Nhập khẩu ô tô: Bao giờ mới có đáp án tối ưu?

Thư Hiền (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ ba, ngày 27/02/2018 11:30 GMT+7

VTV.vn - Theo Tuổi trẻ, cuộc tranh cãi giữa Chính phủ và đại diện các Hiệp hội DN nhập khẩu ô tô là quyết liệt, thậm chí nảy lửa. Các DN nhập khẩu ô tô kéo cả đại sứ quán vào cuộc.

Nghị định 116/2017 đã đưa ra các điều kiện để được kinh doanh, nhập khẩu ô tô. Nếu gỡ bỏ những rào cản này, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chắc chắn sẽ thở phào nhẹ nhõm nhưng đi cùng với đó, nền công nghiệp ô tô trong nước sẽ đi về đâu?

Nhập khẩu ô tô: Bao giờ mới có đáp án tối ưu? - Ảnh 1.

Làm thế nào để giải quyết được câu hỏi "Nếu - thì" ở trên là một bài toán không hề dễ dàng với Chính phủ.

Phe nhập khẩu ô tô cho rằng, các quy định của Nghị định 116/2017 gây tốn kém, bất bình đẳng sản xuất trong và nước ngoài. Nhưng đại diện Thaco lại cho rằng thiết bị phụ tùng của họ vẫn phải kiểm tra từng chiếc, xe nhập khẩu bị kiểm tra từng lô, chưa có gì là ủng hộ sản xuất trong nước.

Theo đại diện Ford Việt Nam, DN đầu tư cách đây 20 năm gặp khó do không có quỹ đất để mở rộng đường thử. Chưa có nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa chất lượng xe và đường thử. Thế nhưng, đại diện Tập đoàn Thành Công - Huyndai không cho là vậy. Bởi nói không có liên hệ giữa chất lượng xe và đường thử là không đúng vì kinh doanh phải đảm bảo an toàn. Mỗi năm, các DN đóng đến hàng nghìn tỷ đồng, đâu khó khăn gì mà địa phương lại không cấp đất?

Tuy nhiên, cũng có những phản ánh của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mà Chính phủ cần phải xem xét.

Nhập khẩu ô tô: Bao giờ mới có đáp án tối ưu? - Ảnh 2.

Trên tờ Thời báo Kinh doanh, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho rằng việc hãng Ford nói việc kiểm nghiệm từng lô xe làm phát sinh thêm 10.000 USD là điều cần phải xem xét để tránh việc bị hiểu là Nghị định tạo ra những điều kiện, rào cản để co kéo lợi ích.

Tờ này cũng trích đăng ý kiến của đại diện Bộ Công Thương - một trong những đồng tác giả của Nghị định 116, là trước đó thì Bộ này đã đi làm việc với từng DN cụ thể. Mục tiêu của Nghị định 116 là phải bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Việt Nam có hơn 90 triệu người dân nên mong muốn có được một ngành công nghiệp ô tô là quyền lợi tất yếu.

Từ chuyện ô tô, tản mạn sang nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Vào đầu thập niên 90, điện ảnh Hollywood chiếm đến 80% thị phần Hàn Quốc. Tổng thu nhập từ bộ phim Công viên kỷ Jura của Mỹ lúc bấy giờ còn cao hơn doanh thu của 1,5 triệu chiếc xe Huyndai, niềm tự hào của Hàn Quốc khi đó. Chỉ đến khi Hàn Quốc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm giải trí nước ngoài, công bố chính sách hạn ngạch rạp chiếu, đầu tư mạnh vào thị trường điện ảnh nội địa, nền điện ảnh Hàn Quốc mới đạt được nhiều thành công vang dội, có được "kỳ tích sông Hàn" như ngày nay.

Cuộc tranh luận giữa các bên xoay quanh Nghị định 116 đề cập ở trên chưa có kết luận cuối cùng. Thay vào đó là một lời đề nghị từ Bộ trưởng Mai Tiến Dũng "Chúng ta phải tạo sự bình đẳng trong sản xuất và kinh doanh. Cũng rất mong các bên ủng hộ chủ trương của Chính phủ Việt Nam là sẽ phát triển ngành công nghiệp ô tô tự chủ và tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa". Bởi nếu không, đến khi nào mới trả lời được câu hỏi "Nếu Mỹ tự hào với hãng GM, Ford; Nhật Bản nổi danh với Toyota hay Mazda… thì Việt Nam có gì?".

Nhiều tranh cãi xung quanh quy định về nhập khẩu ô tô Nhiều tranh cãi xung quanh quy định về nhập khẩu ô tô Việt Nam 'gỡ rào' thuế nhập khẩu, ngành sản xuất ô tô trong nước nói gì? Việt Nam "gỡ rào" thuế nhập khẩu, ngành sản xuất ô tô trong nước nói gì? Ô tô nhập giá rẻ sắp về Việt Nam Ô tô nhập giá rẻ sắp về Việt Nam

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước