Nhân lực công nghệ cao sẽ giúp Việt Nam bắt kịp công nghiệp 4.0

Theo TTXVN-Thứ hai, ngày 08/05/2017 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa. (Ảnh: Dân trí)

VTV.vn - Theo một số chuyên gia, để bắt kịp công nghiệp 4.0, Việt Nam cần phải bắt đầu ngay từ việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.

Tiến tới công nghiệp 4.0 liên tục là chủ đề nóng, được quan tâm tại nhiều diễn đàn trong thời gian qua. Nhưng để tận dụng các cơ hội và bắt kịp Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa cần "đao to búa lớn", mà Việt Nam cần phải bắt đầu ngay từ những việc đơn giản nhất, thiết yếu và bền vững nhất là phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.

Có thể thấy, các khái niệm công nghệ gần đây như điện toán đám mây, công nghiệp 4.0, in 3D, hay tự động hóa… đã mang đến những thay đổi và định hướng mới không chỉ đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh mà trong cả việc giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam.

Để ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa vào hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc, đặc biệt là các vị trí có liên quan trực tiếp đến sản phẩm dịch vụ như nghiên cứu phát triển, thiết kế sản xuất sản phẩm. Điều đó tạo nên sức ép đồng thời cũng là cơ hội đối với các trường đào tạo và nhân lực Việt Nam trong tương lai gần.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, tính khả thi của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên bắt đầu bằng những bước nhỏ và đơn giản nhưng cần được thực hiện ngay. Thiết yếu nhất là đầu tư vào nguồn nhân lực. Sau đó các nhà sản xuất nên mạnh dạn đổi mới công nghệ. Và không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ để tối đa hóa hiệu quả của các doanh nghiệp, tránh đầu tư chồng chéo.

Với mục tiêu đưa công nghệ và kỹ thuật mới vào đào tạo nhân lực, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nhân sự của các doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả của việc nghiên cứu phát triển trong các viện, trường học, Công ty Vietbay đã hợp tác với Siemens Industry PLM ký hợp tác với 3 trường Đại học gồm Học viện Kỹ thuật Quân sự (MTA), Viện Cơ khí Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải.

Ông Võ Hồng Kỳ, Giám đốc Siemens PLM tại Việt Nam cho hay, hợp tác này nhằm nâng cao trình độ và chất lượng của sinh viên sau tốt nghiệp, tạo cơ hội việc làm tốt khi ra trường; nâng cao trình độ giảng viên đào tạo công nghệ phần mềm theo tiêu chuẩn của hãng sản xuất; và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kỹ thuật.

Ông Mai Duy Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho rằng, không phải một sớm một chiều mà doanh nghiệp có thể đưa vào internet vạn vật, big data, trí thông minh nhân tạo vào hoạt động, nhưng doanh nghiệp có thể cải thiện ngay hiệu suất làm việc bằng chất lượng nhân viên, quản lý công việc.

Có thể trong các công nghệ tên lửa, vũ trụ thì Việt Nam cách thế giới khoảng cách xa, vài trăm năm. Nhưng trong cuộc cách mạng 4.0, dựa trên công nghệ thông tin, thì nhân lực Việt Nam có thế mạnh đã tích góp 10-20 năm làm công nghệ thông tin, outsource… Do vậy, khả năng bắt kịp công nghệ tiên tiến của Việt Nam cũng khá là cao.

Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chính phủ cần có hành động cụ thể, chứ không chỉ kêu gọi, phải tạo điều kiện để thúc đẩy các doanh nghiệp sáng tạo mạnh hơn. Còn với doanh nghiệp truyền thống thì hoàn thiện mình, cải thiện năng lực sản xuất, không chỉ dựa vào nhân công giá rẻ, mà phải dựa vào nhân lực công nghệ, sáng tạo, ông Quang nói thêm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trên thực tế, trình độ sản xuất hiện tại của Việt Nam mới ở giai đoạn Công nghiệp 2.0 hoặc Công nghiệp 3.0, sản xuất chính vẫn ở trình độ thấp bởi thiếu hụt các công nghệ mới, thiếu thông tin, kỹ năng, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ.

Việt Nam đang cố gắng để tham gia vào kỷ nguyên công nghệ mới 4.0. Do vậy, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, phân tích dữ liệu, quản lý nền kinh tế, một yếu tố chính quyết định sự phát triển của công nghiệp 4.0 đó là nguồn nhân lực.

Theo thông tin từ Reed Tradex, trong năm 2016, số lượng người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội tăng 31% và số người sử dụng mạng xã hội di động tăng 41%.

Ông Isara Burintramart, Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex tin rằng, nguồn nhân lực Việt Nam đã sẵn sàng học hỏi và bước vào kỷ nguyên Công nghiệp 4.0. Cách tốt nhất để tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 là việc phải bắt đầu, mặc dù chỉ là những bước nhỏ với việc lập ra chiến lược, dự án thí điểm.

Cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi thế giới Cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi thế giới Thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 Thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 Những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 Những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
     

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước