Tại sao Uber phải nhường thị trường Đông Nam Á cho Grab?

Hữu Hưng - Mạnh Hà (PV Đài THVN Thường trú tại ASEAN)-Thứ hai, ngày 26/03/2018 18:09 GMT+7

VTV.vn - Hãng taxi công nghệ Grab đã chính thức thâu tóm thị phần của Uber tại thị trường Đông Nam Á, tiếp tục củng cố vị thế hàng đầu trong lĩnh vực này tại ASEAN.

Grab thâu tóm Uber tại thị trường Đông Nam Á

Theo thông tin báo chí ngày 26/3, Grab cho biết đã thu mua lại toàn bộ dịch vụ đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn tại Đông Nam Á của Uber và tích hợp các dịch vụ này vào nền tảng của công nghệ tài chính và di chuyển đa phương của Grab. Đối lại, Uber nhận được 27,5% cổ phần trong Grab - con số tương tứng với thị phần hiện nay của Uber tại khu vực.

Với thương vụ sáp nhập này, Grab sẽ tiếp tục củng cố vị trí hàng đầu của mình với vai trò là nền tảng hiệu quả nhất khu vực Đông Nam Á sau khi tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Được biết, Grab hiện có 5 triệu người sử dụng và đang cung cấp các dịch vụ xe tư nhân, xe máy hai bánh, xe taxi và dịch vụ đi chung xe ở khắp 8 quốc gia và 195 thành phố ở Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Grab còn triển khai dịch vụ giao nhận hàng hóa, thực phẩm và dịch vụ tài chính. Cụ thể là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho hàng triệu khách hàng tại ASEAN.

Thỏa thuận trên là thành công lớn của Grab nhưng về mặt kinh doanh, với Uber cũng không phải là thương vụ tồi khi hãng này vẫn nắm 27,5% cổ phần trong Grab - kết quả sau 5 năm có mặt tại thị trường ASEAN.

Tại sao Uber lại phải nhường lại thị trường Đông Nam Á cho Grab?

Uber tiến vào thị trường Đông Nam Á năm 2013 với hình thức đơn thuần chỉ là chuyển mô hình kinh doanh đang hoạt động ở Mỹ đến với ASEAN. Mô hình hoạt động tốt ở Mỹ có khi lại không hoạt động như mong muốn tại các nước ASEAN - nơi có nền văn hóa đa dạng, hạ tầng giao thông, hạ tầng thanh toán cũng khác nhau.

Ví dụ người dùng ASEAN vẫn có thói quen dùng tiền mặt thanh toán thì việc chỉ thanh toán thẻ như mô hình ban đầu của Uber sẽ là một hạn chế lớn. Còn Grab ngay từ đầu đã cho phép người dùng thanh toán cả thẻ, cả tiền mặt và tiền điện tử bởi Grab là doanh nghiệp khởi nguồn chính từ ASEAN hiểu rõ nhu cầu, thói quen của người sử dụng tại đây.

Sự lớn mạnh của Grab khiến việc cạnh tranh thị phần của Uber ngày càng trở nên khó khăn. Uber bán lại thị phần cho Grab tại ASEAN để tập trung nguồn lực vào các thị trường đang có thế mạnh như Mỹ Latin, Ấn Độ sẽ là giải pháp phù hợp.

Người tiêu dùng được hưởng lợi gì từ thương vụ sáp nhập này?

Về cơ bản, sau khi Uber và Grab sáp nhập, người dùng vẫn được hưởng những dịch vụ tốt và phù hợp do Grab cung cấp. Về lâu dài, sau khi hoàn tất sáp nhập, việc có thêm nhiều tài xế từ Uber chuyển sang Grab kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu di chuyển của người dân. Cụ thể là khách hàng rút ngắn được thời gian chờ xe, di chuyển thuận tiện và tiết kiệm hơn. Tài xế có thể có thu nhập cao hơn nhờ nhận được nhiều yêu cầu đặt xe hơn.

Dù Uber đã sáp nhập với Grab nhưng hãng này chưa hẳn độc quyền bởi có nhiều hãng taxi truyền thống đang chuyển đổi sang công nghệ tương tự như Grab và sự cạnh tranh vẫn đang tiếp diễn. Do đó, Grab sẽ ngày càng phải hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ và cạnh tranh hơn.

Tham vọng của Softbank phía sau thương vụ Grab thâu tóm Uber Tham vọng của Softbank phía sau thương vụ Grab thâu tóm Uber

VTV.vn - Theo nhiều nguồn tin, Softbank là tác nhân chính thúc đẩy thương vụ hợp nhất giữa Grab và Uber lần này.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước