VTV.vn - Mùa đoàn tụ - chương trình đặc biệt tôn vinh giá trị gắn kết người Việt, hội tụ các thế hệ tên tuổi Việt Nam trong một không gian độc đáo, mới lạ.

Một năm sắp qua đi với nhiều biến động và thử thách. Thời điểm này, khi năm mới đã cận kề nhưng những lo lắng, những xúc cảm về năm cũ chắc hẳn vẫn chưa nguôi ngoai trong mỗi người. Nhìn lại một năm 2020 với vô vàn khó khăn, mất mát, khiến người ta nhận ra nhiều điều thực sự ý nghĩa, có giá trị với mỗi con người, mỗi cộng đồng và cả một đất nước. Đó là giá trị gắn kết mỗi con người, đó là dân tộc, là quê hương, nguồn cội. Chương trình Mùa đoàn tụ - một điểm hẹn quen thuộc của mỗi người dân Việt vào thời khắc giao thừa thiêng liêng - sẽ truyền tải cho người xem những giá trị căn cốt ấy. 


Mùa đoàn tụ: Đêm sum vầy có nhiều dư vị - Ảnh 1.

Mùa đoàn tụ đưa khán giả về với những giá trị gắn kết của người Việt bấy lâu nay, đó là sự gắn bó giữa ĐẤT - NƯỚC - CON NGƯỜI. Đó là những câu chuyện về nhiều thế hệ người Việt đoàn kết, kiên cường bám đất, bám biển, bám rừng, vượt qua bao khó khăn, chiến tranh, thiên tai tàn khốc nhưng họ vẫn bám trụ, hồi sinh và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đó là những lớp trí thức, nghệ sĩ Việt - lớp người tiên phong ở thời đoạn nào, họ vẫn luôn nỗ lực tạo ra sự thay đổi và phát triển của đất nước, cũng như có được dấu ấn của riêng mình… 

"Năm nay, dịch COVID-19 đã trở thành điểm trùng lại khiến mọi người phải suy nghĩ về giá trị của ngày Tết là gì. Chúng ta có nhiều đợt giãn cách xã hội nên nếu nói Tết là dịp để nghỉ ngơi, quây quần bên nhau thì không hẳn, vì chúng ta đã có nhiều thời gian bên nhau trong suốt năm qua. Vậy thì, Tết có ý nghĩa gì lớn hơn?

Chúng tôi nghĩ sự quây quần hội ngộ, trở về với gia đình và những giá trị nguồn cội đương nhiên là đặc thù của Tết. Nhưng bên cạnh đó , nó phải có những câu chuyện sâu hơn về bản chất bên trong mỗi con người, chúng ta có những thuộc tính giống nhau. Chúng ta có cùng chung thuộc tính người Việt - sự bền bỉ và kiên cường", nhà báo Diễm Quỳnh chia sẻ.

“Vào thời khắc giao thừa, chúng tôi sẽ nhắc tới tới một điều cơ bản, quê hương này có được là nhờ bao lớp người, qua bao đời. Điều đó có được là nhờ thuộc tính bên bỉ, kiên cường của người Việt”.

- Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh, Trưởng ban Thanh thiếu niên, Đài THVN

KHI TRE  - RƠM - LÁ KẾT HỢP VỚI CÔNG NGHỆ

Mùa đoàn tụ là nơi hội tụ, toả sáng của nhiều thế hệ, gia đình nghệ sĩ tên tuổi Việt Nam, cùng với những câu chuyện của nhiều thế hệ trí thức người Việt trong một không gian sân khấu 360 độ mang hình dáng tổ chim - biểu tượng cho sự sum vầy đoàn tụ. Trong không gian ấm cúng quây quần của đêm giao thừa, những câu chuyện gắn với đất, nước, con người sẽ được kể và trình diễn trong một không gian độc đáo, mới lạ của nghệ thuật sắp đặt, với chất liệu là TRE  - RƠM - LÁ, những thứ hết sức gần gũi trong đời sống, gắn bó với xóm làng, cội rễ gốc tích của người Việt từ ngàn đời nay.  

Mùa đoàn tụ: Đêm sum vầy có nhiều dư vị - Ảnh 4.

Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh cho hay, sau nhiều lần thảo luận, ê-kíp sản xuất đã quyết định logo chương trình năm nay có hình dạng tổ chim, sân khấu thiết kế hàng rào tre cách điệu.

"Có một triển lãm rất hay đã được tổ chức tại Đà Nẵng giữa mùa COVID-19 mang tên Nát giỏ còn bờ tre. Theo cách nói của người miền trong, giỏ là thuyền thúng. Ý nghĩa của câu Nát giỏ còn bờ tre là khi không còn gì nữa thì bờ tre vẫn còn, cũng giống như người Việt, trải qua bao giai đoạn thăng trầm, khó khăn vẫn bền bỉ bám trụ. Cây tre vừa giản dị, gần gũi và mang tính biểu trưng cho con người Việt. Cây tre quen thuộc với quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc… nhưng ở Việt Nam, nó "ăn" sâu vào đời sống. Hình ảnh cây tre vừa mang tính biểu trưng, vừa được chúng tôi sử dụng là hình ảnh nghệ thuật để tạo tâm điểm thị giác cho chương trình", nhà báo Diễm Quỳnh nói.

Mùa đoàn tụ: Đêm sum vầy có nhiều dư vị - Ảnh 5.

Với câu chuyện của Mùa đoàn tụ, ê-kíp sản xuất đã giúp nó đến gần hơn với khán giả bằng cách gắn thêm trong đó yếu tố công nghệ. Không chỉ là những cuộc gặp gỡ với các nhân vật ở lĩnh vực này, chương trình còn có những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, thể hiện bằng cách mới như sân khấu thực tế ảo mở rộng, hiệu ứng 3D… tạo sự đột biến bất ngờ về thị giác. Điều này hứa hẹn mang đến hơi thở trẻ trung cho chương trình khi những yếu tố hiện đại được các BTV trẻ thỏa sức thể hiện.

Cuộc hội của các thế hệ trong Mùa đoàn tụ sẽ rất đặc biệt

CUỘC HỘI NGỘ CỦA CÁC THẾ HỆ, GIA ĐÌNH NGHỆ SĨ NỔI TIẾNG

Năm thứ 2 lên sóng, chương trình Quê hương mùa đoàn được rút gọn lại với ba từ "Mùa đoàn tụ". Theo nhà báo Đặng Diễm Quỳnh – Trưởng ban Thanh thiếu niên, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 chị và các đồng nghiệp đã gặp khá nhiều khó khăn, thách thức khi mong muốn giữ được nét đặc trưng của chương trình, đó là sự xuất hiện của những khách mời đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài về nước tham gia ghi hình. Bất chấp điều đó, ê-kíp sản xuất vẫn nỗ lực chọn được những câu chuyện có ý nghĩa cho chương trình năm nay.

Mùa đoàn tụ: Đêm sum vầy có nhiều dư vị - Ảnh 7.

Hai mẹ con nghệ sĩ Cẩm Vân

Một điều đặc biệt là Mùa đoàn tụ năm thứ 2 sẽ có sự tham gia của các  gia đình với 3 thế hệ như gia đình nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - Anh Quân - Mỹ Linh - Mỹ Anh, gia đình ca sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu, gia đình nhạc sĩ Hồ Hoài Anh - Lưu Hương Giang - Lưu Thiên Hương và các con gái, gia đình GS.Nguyễn Lân Dũng – GS.Nguyễn Lân Hùng - PGS. Nguyễn Lân Hiếu… "Điều ê-kíp chương trình mong muốn mang tới cho các khách mời là cảm giác hội ngộ", nhà báo Đặng Diễm Quỳnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Tùng Dường, Trần Thu Hà, Hòa Minzy, Phạm Anh Khoa, nhóm MTV, nhóm Bức tường…

Mùa đoàn tụ: Đêm sum vầy có nhiều dư vị - Ảnh 8.

NHỮNG CHUYẾN ĐI GÓI TRỌN Ý NGHĨA TỪ ĐOÀN TỤ

Bên cạnh câu chuyện tại trường quay, Mùa đoàn tụ còn mang đến nhiều phóng sự phản ánh cuộc sống trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là câu chuyện của một gia đình người Mông chia sẻ về một năm biến động đã qua, hay chuyện về dòng lúa thơm (ST25) đầu tiên trên mảnh đất Sóc Trăng được vinh danh là hạt gạo nhất thế giới, chuyến đi Thổ Chu - đảo xa nhất về phía cực Nam…

"Đã nhiều năm được làm chương trình Tết của VTV, năm nay tôi lại tiếp tục những chuyến đi, để kể câu chuyện ý nghĩa của hai tiếng đoàn tụ" – BTV Công Tố chia sẻ về chuyến hành trình tới vựa lúa tại Sóc Trăng – "Tại nơi đây, lúc chín vàng khắp mọi cánh đồng, báo hiệu một mùa màng bội thu. Người nông dân qua ống kính của Mùa đoàn tụ lên hình đúng vẻ đẹp chất phác, hồn hậu, vui tươi. Tôi lội xuống ruộng, vừa làm việc, vừa trò chuyện với các bác nông dân, cảm giác rất gần gũi, câu chuyện cũng thế mà diễn ra rất tự nhiên, giản dị…".

"Chúng ta có thể không được ở bên cạnh nhau, phải giãn cách để đảm bảo an toàn, nhưng tại Mùa đoàn tụ, trái tim của người Việt sẽ thêm sát lại, đập cùng một nhịp yêu thương và ấm áp"


"Ê-kíp Mùa đoàn tụ tại Sóc Trăng được đi xuồng qua các con kênh, điểm đến giữa những cánh đồng dài bất tận, thế nên có những lượt đi đến 30 phút mới tới nơi. Vừa say thuyền, vừa say nắng, nhưng cứ đặt chân đến đất bùn mềm mịn, ngửi thấy mùi lúa chín thơm lừng là cả ê-kíp lại hân hoan, tươi tỉnh".

Mùa đoàn tụ: Đêm sum vầy có nhiều dư vị - Ảnh 11.

Ê-kíp sản xuất Mùa đoàn tụ

Cùng với phần ghi hình tại trường quay, Mùa đoàn tụ năm nay được THTT từ 3 điểm cầu là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Đảm nhận vai trò dẫn dắt tại trường quay là nhà báo Đặng Diễm Quỳnh và MC Công Tố, cùng các MC điểm cầu là Thái Trang, Bảo An, Minh Hằng. Họ cũng là những BTV đã tham gia vào những chuyến hành trình sản xuất phóng sự cho Mùa đoàn tụ.

Mùa đoàn tụ: Đêm sum vầy có nhiều dư vị - Ảnh 12.

"Năm nào cũng góp mặt vào chương trình Tết của VTV, gặp gỡ khán giả và đón giao thừa cùng đất nước. Giữ nguyên cảm xúc: tự hào; hân hoan; hạnh phúc và nhớ nhà nữa… Năm nay đặc biệt hơn khi không chỉ đi đến các vùng đất, tôi cũng sẽ dẫn chương trình cùng chị Diễm Quỳnh tại trường quay S14. Điều này vừa là niềm vinh dự, cũng là một áp lực rất lớn, khi đây là một chương trình trọng điểm, có sự tham dự của các khách mời rất đặc biệt: những khách mời ở tuyến đầu trong các lĩnh vực; những người có đóng góp to lớn cho đất nước; những cụ ông cụ bà gần trăm tuổi; các gia đình nghệ sĩ 3 – 4 thế hệ… Tuy vậy, cách trò chuyện lại phải thật gần gũi, cởi mở, tạo nên một khoảng thời gian đón giao thừa thực sự dễ chịu với khán giả", BTV Công Tố trải lòng về vị trí dẫn dắt Mùa đoàn tụ năm nay.

"Tôi học hỏi được ở ê-kíp và chị Diễm Quỳnh rất nhiều từ việc khai thác nhân vật, trao đổi câu chuyện và đưa ra những thông điệp vừa nhẹ nhàng, nhưng lại thấm thía" – BTV Công Tố nói tiếp – "Nhiều lúc mình mải mê ngồi nghe câu chuyện của khách mời, say sưa đến mức quên mất là mình đang dẫn chương trình, nhưng điều đó cũng thú vị, khi người dẫn, khách mời và khán giả lúc bấy giờ như hoà làm một, hồi hởi trò chuyện chứ không phải những cuộc phỏng vấn căng thẳng. Cả trường quay, từ khán giả giả đến ê-kíp, không ngớt tiếng cười nói cùng những tràng pháo tay, hân hoan đúng như cảm xúc thời điểm đó cần có - Tết đang đến cận kề!".

Với một năm nhiều biến động như năm 2020, hai tiếng đoàn tụ là mong ước rất nhiều người, nhiều gia đình. Ê-kíp sản xuất Mùa đoàn tụ hy vọng những cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc, chân thành cùng nhiều câu chuyện sâu sắc, gần gũi sẽ là một cách gắn kết những mảnh ghép người Việt ở khắp mọi nơi.

"Chúng ta có thể không được ở bên cạnh nhau, phải giãn cách để đảm bảo an toàn, nhưng tại Mùa đoàn tụ, trái tim của người Việt sẽ thêm sát lại, đập cùng một nhịp yêu thương và ấm áp", BTV Công Tố kết lại.

Lịch phát sóng của Mùa đoàn tụ:

- Ngày 30 Tết (11/2): 22h15 trên các kênh sóng của VTV

- Mùng 1 Tết (12/2): 09h00 trên VTV6

- Mùng 2 Tết (13/2): 16h00 trên VTV4

- Mùng 3 Tết (14/2): 14h00 trên VTV1

Chương trình Mùa đoàn tụ do Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN và Tập đoàn công nghiệp viễn thông quân đội Viettel phối hợp thực hiện.

Thực hiện: Thanh Huyền

Ảnh: Chương trình cung cấp

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước