Giá xăng tăng thêm 518 đồng/lít

Theo Dân trí-Thứ ba, ngày 05/04/2016 17:47 GMT+7

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: VTV News)

VTV.vn - Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa có công văn cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng giá xăng RON 92 518 đồng/lít lên tối đa 14.940 đồng/lít từ 17h ngày 5/4.

Trong lần điều chỉnh này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính giữ nguyên mức trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời, cho phép chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho xăng RON 92 là 800 đồng/lít; trích cho xăng E5 830 đồng/lít; trích cho dầu diesel 887 đồng/lít; trích cho dầu hỏa 271 đồng/kg.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng RON 92 được phép tăng 518 đồng/lít lên mức giá tối đa 14.940 đồng/lít. Giá xăng sinh học (E5) cũng được điều chỉnh tăng 551 đồng/lít lên mức giá bán tối đa 14.442 đồng/lít.

Với các mặt hàng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được phép giữ nguyên giá dầu diesel ở mức tối đa 9.873 đồng/lít và dầu hoả ở mức 8.905 đồng/lít, dầu mazut ở 7.225 đồng/lít.

Các mức giá mới và thời điểm trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đều được áp dụng từ 17h chiều nay (5/4).

Theo công văn số 4536/BTC-QLG ban hành cùng ngày (5/4) của Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu bình quân áp dụng cho xăng RON 92 trong quý II/2016 sẽ ở mức 18,35%, tăng nhẹ so với 18,08% trong kỳ điều hành trước. Thuế nhập khẩu với các mặt hàng dầu lần lượt ở: dầu diesel 2,32%, dầu madut 0% và dầu hoả 0%.

Trong lần điều chỉnh trước đó, giá xăng được điều chỉnh tăng 670 đồng/lít lên mức giá tối đa 14.442 đồng/lít; xăng sinh học (E5) cũng được điều chỉnh lên mức giá bán tối đa 13.891 đồng/lít; dầu diesel được điều chỉnh tăng không quá 290 đồng/lít lên mức giá bán không quá đồng/lít; giá dầu madút và dầu hỏa được giữ nguyên.

Theo thống kê của trang giá dầu toàn cầu (Global Petrol Prices), tại thời điểm 28/3/2016 giá xăng của Việt Nam là 0,68 USD/lít, thấp hơn hơn 30% so với mức trung bình 0,99 USD/lít của các nước trên thế giới.

Liên quan tới công tác điều hành giá xăng dầu, để bịt "lỗ hổng chính sách" trong cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc thay đổi cách xác định thuế nhập khẩu trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, khi xác định giá cơ sở điều hành xăng dầu, thuế suất nhập khẩu của quý này được tính là bình quân gia quyền của các mức thuế tối huệ quốc (MFN) và biểu thuế của các hiệp định thương mại tự do (FTA, theo thực tế hàng hoá).

Trước đó, phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, cách tính bình quân gia quyền sẽ đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng hơn.

Hiện tại, tùy theo điều kiện và khu vực cụ thể, các mức thuế suất nhập khẩu này khác nhau. Cụ thể, trong các nước nội khối ASEAN, thuế nhập khẩu xăng là 20%, dầu hoả, nhiên liệu bay, diesel và madut là 0% từ năm 2016 trở đi. Trong Hiệp định Việt Nam – Hàn Quốc, thuế với xăng là 10% từ ngày 20/12/ 2015, dầu diesel, hoả, nhiên liệu bay là 5%, dầu mazut là 0%. Trong khi đó, theo hiệp định ASEAN – Trung Quốc, thuế nhập khẩu xăng là 20%, các mặt hàng dầu là 5, 8 và 10% kể từ năm 2016. Với nhiều mức thuế khác nhau như vậy kể từ đầu năm 2016, việc lấy một mức thuế nhập khẩu ưu đãi để tính giá cơ sở xăng dầu đã không còn phù hợp.

Vì vậy, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ áp dụng mức thuế để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi, theo thực tế hàng hoá nhập khẩu từng quý, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau. Với cách tính theo phương pháp bình quân gia quyền như trên nên mức thuế suất nhập khẩu có thể sẽ thay đổi theo kỳ điều hành, phụ thuộc vào lượng nhập từ các thị trường trong kỳ.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước