Chính sách thuế của ông Trump cô lập Mỹ tại Hội nghị Thượng đỉnh G7

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 06/06/2018 10:44 GMT+7

VTV.vn - Mỹ đang trở nên cô lập tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay sau khi tuyên bố áp thuế với hàng hóa Trung Quốc; nhôm, thép nhập khẩu từ các nước Canada, Mexico và EU.

Chỉ còn 2 ngày tới, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ chính thức khai mạc tại Quebec, Canada. Tâm lý lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại đang bao trùm Hội nghị sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế với hàng hóa Trung Quốc và nhôm thép nhập khẩu từ các nước Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU).

Sự chia rẽ thể hiện ngay từ tiêu đề bài báo của Reuters: "Chiến tranh thương mại đã biến Thượng đỉnh G7 tại Canada trở thành Hội nghị của lãnh đạo 6 nước với Tổng thống Trump". 6/7 nước thành viên đã đứng về một chiến tuyến để phản đối thành viên còn lại là Mỹ.

Theo Reuters, năm nay, Thủ tướng nước chủ nhà Canada sẽ phải vất vả để đoàn kết cả nhóm khi những động thái về thương mại và ngoại giao của Tổng thống Trump đã khiến cho nước Mỹ bị cô lập và đe dọa giá trị truyền thống của nhóm G7.

CNN cụ thể hóa các động thái gây chia rẽ gần đây của Mỹ, đó là việc áp thuế với hàng nhập khẩu, quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trước nay, Thượng đỉnh G7 vẫn được xem là cơ hội để các nước thành viên xây dựng đồng thuận và thiết lập xu hướng. Năm nay, trừ Mỹ, các nước G7 cũng đã xây dựng được đồng thuận nhưng trớ trêu là sự đồng thuận này lại để chống lại Mỹ.

Với tiêu đề "Tổng thống Trump phá tan chương trình nghị sự G7", tờ Politico cho rằng đây không phải là lần đầu tiên quan điểm "Nước Mỹ trên hết" phá vỡ các chuẩn mực ngoại giao quốc tế. Trong lịch sử G7 chưa bao giờ xảy ra tình trạng ngày họp đã cận kề mà các nước vẫn chưa thống nhất được sẽ thảo luận những gì và tuyên bố chung sẽ có nội dung ra sao.

Ban đầu, Thủ tướng Canada Justin Trudeau muốn tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu, trao quyền cho phụ nữ, hòa bình, tăng trưởng kinh tế và việc làm cho tương lai. Các mục tiêu này nhận được sự đồng thuận ở các mức độ khác nhau của lãnh đạo các nước G7 nhưng lại xung đột với chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump.

Sự chia rẽ nghiêm trọng đến mức "Đức không chắc các nhà lãnh đạo G7 có thống nhất được một tuyên bố chung của Hội nghị hay không". Đó là ý kiến của một quan chức cấp cao của Đức được trang tin U.S.News trích dẫn làm tiêu đề cho một bài báo về thượng đỉnh G7 năm nay. Quan chức này cho biết mục tiêu của các nước là đạt được một tuyên bố chung nhưng không vì thế mà họ từ bỏ lập trường với các động thái gần đây của Mỹ.

Sự hiện diện lần này tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép và sự cô lập từ 6 thành viên còn lại. Các nước sẽ tranh thủ cơ hội gặp gỡ lần này để tiếp tục thuyết phục ông chủ Nhà Trắng thay đổi quan điểm về hàng loạt vấn đề, từ thương mại đến vấn đề biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Việt Nam được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G7 Việt Nam được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G7

VTV.vn - Danh sách khách mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay còn có 12 quốc gia từ khắp các châu lục, trong đó có Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước