng loại, vòng chung kết toàn quốc Robocon Việt Nam 2019 là nơi tụ hội của 32 đội tuyển tài năng đã xuất sắc vượt qua vòng loại khu vực, mang theo sự kỳ vọng của các thầy cô và bạn bè từ các trường Đại học, Cao đẳng kỹ thuật trên cả nước. Những thiết kế, cơ cấu vận hành và giải pháp kỹ thuật hiệu quả nhất trong chế tạo và điều khiển robot áp dụng cho đề thi Robocon năm nay của các trường đều đã được khảo nghiệm qua vòng loại để bước vào vòng chung kết. Thử thách đặt ra cho đội tuyển mong muốn trở thành đại diện của Việt Nam tham dự vòng đấu quốc tế là rất lớn.

Chủ đề luật thi ABU Robocon 2019

Tại vòng chung kết, 32 đội tuyển được chia thành 8 bảng, mỗi bảng gồm 4 đội tuyển. Vượt qua các trận đấu vòng bảng của vòng chung kết, 16 đội tuyển xuất sắc giành quyền đi tiếp vào vòng 1/8. Đây là vòng đấu loại trực tiếp, do đó, cơ hội làm lại cho những sai lầm là gần như bằng không. Sau vòng 1/8, chỉ có 8 đội tuyển chiến thắng được đi tiếp vào tứ kết để rồi tranh tài tại bán kết, chung kết nhằm tìm ra ngôi vô địch và cũng là đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương 2019 diễn ra tại Mông Cổ.

Liên tiếp những bất ngờ xảy ra. Những kết quả không thể đoán trước được đã khiến các đội tuyển và khán giả phải ngỡ ngàng. Nhiều đội tuyển mạnh tại vòng loại khu vực đã phải dừng bước, trong đó bao gồm cả các đại diện đến từ Đại học Lạc Hồng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Sao Đỏ...

Cơ cấu di chuyển robot MR2 tại VCK Robocon Việt Nam 2019 giống những sinh vật nào?

Là 1 trong những đội tuyển của Đại học Lạc Hồng lọt vào vòng chung kết Robocon Việt Nam 2019, các chàng trai của LH-WAO không chỉ mang theo niềm tin của thầy cô, bạn bè mà còn gánh trên vai sự kỳ vọng từ những khán giả hâm mộ Robocon đối với đại diện của ngôi trường liên tiếp bảo vệ thành công chức vô địch trong những năm qua.

Trong khi một số "người anh em Lạc Hồng" đã không thể đi tiếp, tại bảng D của vòng bảng, đội tuyển LH-WAO đã thể hiện bản lĩnh đầy ấn tượng khi không chỉ đứng đầu bảng mà còn duy trì kỷ lục Uukhai ở 28 giây trong cả 3 lượt trận. Qua đó, các chàng trai LH-WAO đã giành tấm vé đi vào vòng 1/8 Robocon Việt Nam 2019.

Đội tuyển Việt Nam đã chinh phục ABU Robocon 2019 như thế nào? - Ảnh 3.

Đề thi Robocon 2019 lấy cảm ứng từ hệ thống truyền tin của Mông Cổ

Tại lượt trận thứ ba của vòng 1/8, đội tuyển LH-WAO gặp đội tuyển SAO ĐỎ DOC 97 đến từ Đại học Sao Đỏ. Đây là một trận đấu loại trực tiếp và cả hai đội đều là những đội tuyển đã thể hiện rất tốt trong những trận đấu trước. Ngay từ đầu trận đấu, LH-WAO đã nhanh chóng vượt qua đối thủ. Tuy nhiên, đại diện của Lạc Hồng phải mất tới hai lần leo lên đỉnh Uurtu mới có thể đạt chiến thắng tuyệt đối Uukhai ở 50 giây.

Ở trận tứ kết thứ hai của Robocon Việt Nam 2019, LH-WAO đã gặp phải SPK-WIND đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Đây là trận đấu được mong chờ khi diễn ra giữa hai đại diện mạnh đến từ vòng loại khu vực phía Nam. Mặc dù SPK-WIND gặp sự cố nên không thể bắt kịp LH-WAO nhưng không thể phủ nhận tốc độ đạt Uukhai đáng kinh ngạc của đại diện đến từ Lạc Hồng. Kỷ lục mới về thời gian chiến thắng tuyệt đối Uukhai tại cuộc thi lập tức được xác lập ở 24 giây.

Bước sang trận bán kết gặp SAO ĐỎ LEGEND của Đại học Sao Đỏ, LH-WAO không cho đối thủ cơ hội phản công khi băng băng lao về đích, tiếp tục duy trì thành tích Uukhai ở 24 giây, qua đó giành tấm vé đầu tiên đi vào trận chung kết.

Đội tuyển Việt Nam đã chinh phục ABU Robocon 2019 như thế nào? - Ảnh 4.

Đại học Lạc Hồng liên tiếp bảo vệ thành công chức vô địch Robocon Việt Nam trong những năm qua

Ở trận đấu quyết định cuối cùng, dù SKH3 của Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên sở hữu những robot có tốc độ rất nhanh, độ chính xác cao và hoạt động ổn định, bám đuổi rất sát LH-WAO nhưng đại diện của Lạc Hồng vẫn xuất sắc hơn một phần. Kết quả, LH-WAO đã khiến các chàng trai của Hưng Yên phải thua "tâm phục khẩu phục" khi lại một lần nữa hoàn thành chiến thắng tuyệt đối Uukhai ở 24 giây. 

Đây cũng là trận chung kết hiếm hoi tại sân chơi Robocon Việt Nam trong những năm qua khi mà không có nước mắt rơi ở phía đội không giành phần thắng dù hai đội đến từ hai trường khác nhau mà thay vào đó là nụ cười và lời chúc của đối thủ dành cho nhà vô địch.

Đội tuyển Việt Nam đã chinh phục ABU Robocon 2019 như thế nào? - Ảnh 5.

Đội tuyển LH-WAO vô địch Robocon Việt Nam 2019

Nhà vô địch LH-WAO chia sẻ gì về chiến thắng tại Robocon Việt Nam 2019?

Chuẩn bị sẵn sàng cho ABU Robocon 2019

Vinh dự trở thành đại diện của Việt Nam tham dự ABU Robocon 2019, đội tuyển LH-WAO chỉ có khoảng 3 tháng để cải tiến robot trước khi tranh tài với những đội tuyển tầm cỡ đến từ các nước bạn. Nhận thấy cơ cấu di chuyển của MR2 có phần chưa hiệu quả khi đối đầu với những đối thủ mạnh như đội tuyển Nhật Bản hay đội tuyển Trung Quốc, các chàng trai của LH-WAO đã quyết định thay đổi chú robot này.

Thay vì cơ cấu bật nhảy để vượt qua chướng ngại vật như tại vòng chung kết toàn quốc, đội tuyển đại diện Việt Nam sử dụng cơ cấu bật móng cho MR2, một ý tưởng thiết kế đến từ một đội "anh em" tại Đại học Lạc Hồng. Khi chạm tới các chướng ngại vật, robot này tự động gập hai chân trước xuống, đổi sang một cơ cấu di chuyển khác để vượt qua.

MR2 mới của LH-WAO có thể coi là sự kết hợp tinh hoa của những thiết kế ưu việt nhất đến từ các tài năng trẻ của Đại học Lạc Hồng. Tuy nhiên, không chỉ MR2 được cải tiến, nhân vật giữ vai trò quyết định cho phép MR2 leo lên đỉnh núi Urtuu, chính là MR1, cũng được nâng cấp. Các chàng trai Lạc Hồng đã đã sử dụng bánh xe không đảo hướng cho MR1 nhưng tích hợp bộ điều hướng cho từng bánh như xe hơi. Ngoài ra, robot còn được trang bị 8 động cơ để điều khiển 4 bánh xe, đảm bảo tính linh động, giảm thiểu ma sát của bánh.

Đội tuyển Việt Nam đã chinh phục ABU Robocon 2019 như thế nào? - Ảnh 8.

MR1 và MR2 của đội tuyển LH-WAO sau khi cải tiến

Mọi sự chuẩn bị đều được hoàn thành gấp rút trong 3 tháng để sẵn sàng cho con đường chinh phục đấu trường quốc tế của LH-WAO - đội tuyển Việt Nam tại ABU Robocon 2019.

Thiếu một chút để chạm tới ngôi vô địch ABU Robocon 2019

Bước chân tới cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương, nếu muốn chạm tay tới chức vô địch, đội tuyển Việt Nam phải thi đấu và vượt qua 16 đội tuyển khác, trong đó bao gồm những đội tuyển đã có những màn thể hiện ấn tượng tại sân thi đấu nước nhà như đại diện của Trung Quốc, Nhật Bản và nước chủ nhà Mông Cổ.

Tại vòng bảng của cuộc thi ABU Robocon 2019, 17 đội tuyển được chia thành 6 bảng, trong đó, từ bảng A - bảng E, mỗi bảng gồm 3 đội và bảng F gồm 2 đội. Các đội thi đấu vòng tròn một lượt để chọn ra những đội tuyển giành chiến thắng đi tiếp vào vòng trong. Theo kết quả bốc thăm chia bảng, đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Mông Cổ 1 - một trong hai đại diện của nước chủ nhà tại bảng F.

Ngay từ bước khởi đầu, may mắn đã không mỉm cười với đội tuyển Việt Nam. Tại trận đấu đầu tiên ở ABU Robocon 2019, mặc dù dẫn trước đội bạn khá xa ngay từ khi mở đầu trận đấu, tuy nhiên, sau khi vượt qua khu vực đụn cát, MR2 của đội tuyển Việt Nam đã gặp sự cố. Không bỏ lỡ cơ hội quý báu, MR2 của đội tuyển Mông Cổ 1 đã vượt lên và giành chiến thắng tuyệt đối Uukhai. Trận đấu kết thúc sau 44 giây.

Đội tuyển Việt Nam đã chinh phục ABU Robocon 2019 như thế nào? - Ảnh 9.

MR2 của đội tuyển Việt Nam không giống với thiết kế robot của bất kỳ đội tuyển nào

Bảng F chỉ gồm 2 đội tuyển là đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Mông Cổ 1. Do đó, lượt trận thứ hai của đội tuyển Việt Nam là trận tái đấu với đội tuyển Mông Cổ 1 và cũng là lượt trận cuối cùng của bảng này. Do đã khắc phục được sự cố từ trận đầu, đội tuyển Việt Nam đã lấy lại phong độ dù vẫn còn một số trục trặc kỹ thuật. Kết quả, một chiến thắng tuyệt đối Uukhai dành cho đội tuyển Việt Nam với thời gian 29 giây.

Với thành tích đạt được tại vòng bảng, đội tuyển Việt Nam trở thành 1 trong 8 đội tuyển đi tiếp vào Tứ kết. Tại đây, thử thách đã nâng lên một bậc khi các đội tuyển tiến vào Tứ kết đều là những đội tuyển được coi là ứng viên cho chức vô địch ABU Robocon 2019.

Trong lượt trận Tứ kết thứ ba, đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Thái Lan. Đây có thể coi là trận đấu căng thẳng đầu tiên mà đội tuyển Việt Nam gặp phải khi bước tới ABU Robocon 2019. Thực lực của đội bạn không hề thua kém, robot của hai đội liên tục có những pha tăng tốc ấn tượng, điểm số của hai đội bám đuổi nhau sát nút. Tuy nhiên, với việc MR1 hoàn thành ném Shagai mặt vàng ngay trong lượt ném đầu tiên, tạo điều kiện cho MR2 leo lên đỉnh núi Urtuu và giơ cao thẻ bài, đội tuyển Việt Nam đã giành chiến thắng tuyệt đối Uukhai ở 40 giây kèm theo tấm vé vào bán kết ABU Robocon 2019.

Bất ngờ là trận Bán kết thứ hai của ABU Robocon 2019 lại trở thành trận tái đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Mông Cổ 1. Đây cũng là một trận đấu vô cùng kịch tính không kém gì trận Tứ kết. Đội tuyển Việt Nam dù dẫn trước nhưng do gặp sự cố với MR2 nên đã để robot của đội tuyển Mông Cổ 1 theo kịp.

Một tình huống hiếm có xảy ra tại ABU Robocon 2019 khi MR2 của cả hai đội tuyển đều gần như cùng leo lên đỉnh núi cùng lúc. Trận đấu kết thúc khi MR2 của hai đội đều giơ cao thẻ bài Gerege. Kết quả trận đấu lúc này phụ thuộc vào sự đánh giá của Ban Giám khảo ABU Robocon 2019.

Đội tuyển Việt Nam đã chinh phục ABU Robocon 2019 như thế nào? - Ảnh 10.

Ban Giám khảo và Tổ Trọng tài xem kỹ lại video quay chậm của trận đấu trước khi đưa ra phán quyết

Theo phán quyết của Ban Giám khảo, đội tuyển Mông Cổ 1 đã giành chiến thắng và đi tiếp vào Chung kết ABU Robocon 2019. Như vậy, đội tuyển Việt Nam đành dừng chân tại Bán kết với đồng giải Ba của ABU Robocon 2019 cùng đội tuyển Trung Quốc.

Mặc dù vậy, những nỗ lực của đội tuyển Việt Nam trên sân thi đấu đều được Ban Tổ chức, khán giả quốc tế và các đội bạn ghi nhận. Có thể thấy rõ, thiết kế robot cũng như cơ cấu di chuyển MR2 của đội tuyển Việt Nam hoàn toàn không giống với bất kỳ đội tuyển nào tham dự ABU Robocon năm nay. Trong khi phần lớn các đội tuyển của các nước chọn thiết kế MR2 với cơ cấu di chuyển giống xe tăng, tương tự như MR2 của một số đội tuyển ở vòng chung kết toàn quốc tại Việt Nam, đại diện của Việt Nam vẫn giữ thiết kế robot với 4 chân tách biệt rõ ràng, mô phỏng một chú ngựa mini. Trong buổi trình diễn robot sau khi các trận đấu tại ABU Robocon 2019 đã khép lại, rất đông đội bạn tụ quanh khu vực robot của đội tuyển Việt Nam để giao lưu, học hỏi về ý tưởng thiết kế độc đáo này.

Những thiết kế robot ấn tượng được các đội tuyển quan tâm trong buổi trình diễn robot sau trận đấu

Trước khi đội tuyển Việt Nam lên đường, ông Huỳnh Cao Tuấn - Chỉ đạo viên của LH-WAO từng chia sẻ: "Mục đích khi đi thi tại vòng quốc tế không phải là chuyện thắng thua. Điều quan trọng nhất là khi đi ra quốc tế, đại diện Việt Nam mang tới một sản phẩm để bạn bè quốc tế nhìn vào sẽ thấy có sự sáng tạo. Từ đó, họ sẽ đánh giá cao năng lực của sinh viên Việt Nam, đánh giá cao nền khoa học công nghệ của Việt Nam". Và các chàng trai đại diện cho Việt Nam tham gia thi đấu đã thực hiện đúng theo lời dạy của thầy.

Đội tuyển Việt Nam nhận giải Ba và giải thưởng ABU Robocon 

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước