VTV.vn - Chiến thắng tuyệt đối Uukhai trong thời gian kỷ lục 24 giây tại trận chung kết, LH-WAO của Đại học Lạc Hồng đã trở thành đại diện của Việt Nam tham dự ABU Robocon 2019.

Là cuộc thi thường niên do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức, Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam (Robocon Việt Nam) đã trở thành sân chơi khoa học, trí tuệ quen thuộc của biết bao thế hệ sinh viên đam mê công nghệ. Hướng tới đối tượng là các sinh viên ngành kỹ thuật của các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp trên toàn quốc, Robocon Việt Nam khuyến khích khả năng sáng tạo của các bạn trẻ yêu khoa học kỹ thuật, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp tự động hóa Việt Nam.

Năm nay, Mông Cổ trở thành quốc gia đăng cai tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương 2019 (ABU Robocon 2019). Nằm ở vị trí trung tâm của Trung Á, đất nước Mông Cổ trải rộng trên 1,5 triệu kmvới bề dày hàng nghìn năm lịch sử. Gần một nửa dân số Mông Cổ sống tại thủ đô Ulaanbaatar, thành phố mang sự kết hợp giữa nền văn hóa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại. Đây cũng là nơi sở hữu những tiến bộ công nghệ mới ấn tượng.

Nhìn lại hành trình chinh phục Robocon Việt Nam 2019 - Ảnh 1.

ABU Robocon 2019 được tổ chức tại Ulaanbaatar, Mông Cổ

Đất nước Mông Cổ đã có những đóng góp to lớn cho di sản văn hóa nhân loại. Người dân tại đây đã đổi mới các hình thức giao tiếp trong quan hệ văn hóa và ngoại giao với các quốc gia khác.

Một trong những phát minh đáng chú ý của Mông Cổ là "Gerege" (còn được gọi là "Paiza"). Đây là một tấm thẻ được các quan chức và sứ giả Mông Cổ luôn mang theo nhằm biểu thị những đặc quyền nhất định. Gerege được coi là loại hộ chiếu đầu tiên trên thế giới. Thành Cát Tư Hãn được cho là người đã nghĩ ra ý tưởng về việc miễn trừ thủ tục ngoại giao này.

Một sáng kiến khác của người Mông Cổ là hệ thống truyền tin tiếp nối, giúp thúc đẩy các hoạt động của chính quyền trong và ngoài khu vực. Với hệ thống truyền tin này, chỉ mất khoảng 20 ngày để đưa tin vượt biển Adriatic và Thái Bình Dương. Trạm chuyển tin cách bờ biển khoảng 25 - 30 km. Khi một sứ giả đưa tin đến trạm, có khoảng 300 - 400 con ngựa đang chờ sẵn để tiếp tục chuyển tin.

Có rất nhiều trò chơi bắt nguồn từ cuộc sống du mục của người Mông Cổ. Đáng chú ý trong số đó là trò "Shagai". Những mẩu xương của các loại động vật gắn bó với thảo nguyên được người dân du mục giữ lại và sử dụng trong trò chơi này. Bốn mặt của khúc xương biểu thị cho các loài vật nuôi khác nhau như ngựa, cừu, dê và lạc đà.

Chủ đề luật thi Robocon 2019

Chủ đề của cuộc thi Robocon 2019 diễn ra tại Ulaanbaatar là "Great Urtuu", lấy ý tưởng từ nền văn hóa và di sản của Mông Cổ. Cuộc thi mang thông điệp "Chia sẻ kiến thức" bằng cách sử dụng hệ thống "Urtuu". Trận đấu trong cuộc thi được thể hiện dưới dạng một trò chơi diễn ra giữa hai đội gồm: đội đỏ và đội xanh. Thời gian tối đa cho một trận đấu là 3 phút. 

Chủ đề ABU Robocon 2019

Khu vực di chuyển dành cho robot điều khiển bằng tay bao gồm khu vực xuất phát của robot điều khiển bằng tay gọi là "Khangai Urtuu", khu rừng, dòng sông và cây cầu. Mỗi đội có 3 Shagai để sử dụng trong trận đấu.

Khu vực di chuyển dành cho robot điều khiển tự động gồm khu vực xuất phát của robot điều khiển tự động gọi là Gobi Urtuu, đụn cát, bụi cỏ, núi Urtuu và khu vực Uuukhai.

Mỗi đội có 2 robot gồm: một robot điều khiển bằng tay gọi là Robot đưa tin 1 (MR1) và một robot điều khiển tự động gọi là Robot đưa tin 2 (MR2). Khi trận đấu bắt đầu, robot đưa tin 1 mang một tấm thẻ Gerege để làm bằng chứng của người đưa tin. Robot đưa tin 1 phải băng qua rừng, đi qua cầu vượt qua sông để đến vạch đích thứ nhất. Hoàn thành nhiệm vụ này giúp đội ghi được 20 điểm. Sau đó, Robot đưa tin 1 chuyển tấm thẻ Gerege cho Robot đưa tin 2 ở khu vực Gobi Urtuu và ghi thêm 20 điểm.

Nhìn lại hành trình chinh phục Robocon Việt Nam 2019 - Ảnh 3.

Sân thi đấu của cuộc thi Robocon 2019

Robot đưa tin 2 phải di chuyển bằng 4 chân giống như những chú ngựa chuyển tin và không được sử dụng bánh xe. Robot đưa tin 2 cần vượt qua khu vực đụn cát và bụi cỏ, sau đó đến khu vực núi Urtuu. Khi đi qua vạch đích thứ hai và thứ ba, robot ghi được 30 điểm ở mỗi vạch và ghi thêm 30 điểm nữa khi đến núi Urtuu.

Tuy nhiên, Robot đưa tin 2 phải dừng ở khu vực núi Urtuu chờ Robot đưa tin 1 tích đủ ít nhất 50 điểm bằng trò ném Shagai. Khi Robot đưa tin 2 đến núi Urtuu, Robot đưa tin 1 mới được phép ném Shagai trong khu vực quy định.

Nhìn lại hành trình chinh phục Robocon Việt Nam 2019 - Ảnh 4.

Chủ đề Robocon 2019 lấy ý tưởng từ hệ thống truyền tin của người Mông Cổ

Sau khi ném, mỗi mặt của Shagai lật lên tương ứng với số điểm khác nhau. Mặt vàng (Ngựa) ghi được 50 điểm, mặt bạc (Lạc đà) ghi được 40 điểm trong khi hai mặt bên (Cừu và Dê) chỉ ghi được 20 điểm.

Khi Robot đưa tin 1 ghi được ít nhất 50 điểm, Robot đưa tin 2 mới được phép trèo lên đỉnh núi ở khu vực Uukhai, sau đó giơ cao tấm thẻ Gerege và ghi thêm được 30 điểm. Đội đầu tiên giơ được tấm thẻ sẽ giành chiến thắng, gọi là "Uukhai".

Cuộc thi Robocon Việt Nam 2019

Nhằm chọn ra đại diện tham dự ABU Robocon 2019 diễn ra tại Ulaanbaatar, Mông Cổ, cuộc thi trong nước với tên gọi Robocon Việt Nam 2019 quy tụ những đội tuyển xuất sắc nhất đến từ các trường Đại học, Cao đẳng kỹ thuật trên toàn quốc. 

Tại vòng loại khu vực phía Bắc, 43 đội tuyển đại diện cho các trường Đại học, Cao đẳng khối ngành kỹ thuật tham gia tranh tài, vượt qua hai vòng để chọn ra 24 đội tuyển đi tiếp vào vòng chung kết.

Trong khi đó, tại vòng loại khu vực phía Nam, 14 đội tuyển đại diện cho 4 trường Đại học chuyên ngành kỹ thuật trong khu vực thi đấu để chọn ra 8 đội tuyển đạt thành tích cao nhất vào vòng chung kết.

Nhìn lại hành trình chinh phục Robocon Việt Nam 2019 - Ảnh 5.

Robocon 2019 là cuộc đua của những chú robot di chuyển bằng 4 chân giống như động vật

Trải qua hai vòng loại khu vực ở phía Bắc và phía Nam, Robocon Việt Nam 2019 đã chọn ra 32 đội tuyển tài năng, mang theo sự kỳ vọng của các thầy cô và bạn bè, đến với vòng chung kết toàn quốc tổ chức tại Hải Dương.

Tại vòng chung kết, 32 đội tuyển được chia thành 8 bảng, mỗi bảng gồm 4 đội tuyển. Vượt qua các trận đấu vòng bảng của vòng chung kết, 16 đội tuyển xuất sắc giành quyền đi tiếp vào vòng 1/8. Đây là vòng đấu loại trực tiếp, do đó, cơ hội làm lại cho những sai lầm là gần như bằng không.

Sau vòng 1/8, chỉ có 8 đội tuyển chiến thắng được đi tiếp vào tứ kết để rồi tranh tài tại bán kết, chung kết nhằm tìm ra ngôi vô địch và cũng là đại diện của Việt Nam tham dự Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương 2019 diễn ra tại Mông Cổ.

Hành trình chinh phục Robocon Việt Nam 2019 của đội tuyển LH-WAO

Là 1 trong 6 đội tuyển của Đại học Lạc Hồng tham dự Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2019, các chàng trai của LH-WAO mang theo sự kỳ vọng của không chỉ thầy cô, bạn bè mà cả những khán giả hâm mộ Robocon đối với đại diện của ngôi trường liên tiếp bảo vệ thành công chức vô địch tại sân chơi này trong những năm qua. Để giành tấm vé vào vòng chung kết toàn quốc, LH-WAO cần phải vượt qua các đối thủ mạnh đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Trần Đại Nghĩa... và thậm chí cả những "người anh em" của mình dưới cùng mái trường Đại học Lạc Hồng.

Trải qua hai vòng đấu đầy căng thẳng và hồi hộp, cuối cùng, LH-WAO cùng 4 đại diện khác của Đại học Lạc Hồng là LH-BFF, LH-OCEAN, LH-STORM và LH-LEGEND đã cùng nhau tiến vào vòng chung kết cuộc thi Robocon Việt Nam 2019 diễn ra tại Hải Dương.

Nhìn lại hành trình chinh phục Robocon Việt Nam 2019 - Ảnh 6.

Vòng chung kết Robocon Việt Nam 2019 quy tụ 32 đội tuyển xuất sắc nhất từ các vòng loại khu vực trên cả nước

Bước vào vòng chung kết toàn quốc, không đơn thuần chỉ là trận đấu giữa các đội tuyển trong khu vực mà đây là nơi tụ hội của những đội tuyển xuất sắc trên toàn quốc. Liên tiếp những bất ngờ xảy ra. Những kết quả không thể đoán trước được đã khiến các đội tuyển và khán giả phải ngỡ ngàng.

Không như dự đoán của khán giả và người hâm mộ trước đó, nhiều đội tuyển mạnh tại vòng loại khu vực đã phải dừng bước, trong đó bao gồm cả các đại diện đến từ Đại học Lạc Hồng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Sao Đỏ...

Trong khi một số "người anh em Lạc Hồng" đã không thể đi tiếp, tại bảng D của vòng bảng, đội tuyển LH-WAO đã thể hiện bản lĩnh đầy ấn tượng khi không chỉ đứng đầu bảng mà còn duy trì kỷ lục Uukhai ở 28 giây trong cả 3 lượt trận. Qua đó, các chàng trai LH-WAO đã giành tấm vé đi vào vòng 1/8 Robocon Việt Nam 2019.

Nhìn lại hành trình chinh phục Robocon Việt Nam 2019 - Ảnh 7.

MR2 của LH-WAO gây ấn tượng trên sân thi đấu với những cú nhảy vượt chướng ngại vật như một chú ngựa phi qua rào

Tại lượt trận thứ ba của vòng 1/8, đội tuyển LH-WAO gặp đội tuyển SAO ĐỎ DOC 97 đến từ Đại học Sao Đỏ. Đây là một trận đấu loại trực tiếp và cả hai đội đều là những đội tuyển đã thể hiện rất tốt trong những trận đấu trước.

Vòng 1/8: LH-WAO - SAO ĐỎ DOC 97

Ngay từ đầu trận đấu, LH-WAO đã nhanh chóng vượt qua đối thủ. Tuy nhiên, đại diện của Lạc Hồng phải mất tới hai lần leo lên đỉnh Uurtu mới có thể đạt chiến thắng tuyệt đối Uukhai ở 50 giây.

Nhìn lại hành trình chinh phục Robocon Việt Nam 2019 - Ảnh 9.

Đội tuyển LH-WAO giành chiến thắng tuyệt đối tại vòng 1/8 với thời gian 50 giây

Ở trận tứ kết thứ hai trong ngày thi đấu cuối cùng của Robocon Việt Nam 2019, LH-WAO đã gặp phải SPK-WIND đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Đây là trận đấu được mong chờ khi diễn ra giữa hai đại diện mạnh đến từ vòng loại khu vực phía Nam. 

Tứ kết: SPK-WIND - LH-WAO

Mặc dù SPK-WIND gặp sự cố nên không thể bắt kịp LH-WAO nhưng không thể phủ nhận tốc độ đạt Uukhai đáng kinh ngạc của đại diện đến từ Lạc Hồng. Kỷ lục mới về thời gian chiến thắng tuyệt đối Uukhai tại cuộc thi lập tức được xác lập ở 24 giây.

Bước sang trận bán kết gặp SAO ĐỎ LEGEND của Đại học Sao Đỏ, LH-WAO không cho đối thủ cơ hội phản công khi băng băng lao về đích, tiếp tục duy trì thành tích Uukhai ở 24 giây, qua đó giành tấm vé đầu tiên đi vào trận chung kết.

Bán kết: SAO ĐỎ LEGEND - LH-WAO

Ở trận đấu quyết định cuối cùng, dù SKH3 của Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên sở hữu những robot có tốc độ rất nhanh, độ chính xác cao và hoạt động ổn định, bám đuổi rất sát LH-WAO nhưng đại diện của Lạc Hồng vẫn xuất sắc hơn một phần. 

Chung kết: SKH3 - LH-WAO

Kết quả, LH-WAO đã khiến các chàng trai của Hưng Yên phải thua "tâm phục khẩu phục" khi lại một lần nữa hoàn thành chiến thắng tuyệt đối Uukhai ở 24 giây. Và đây cũng là trận chung kết hiếm hoi tại sân chơi Robocon Việt Nam trong những năm qua khi mà không có nước mắt rơi ở phía đội không giành phần thắng dù hai đội đến từ hai trường khác nhau mà thay vào đó là nụ cười và lời chúc của đối thủ dành cho nhà vô địch. 

Khoảnh khắc đăng quang vô địch Robocon Việt Nam 2019 và ăn mừng chiến thắng của các chàng trai Đại học Lạc Hồng

Với chiến thắng tuyệt đối Uukhai trong thời gian 24 giây, duy trì thành tích liên tiếp trong cả ba trận Tứ kết - Bán kết - Chung kết, có thể thấy LH-WAO hoàn toàn xứng đáng với ngôi vô địch Robocon Việt Nam 2019 cũng như với kỳ vọng của bạn bè, thầy cô và đông đảo các sinh viên, người hâm mộ sân chơi Robocon vào chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương 2019 tại Mông Cổ sắp tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước