Giá thức ăn, chi phí vận hành cao, nhiều diện tích chăn nuôi bỏ không

Nguyễn Hương-Thứ hai, ngày 13/03/2023 17:31 GMT+7

VTV.vn - Bài toán thị trường đang là mối băn khoăn lớn nhất đối với ngành chăn nuôi hiện nay khi giá bán thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất.

Tại các tỉnh Đông Nam Bộ - vùng chăn nuôi quy mô nhất cả nước, những khó khăn còn nhiều hơn khi chăn nuôi nông hộ, trang trại tư nhân ngày càng yếu thế; cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Trong buổi tiếp xúc giữa đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các Hiệp hội chăn nuôi vào cuối tuần qua, nhiều giải pháp đã được vạch ra để gỡ khó.

Bình thường, một trang trại chăn nuôi khoảng 10 ha sẽ nuôi được 160.000 con gia cầm các loại, nhưng ở thời điểm này, toàn bộ diện tích đã bỏ không. Theo chủ trang trại chia sẻ, giá gà bán ngoài thị trường chỉ quanh quẩn ở mức 20.000 đồng/kg. Trong khi giá thức ăn, nhân công, nguyên, vật liệu, chi phí vận hành đều ở mức cao, đặc biệt sức mua giảm.

Chuồng trại bỏ không, nhưng anh Hùng (Quản lý trại chăn nuôi Nguyễn Văn Ngọc) vẫn cho duy trì sửa sang, khử khuẩn phòng dịch bệnh, để khi có đơn đặt hàng là bắt tay vào tái đàn ngay.

Giá thức ăn, chi phí vận hành cao, nhiều diện tích chăn nuôi bỏ không - Ảnh 1.

Hiện giá thịt lợn hơi đã xuống dưới 50.000 đồng/kg. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Tiền công nhân, chi phí hao hụt. Tính ra, một ngày tính lỗ cho một chuồng khoảng 2 triệu. Giờ chỉ mong giá cả tăng, giá cám ổn định", anh Nguyễn Xuân Hùng, Quản lý trại chăn nuôi Nguyễn Văn Ngọc, chia sẻ.

Không chỉ gia cầm, mặt hàng thịt lợn cũng đang gặp khó khi giá thịt hơi đã xuống dưới 50.000 đồng/kg. Thận trọng tái đàn và tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất đang được các cơ sở chăn nuôi áp dụng để duy trì.

"Cũng đang tìm cách tháo gỡ, giảm đàn xuống để trông chờ, hy vọng thời gian tới, giá có thể lên thì bù lỗ lại được phần nào", ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết.

"Giảm tiền điện nước một cách tối ưu, chi phí về nhân công..., những chi phí nào giảm thiểu mà không ảnh hưởng đến chăn nuôi sản xuất, không tạo nên giá thành nhưng phải đảm bảo thì công ty sẽ bóp nhặt những chi phí đó", bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Hương Vĩnh Cửu, cho hay.

Làm việc với các cơ sở chăn nuôi, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi khi thị trường tiêu thụ chậm. Bộ cũng chỉ ra những giải pháp ngành cần thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Chăn nuôi phải đi vào ngành hàng kỹ thuật tuần hoàn. Quan trọng nhất là an toàn thực phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi với các doanh nghiệp FDI, gắn với chuỗi phân phối, phục vụ ngay thị trường trong nước", ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.

Đặc biệt, Bộ cũng chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ tập trung xúc tiến thương mại, tìm các thị trường mới, đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Dự báo sang đầu quý II, tình hình xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sẽ có bước tăng trưởng trở lại.

Giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi 'khóc dở, mếu dở' Giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi "khóc dở, mếu dở"

VTV.vn - Hiện giá thịt lợn hơi trên cả nước đang ở mức giá thấp nhất trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, dao động từ 48.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg lợn hơi tùy địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước