Tham vọng vượt mặt Mỹ về công nghệ của Trung Quốc ngày càng rõ

Diệu Linh (Theo: Bloomberg)-Thứ sáu, ngày 22/05/2020 16:13 GMT+7

VTV.vn - Trung Quốc hiện đang tăng tốc vươn tới vị trí thống trị toàn cầu trong các công nghệ chủ chốt, với kế hoạch bơm hơn nghìn tỷ USD vào nền kinh tế.

Kế hoạch nghìn tỷ USD

Theo kế hoạch tổng thể được hậu thuẫn bởi Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 1,4 nghìn tỷ USD trong vòng 6 năm, đến năm 2025. Chính quyền đô thị và "đại gia" công nghệ Huawei được kêu gọi đồng lòng lắp đặt mạng không dây 5G, hệ thống camera và cảm biến, phát triển phần mềm AI củng cố việc lái xe tự động cho các nhà máy tư động và giám sát hàng loạt.

Tham vọng vượt mặt Mỹ về công nghệ của Trung Quốc ngày càng rõ - Ảnh 1.

Các trạm cơ sở 5G được thử nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Huawei ở Thượng Hải

Những sáng kiến này sẽ khiến cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc được "thay da đổi thịt", từ đó thúc đẩy các ông lớn công nghệ địa phương như Alibaba, Sense Time hay Tencent tự tin đối đầu với các công ty công nghệ Mỹ. Người ta gọi đây là "Chủ nghĩa dân tộc công nghệ gắn kết" - đồng lòng giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ nước ngoài, củng cố tham vọng đề ra trước đây trong chương trình Made in China 2025.

"Chưa từng có điều gì giống như thế này xảy ra. Đây là canh bạc mà Trung Quốc đặt vào cửa thắng trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Bắt đầu từ năm nay là chúng tôi đã thực sự thấy dòng tiền chảy vào rồi" - Maria Kwok, Giám đốc điều hành của Digital China Holdings, nhận định.

Ngay trong tuần này sẽ diễn ra cuộc họp của cơ quan lập pháp Trung Quốc, thời điểm mà gói tài chính đang chờ được kí kết như một cú huých về đầu tư công nghệ. Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ công bố tài trợ cơ sở hạ tầng lên tới 563 tỷ đô la trong năm nay.

Lực lượng nòng cốt trong "cuộc cách mạng cộng nghệ"

Những công ty dẫn đầu về điện toán đám mây và phân tích dữ liệu như Alibaba và Tencent chắc chắn sẽ là những cánh tay đắc lực trong sự "chuyển mình" số hoá sắp tới. Người anh cả Huawei thì được uỷ thác xây mạng 5G. Nhưng không chỉ có thế, hàng loạt các công ty công nghệ lớn nhỏ cũng nhanh chân nhảy vào cơ hội này.

Ví dụ như Digital China đang thử nghiệm đưa nửa triệu đơn vị nhà ở tại thành phố Quảng Châu lên trực tuyến. Khi đó, để tìm nhà, người dùng chỉ cần đăng nhập vào một ứng dụng, quét khuôn mặt để xác minh danh tính. Các hợp đồng thuế có thể được ký thông qua điện thoại thông minh và bên cho thuê sẽ tự động gắn thẻ nếu thanh toán của người thuê nhà bị chậm trễ.

Tham vọng vượt mặt Mỹ về công nghệ của Trung Quốc ngày càng rõ - Ảnh 2.

Một trung tâm dữ liệu đám mây của Alibaba

Các nước khác ở đâu trong "cuộc đua nước rút" này?

Trung Quốc không phải là đất nước duy nhất bơm tiền vào lĩnh vực công nghệ như một cách để thoát khỏi suy thoái kinh tế thời kì hậu COVID-19. Hồi đầu tháng này, Hàn Quốc cũng vừa tuyên bố AI và truyền thông không dây sẽ là yếu tố cốt lỗi trong "thương vụ mới" nhằm tạo ra công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng.Còn với Mỹ, những động thái đáp trả thường xuyên được đưa ra trước sự vươn lên của ngành công nghệ Trung Quốc, nhưng theo các chuyên gia, phần nhiều là phản ứng ngăn chặn, kìm hãm hơn là cố gắng vượt mặt.

"Đến nay, Mỹ vẫn chỉ tập trung vào việc kìm hãm Trung Quốc và ngặn chặn các công nghệ quan trọng thâm nhập vào Bắc Kinh. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ và Nhà trắng càng lúc phải thừa nhận rằng, cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy sự đột phá ở trong nước, chỉ những động thái đáp trả vừa qua là không đủ" - Adam Segal, một chuyên gia của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR), cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước