Talemy: Gen Z không ngại nhảy việc vì thích trải nghiệm

Thùy An-Thứ tư, ngày 23/08/2023 09:28 GMT+7

VTV.vn - Theo Talemy, giống như những đứa trẻ mong mỗi ngày đi học là một ngày vui thì đối với Gen Z cũng vậy, mỗi ngày đi làm phải là một ngày vui.

Trong nghiên cứu độc lập về chủ đề Hành vi và Nhận thức tìm kiếm công việc của Gen Z (những người có năm sinh thuộc vào khoảng từ 1995 đến 2012), công ty tư vấn Talemy cho biết trái với quan niệm "một nghề cho chín còn hơn chín nghề", dường như Generation Z đang theo đuổi xu hướng trải nghiệm, tham gia, học tập, và phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau thay vì gắn bó chỉ với một công việc hay một kỹ năng được đào sâu.

Giải thích lý do khiến Gen Z thiếu "chung thuỷ" với công việc, Talemy dẫn kết quả khảo sát của Anphabe cho thấy tỉ lệ nhảy việc của Gen Z ngay trong năm đầu tiên lên tới 62%, thậm chí trong thời gian ngắn hơn.

Đáng chú ý, đa số những lý do đằng sau sự thiếu "chung thuỷ" này lại đến từ thời gian và cách thức hoạt động của nhiều công ty. Nhiều Gen Z không coi công việc 9 đến 5 giờ là một công việc lý tưởng nữa, mà thay vào đó việc cố định về mặt thời gian sẽ tạo sự tù túng, và không thoải mái. Phong cách sống cân bằng "work-life balance", cũng là yếu tố lớn ảnh hưởng tới độ cam kết của Gen Z

"Theo khảo sát của IBM, từ sau dịch COVID-19, 51% nhân sự trẻ đặt yếu tố cuộc sống cân bằng làm ưu tiên khi tìm kiếm công việc", Talemy cho biết.

Cũng theo Talemy, ngoài việc phát triển sự nghiệp, Gen Z cũng chú trọng chăm sóc đời sống tinh thần. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu đó, dẫn đến Gen Z được gắn mác thiếu "sự chung thuỷ" với công việc.

Về xu hướng lựa chọn công việc của Gen Z, nghiên cứu cho biết thế hệ này ưu tiên các phúc lợi phi tiền tệ. Trong đó, khoảng 65% Gen Z đưa văn hóa doanh nghiệp làm yếu tố quan trọng nhất khi cân nhắc công việc.

Theo Talemy, trong các cuộc thảo luận của Gen Z khi nói về một công việc hay một công ty, thường các câu hỏi có thể được đặt ra sẽ là "Môi trường ở đó như thế nào?", "Anh hoặc chị quản lý (leaders) của cô có ổn không?" hay các câu hỏi tương tự không liên quan tới lương thưởng. Điều này chứng tỏ mối quan tâm của Gen Z đang dần chuyển hướng sang các phúc lợi liên quan tới môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, và con người nơi làm việc.

"Giống như những đứa trẻ mong mỗi ngày đi học là một ngày vui thì đối với Gen Z cũng vậy, mỗi ngày đi làm phải là một ngày vui", nghiên cứu cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước