Các đội tuyển ABU Robocon 2019 trình diễn robot và chia sẻ kinh nghiệm thiết kế, chế tạo robot
Các trận đấu tại Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương (ABU Robocon 2019) đã khép lại, tuy nhiên, cuộc thi vẫn chưa vì vậy mà kết thúc. Sau cùng, mục đích của cuộc thi vẫn là nơi để các tài năng trẻ cùng nhau thi đấu, chia sẻ và học hỏi những tinh hoa công nghệ từ các nước bạn.
Năm nay, ABU Robocon được tổ chức tại thành phố Ulaanbaatar, Mông Cổ với thông điệp là "Chia sẻ kiến thức". Sau những trận tranh tài đỉnh cao tại sân chơi quốc tế, hôm nay (26/8), các đội tuyển lại một lần nữa tụ hội về sân thi đấu để tìm hiểu kỹ hơn về những giải pháp công nghệ, giải pháp kỹ thuật ưu việt được ứng dụng trong cuộc thi năm nay.
Tại đây, các đội tuyển đã trình diễn những bước di chuyển của robot và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về thiết kế, chế tạo robot với các đội tuyển khác để cùng nhau học hỏi về những ý tưởng thiết kế độc đáo, những giải pháp kỹ thuật hiệu quả trong chế tạo và thi đấu robot.
Các đội tuyển trình diễn robot tại ABU Robocon 2019
Mặc dù chỉ dừng chân tại Bán kết, tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam lại là đội tuyển vinh dự nhận giải thưởng danh giá nhất - ABU Robocon Award tại cuộc thi năm nay. Đây là giải thưởng được Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á -Thái Bình Dương trao cho đội tuyển có giải pháp kỹ thuật xuất sắc nhất mỗi mùa ABU Robocon.
Có thể thấy rõ, thiết kế robot cũng như cơ cấu di chuyển MR2 của đội tuyển Việt Nam hoàn toàn không giống với bất kỳ đội tuyển nào tham dự ABU Robocon năm nay. Trong khi phần lớn các đội tuyển của các nước chọn thiết kế MR2 với cơ cấu di chuyển giống xe tăng, tương tự như MR2 của một số đội tuyển ở vòng chung kết toàn quốc tại Việt Nam, đại diện của Việt Nam vẫn giữ thiết kế robot với 4 chân tách biệt rõ ràng, mô phỏng một chú ngựa mini. Tuy nhiên, thay vì cơ cấu bật nhảy để vượt qua chướng ngại vật như tại vòng chung kết toàn quốc, đội tuyển Việt Nam đã sử dụng cơ cấu bật móng cho MR2, một ý tưởng thiết kế đến từ một đội "anh em" tại Đại học Lạc Hồng.
MR1 và MR2 của đội tuyển Việt Nam
Đối với MR1, đội tuyển Việt Nam đã sử dụng bánh xe không đảo hướng nhưng tích hợp bộ điều hướng cho từng bánh như xe hơi. Ngoài ra, robot còn được trang bị 8 động cơ để điều khiển 4 bánh xe, đảm bảo tính linh động, giảm thiểu ma sát của bánh.
Các robot của đội tuyển Việt Nam đều đã chứng minh được hiệu quả trong thi đấu so với các giải pháp kỹ thuật khác tại ABU Robocon 2019. Điều này không chỉ được Hội đồng ABU mà cả các đội tuyển khác cùng khán giả quan tâm theo dõi Robocon công nhận.
Đội tuyển Việt Nam giành giải Ba và giải thưởng của ABU Robocon tại vòng thi quốc tế năm nay
Ngoài ra, không thể không nhắc tới các robot của đội tuyển Trung Quốc tại cuộc thi năm nay. Đội tuyển Trung Quốc đã sử dụng Carbon làm vật liệu chủ đạo trong thiết kế, giúp robot không chỉ nhẹ mà còn chắc chắn, một trong những điều kiện để tạo nên những pha di chuyển thần tốc của robot trên sân thi đấu. MR1 của đội tuyển được trang bị 4 động cơ có khả năng xoay chuyển hướng độc lập, cho tốc độ chạy cực nhanh và chính xác. Điều này đã được thể hiện rõ trên sân thi đấu khi MR1 của đội tuyển Trung Quốc hoàn toàn bỏ xa MR1 của các đội tuyển khác.
MR1 của đội tuyển Trung Quốc với thiết kế chắc chắn bằng vật liệu Carbon
Trong khi đó, MR2 của đội tuyển Trung Quốc có 4 chân đi di chuyển như ngựa. Mỗi chân của MR2 có khả năng xoay độc lập tại khớp vai giúp robot chuyển động bước theo đa hướng rất linh hoạt, kết hợp thêm cơ cấu tự cân bằng trên robot. Nhờ cơ cấu này, MR2 có đường đi ngắn hơn do không mất thời gian xoay robot khi vượt qua các chướng ngại vật.
Với sự kết hợp ăn ý của MR1 và MR2, không bỏ phí một giây nào trong khi thi đấu, đội tuyển Trung Quốc đã tạo nên kỷ lục tại ABU Robocon 2019 khi giành chiến thắng tuyệt đối Uukhai chỉ trong... 17 giây trong trận đấu vòng bảng gặp đội tuyển Sri Lanka. Tuy nhiên, đáng tiếc là MR2 của đội tuyển Trung Quốc gặp sự cố, không thể khắc phục hoàn toàn trong những lượt trận sau và đội tuyển Trung Quốc đã phải dừng lại ở Bán kết ABU Robocon 2019.
Dưới đây là một số hình ảnh đội tuyển Việt Nam cùng đội tuyển Trung Quốc, đội tuyển Nhật Bản và đội tuyển Mông Cổ 2 trình diễn và chia sẻ kinh nghiệm về thiết kế, chế tạo robot:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!