Dệt may được lợi nhất khi Việt Nam tham gia TPP

Phương Huyền (Ban Thời sự)-Thứ năm, ngày 07/01/2016 14:09 GMT+7

VTV.vn - Bà Franziska Ohnsorge - tác giả chính Báo cáo kinh tế toàn cầu 2016 của WB cho biết, TPP đưa ra một mức cắt giảm hàng rào thuế vô cùng lớn cho hàng dệt may Việt Nam.

Ngày 6/1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo kinh tế toàn cầu năm 2016. Theo đó, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ đạt mức khiêm tốn 2,9%. Hai điểm nổi bật trong báo cáo kinh tế toàn cầu năm 2016 của Ngân hàng Thế giới là nhấn mạnh vào tình trạng sức khoẻ các nền kinh tế đang phát triển và vai trò của Hiệp định TPP với hoạt động thương mại toàn cầu. Đây đều là những yếu tố có tác động trực tiếp đến triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên thường trú Đài THVN tại Anh, bà Franziska Ohnsorge - tác giả chính của Báo cáo kinh tế toàn cầu 2016 đã có những phân tích sâu xung quanh vấn đề này.

PV Phương Huyền: Trong Báo cáo kinh tế toàn cầu 2016 của bà có nói TPP sẽ là một điểm sáng nhất trong hoạt động thương mại toàn cầu vốn đang rất ảm đạm và trong TPP có một số thành viên được hưởng lợi rất nhiều khi hiệp định được thực thi, đặc biệt là Việt Nam, bà có thể cho biết thêm về điều này?

Bà Franziska Ohnsorge: Việt Nam và Malaysia là hai nước chúng tôi dự đoán được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Dự đoán đến 2030, TPP sẽ giúp GDP ở Việt Nam và Malaysia tăng khoảng 8-10%. TPP đưa ra một mức cắt giảm hàng rào thuế vô cùng lớn cho hàng dệt may Việt Nam. Đây sẽ là mảng thị trường được lợi nhất của Việt Nam.

TPP bao phủ một khu vực rộng lớn với những nền kinh tế nổi bật, chiếm 1/3 tổng GDP toàn thế giới, 1/5 hoạt động thương mại toàn cầu. Các cam kết ấn tượng về cắt giảm thuế và dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan trong TPP với hàng hoá và dịch vụ sẽ tạo ra bước ngoặt cho thương mại toàn cầu năm nay nếu được thực thi đúng thời điểm dự kiến. Ước tính TPP sẽ giúp GDP trung bình ở các thành viên trong khối tăng thêm 1,1%. Nhưng như tôi đã nói, lợi ích dành cho Việt Nam và Malaysia sẽ lớn hơn rất nhiều.

PV Phương Huyền: Lo ngại lớn nhất của Ngân hàng Thế giới năm này là về khối kinh tế mới nổi, trong bối cảnh đó Việt Nam có thể chịu những tác động như thế nào, thưa bà?

Bà Franziska Ohnsorge: Cả Việt Nam và khu vực Đông Á nói chung đều đang rất cởi mở trong các hoạt động thương mại và trong việc đa dạng hoá danh mục đầu tư hay thu hút đầu tư. Việt Nam và Đông Á có những mối quan hệ liên kết chặt chẽ với nhau, đặc biệt trong chuỗi cung ứng hàng hoá, nên sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc và các thị trường mới nổi sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến dòng chảy cung ứng hàng hoá nói riêng và tình hình kinh tế Đông Á nói chung, trong đó có Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước