Du khách tiêm vaccine COVID-19: Tài sản quý giá của ngành du lịch

Kim Huệ - Thanh Hiệp-Thứ bảy, ngày 20/03/2021 14:02 GMT+7

VTV.vn - CNN bình luận, những du khách đã tiêm vaccine COVID-19 hiện đang được coi là tài sản quý giá mà ngành du lịch các nước đều thèm muốn.

Chỉ mới cách đây ít tháng, Anh từng bị nhiều nước đóng cửa khi tỷ lệ nhiễm COVID-19 vượt ngoài tầm kiểm soát. Một số tờ báo thậm chí còn gọi Anh là "hòn đảo dịch bệnh". Thế nhưng giờ đây, gió đã đảo chiều khi mà 17% dân số Anh đã được tiêm chủng ngừa COVID-19. Nhiều nước châu Âu, từ Hy Lạp cho đến Cộng hòa Cyprus đều đang tìm cách thu hút người dân Anh tới để kích cầu du lịch.

Để thu hút nhóm du khách này, tại châu Âu, nhiều quốc gia như Iceland, Hungary, Tây Ban Nha, Bỉ, Hy Lạp đều đã hoặc đang đẩy mạnh triển khai ý tưởng chứng nhận vaccine.

Mới đây nhất, để hỗ trợ ngành du lịch, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức đề xuất tạo ra một "Chứng chỉ Xanh kỹ thuật số", có giá trị chung trong tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu. 

Doanh nghiệp du lịch châu Âu chào đón Chứng chỉ Xanh an toàn COVID-19

Kế hoạch của giới chức châu Âu, ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia Nam Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch như Hy Lạp hay Tây Ban Nha. Lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng lên tiếng chào đón thông tin này với thái độ khá tích cực.

Ông Willi Verhuven, Giám đốc hãng lữ hành Alltours, cho biết: "Giấy chứng nhận vaccine là hoàn toàn cần thiết để giúp việc đi lại dễ dàng hơn. Thay vì phải mất thời gian xuất trình giấy tờ, tránh tình trạng hỗn loạn tại sân bay, thủ tục được rút ngắn khi dữ liệu đã được tích hợp hết trên số".

Ông Alfonso Lopez, Giám đốc khách sạn HAT tại Madrid, Tây Ban Nha, chia sẻ: "Đối với những quốc gia có du lịch là ngành chủ lực trong nền kinh tế như Tây Ban Nha, ý tưởng chứng nhận vaccine là rất quan trọng, ít nhất là đảm bảo được hành khách nào an toàn chứ không như đợt du lịch hè năm ngoái thì quả là một thảm họa".

Du khách tiêm vaccine COVID-19: Tài sản quý giá của ngành du lịch - Ảnh 1.

Trong khi đó, ông Aage Duenhaupt, Giám đốc truyền thông hãng lữ hành TUI, Đức, cho biết: "Một số quốc gia như Hy Lạp đã chấp nhận chứng nhận vaccine cho khách du lịch. Chúng tôi cũng rất vui vì tín hiệu tích cực này. Tuy nhiên phải nhìn nhận một thực tế là không phải tất cả mọi người đều sẽ được tiêm vaccine trước mùa hè này. Thế nên chúng ta phải tính đến chiến lược xét nghiệm nhanh COVID-19 cho khách du lịch. Phải có một sự kết hợp giữa vaccine và xét nghiệm nhanh thì ngành du lịch mới mong nhìn thấy được mùa du lịch hè sôi động".

Tuy nhiên, vẫn còn một số nghi ngại từ các nước thành viên khác về tính khả thi của chứng chỉ xanh kỹ thuật số, khi mà tỷ lệ người dân tiêm được vaccine tại châu Âu hiện vẫn còn khá còn thấp, chỉ khoảng 5%, do những sự chậm trễ trong việc sản xuất và phân phối vaccine. Bên cạnh đó là nguy cơ phân biệt đối xử hay vấn đề quyền riêng tư của người dân.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, PV Tạp chí kinh tế cuối tuần đã kết nối với phóng viên Lê Hồng Quang, thường trú ĐTHVN tại châu Âu.

Thưa anh Lê Hồng Quang, anh có thể phân tích kỹ hơn về chứng chỉ xanh kỹ thuật số và những kỳ vọng của giới chức châu Âu đối với chứng chỉ này?

Phóng viên Lê Hồng Quang: Uỷ ban châu Âu muốn phát hành Chứng chỉ Xanh trong tháng Sáu là có ý đồ rõ ràng muốn hỗ trợ cho ngành du lịch. Mùa hè châu Âu bắt đầu ngày 21/6, và sau đó một tuần là kỳ nghỉ hè dài 2 tháng. Chứng chỉ Xanh sẽ giúp công dân châu Âu đi du lịch mà không cần phải giam hãm một hai tuần cách ly khi qua nước khác. Chứng chỉ này không chỉ có giá trị tại 27 nước châu Âu mà còn cả các nước châu Âu khác như Thuỵ sĩ va Nauy, người nước ngoài có thị thực nhập cảnh châu Âu cũng có thể xin chứng chỉ nếu muốn. Ngành du lịch và hàng không châu Âu rất kỳ vọng vào chứng chỉ Xanh để phục hồi hoạt động sau hơn một năm lao đao vì đại dịch. Theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), trong năm ngoái, hoạt động du lịch tại EU đã sụt giảm 52% và là một trong những ngành kinh tế chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Giới chức Châu Âu liệu sẽ có giải pháp như thế nào cho các vấn đề này, thưa anh Hồng Quang?

Phóng viên Lê Hồng Quang: Về quyền riêng tư, Chứng chỉ Xanh kỹ thuật số chỉ có những thông tin tối thiểu, về danh tính thì chỉ có 3 thông số là tên họ, ngày sinh và số thẻ căn cước; về sức khoẻ chỉ có thêm một hoặc hai trong số 3 chi tiết, là đã tiêm chủng phòng covid hay chưa, và nếu đã, thì là vaccine nào và tiêm khi nào; hoặc kết quả xét nghiệm gần nhất; hoặc nếu đã hồi phục sau khi nhiễm virus thì khỏi bệnh khi nào. Để đảm bảo không phân biệt đối xử giữa người đã chủng và người chưa chủng, chứng chỉ không chỉ cấp cho người đã chủng mà cấp cả cho người chưa chủng nhưng đã nhiễm virus và do vậy có kháng thể. Về tên gọi, Uỷ ban châu Âu chỉ gọi là certificat, là "chứng chỉ" hay "chứng nhận" mà thôi. Ủy ban châu Âu cũng tự tin rằng, có thể đạt được mục tiêu 70% dân số trưởng thành được hoàn thành hai mũi tiêm vào cuối mùa hè, đảm bảo một điều kiện quan trọng cho việc phổ biến chứng chỉ xanh kỹ thuật số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước