Bộ GD&ĐT nói gì về đề xuất tuyển sinh lớp 6 bằng đánh giá năng lực?

Thùy Hương-Thứ tư, ngày 20/12/2017 14:52 GMT+7

VTV.vn - Là khách mời của bản tin Thời sự trưa nay (20/12), đại diện của Bộ GD&ĐT đã chia sẻ kỹ hơn về đề xuất tuyển sinh lớp 6 bằng đánh giá năng lực.

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Theo đó, Bộ dự kiến cho phép một số trường THCS tuyển sinh lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức như hiện nay. Dự thảo được Bộ Giáo dục xin ý kiến dư luận đến hết ngày 18/2/2018.

Chia sẻ thêm về dự thảo này, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục & Đào tạo – cho biết thi đầu vào lớp 6 phải đảm bảo nguyên tắc phổ cập giáo dục THCS. Thông tư 11 hiện quy định phương thức xét tuyển vào THCS là xét tuyển. Tuy nhiên trên thực tế, có một số trường, đặc biệt là các trường tư thục có mức học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh. Chính vì vậy, nếu chỉ xét tuyển như thông thường, những trường này sẽ gặp không ít khó khăn.

Dựa trên thực tế đó, từ năm 2015, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có những văn bản hướng dẫn đối với các trường có số lượng học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh. Theo đó, các trường có thể xây dựng phương án tuyển sinh riêng theo nhu cầu của mỗi trường và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên thực tế, những năm vừa qua, có nhiều trường đã kết hợp hình thức tuyển sinh gồm thi tuyển và xét tuyển.

Lý giải về cụm từ "đánh giá năng lực", ông Nguyễn Xuân Thành cho biết hiện nay, giáo dục Việt Nam đang đổi mới theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Ông chia sẻ: "Đánh giá năng lực học sinh hoàn toàn khác so với đánh giá kiến thức bởi kiến thức là nguyên liệu để hình thành nên năng lực. Như vậy, đánh giá năng lực học sinh là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà học sinh thu nạp được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể".

Bộ GD&ĐT nói gì về đề xuất tuyển sinh lớp 6 bằng đánh giá năng lực? - Ảnh 1.

Hiện nay, Bộ Giáo dục & Đào tạo đang có định hướng phát triển 10 năng lực cho học sinh, gồm: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực Toán học, ngôn ngữ năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, tin học, nghệ thuật và năng lực thể chất. Việc đánh giá năng lực học sinh dựa vào tiêu chí của từng trường học.

Theo ông Thành, khi thực hiện bài đánh giá năng lực, điều quan trọng nhất, đó là không phải giao cho học sinh làm một bài toán, một bài thi ngôn ngữ mà cần kiểm tra cách các em sử dụng những tri thức học được trên ghế nhà trường vào trong bài thi của mình. Ông Nguyễn Xuân Thành nhận định việc thi và đánh giá sẽ có những tác động không nhỏ tới việc dạy học, tức các thầy các cô không nên chỉ chú trọng tới việc trang bị kiến thức cho học sinh mà phải làm sao để học sinh biết vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống phù hợp.

"Năng lực không thể nào hình thành và phát triển trong một giai đoạn ngắn. Chính vì vậy, theo quy định của Bộ, các thầy cô giáo cần chú trọng tới việc phát triển năng lực của các em trong suốt quá trình dạy học", ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Đề xuất việc tuyển sinh lớp 6 bằng đánh giá năng lực Đề xuất việc tuyển sinh lớp 6 bằng đánh giá năng lực

VTV.vn - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước