Phú Yên: Trường học - nơi truyền giữ di sản văn hóa dân tộc

Theo TTXVN-Thứ hai, ngày 07/09/2015 07:27 GMT+7

VTV.vn - Thực hiện chủ trương sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, Phú Yên đã có những cách tổ chức dạy học phù hợp nhằm phát huy tính chủ động của học sinh.

Học trò yêu hát bài chòi, mê đánh cồng chiêng

Từ năm 2006 đến nay, trong những hoạt động ngoài giờ lên lớp hay các tiết học âm nhạc của học sinh trường Trung học cơ sở Hùng Vương (thành phố Tuy Hòa) có thêm phần học hát dân ca bài chòi. Cùng với trường Trung học cơ sở Hùng Vương còn có hơn 30 trường trong toàn tỉnh đã có hoạt động này.

Nhà giáo Ưu tú Quách Đình Công, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Hùng Vương cho biết: Ở mỗi buổi học, các em được dạy hát, được nghe kể những câu chuyện liên quan đến bài chòi. Khi có những buổi biểu diễn ở những sân khấu quần chúng các em được trực tiếp tham gia… Đa phần các em học sinh của trường đều có hiểu biết và hát được bài chòi. Nhiều em trở thành hạt nhân trong các đoàn nghệ thuật bài chòi quần chúng của địa phương.

Vừa tập xong vai “anh Hiệu” trong tiết mục văn nghệ để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới của trường, Nguyễn Tấn Thành, lớp 8H vui vẻ chia sẻ: Lúc nhỏ, mỗi dịp Tết em thường được bố mẹ cho đi xem và chơi bài chòi. Khi đi học em được cô giáo hướng dẫn thêm cách hát, cách diễn trò… từ đó em thấy bài chòi rất thú vị. Còn “chị Hiệu” Lê Ái My, lớp 8E thì cho biết: Thời gian đầu em thấy lời của bài chòi phải hát chậm, phải nhớ nhiều nên khó. Nhưng càng hát, càng ngẫm em thấy lời hát rất thú vị, gần gũi. Bây giờ em rất tự tin hát trước đám đông…

Không chỉ bài chòi được đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông của Phú Yên mà còn có những sinh hoạt văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Tại trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, đều đặn vào những dịp lễ, tiếng cồng chiêng của núi rừng lại được vang lên. Ngay cả những lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc cũng được tái hiện như lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Ê đê, lễ hội Ka tê của đồng bào Chăm…

Theo thầy Ngô Minh Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, dạy đánh cồng chiêng đã được trường duy trì từ rất lâu. Chúng tôi xem đây là môn học giúp học sinh thư giãn, tăng tình đoàn kết. Qua đây, các em cũng biết quý trọng, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Từ việc này, trường đã xây dựng được đội cồng chiêng gồm 30 em được chia thành các nhóm theo đặc trưng dân tộc như: Ê đê, Ba Na, Chăm…

Một trong những cậu học trò đánh chiêng giỏi mà thầy Hòa giới thiệu là Kso Doanh, lớp 12A. Doanh cho biết kinh nghiệm để đánh chiêng hay chính là khả năng hòa âm. Mỗi người đánh một kiểu khác nhau nên mình phải hiểu thì mới đánh được… Mới tập đánh thì sẽ rất khó nhưng đam mê thì mọi chuyện sẽ dễ dàng. Doanh khoe rằng từ việc học đánh chiêng ở trường hè vừa rồi em đã được già làng chọn vào đội đánh cồng chiêng của buôn …

Từ tình yêu của Nguyễn Tấn Thành, Lê Ái My với bài chòi hay niềm đam mê của Kso Doanh với tiếng cồng chiêng truyền thống minh chứng rằng trường học chính là nơi lý tưởng để truyền, giữ di sản văn hóa của dân tộc.

Cùng phối hợp để giảng dạy

Thực tế, nhiều nơi việc đưa di sản văn hóa dân tộc vào giảng dạy vẫn còn là sự “tự thân vận động” của mỗi nhà trường. Ở Phú Yên chính sự phối hợp và tinh thần tự nguyện của những người có tâm huyết đã giúp cho việc giảng dạy văn hóa dân tộc trong nhà trường có hiệu quả.

Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương đưa văn hóa dân gian vào giảng dạy trong trường học, Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Phú Yên đã chủ động phối hợp với các trường phổ thông tổ chức chương trình “Đưa sân khấu vào học đường”. Được thực hiện từ năm 2006 đến nay, chi hội đã tổ chức hơn 50 buổi nói chuyện, giới thiệu, biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Hội viên của chi hội trực tiếp mở lớp dạy hát dân ca, bài chòi… miễn phí cho học sinh.

Ông Lê Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Phú Yên cho biết: Nhận thấy trường học chính là môi trường tốt để nuôi dưỡng tình yêu của thế hệ trẻ đối với văn hóa dân tộc nên chúng tôi đã đặt ra chương trình “Đưa sân khấu vào học đường”. Qua chương trình này, chi hội cùng với các nhà trường tổ chức lớp học gắn liền với các hoạt động văn hóa cộng đồng. Chúng tôi tạo cho các em cơ hội được hát, được diễn, được đánh chiêng… Từ đây các giá trị di sản văn hóa mới có thể len sâu vào tâm hồn con trẻ được.

Về phía ngành giáo dục, ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên cũng khẳng định: Ở các trường phổ thông việc dạy di sản văn hóa thường được giao cho các giáo viên phụ trách hoạt động ngoài giờ lên lớp hay giáo viên âm nhạc. Về kiến thức sư phạm các thầy cô có nhưng kiến thức sâu về văn hóa có khi còn hạn chế. Vì thế chúng tôi thấy sự phối hợp với các nghệ sĩ hay những nhà nghiên cứu văn hóa để giảng dạy cho học sinh chính là chìa khóa để tạo nên sự lan tỏa thời gian qua. Sắp tới theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp này…

Từ cách làm này của tỉnh Phú Yên có thể thấy việc huy động sự tham gia của những người có am hiểu, tâm huyết với việc dạy di sản văn hóa dân tộc trường học sẽ mang lại những hiệu quả tích cực.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước