Thị trường mua bán nội tạng - Tâm điểm báo chí châu Âu

Lê Hồng Quang, phóng viên thường trú Đài THVN tại châu Âu-Thứ hai, ngày 21/09/2015 10:11 GMT+7

VTV.vn - Trong tuần qua, nổi bật trên báo chí châu Âu là nhiều bài viết về các nước châu Âu đang tìm cách đối phó với một thị trường ngầm, thị trường mua bán nội tạng người.

HNA Mundener

Đây là một trong 10 hoạt động tội phạm thu nhiều lợi nhuận nhất, khoảng 1,3 tỷ euro mỗi năm. Báo HNA của Đức dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mỗi năm có khoảng 100.000 ca ghép nội tạng, 2/3 là ghép thận, tiếp đó là gan, tim, phổi và tuỵ. Có khoảng từ 15.000 cho đến 20.000 ca ghép thận là do mua bán, tất nhiên là bất hợp pháp bởi vì là chưa có nước nào trên thế giới cho phép mua bán nội tạng người. Bệnh nhân có khi phải trả tới 200.000 USD cho một quả thận, thế nhưng, người bán thận lại thường chỉ nhận được 2.000 USD.

The Scotsman

Buôn bán nội tạng người là phạm pháp, nhưng có những người cần ghép tạng phải xếp hàng rất lâu mà không tìm được người hiến tạng, chẳng lẽ cứ để vậy cho họ chịu chết ? Không tìm cách nào đó để tăng nguồn cung, thì dĩ nhiên là thị trường ngầm sẽ phải phát triển để đáp ứng. Báo The Scotsman trích dẫn một báo cáo của chính phủ Anh cho biết, nạn nhân của buôn bán nội tạng tại Anh đã gia tăng và đang ở mức cao nhất kể từ trước tới nay.

HNA

Đầu năm nay, một nhà báo Đức ra một cuốn sách, kể lại quá trình đi tìm mua một quả thận cho chính mình. Nhà báo 60 tuổi đã tới Mexico ghép thận sau khi thoả thuận trực tiếp với một người châu Phi đồng ý bán thận. Tác giả cuốn sách tốn 30.000 USD để có quả thận và do không có trung gian, cho nên, phần lớn số tiền về tay người bán, đủ để cho anh này mở một công ty riêng. Tác giả kêu gọi nên hợp pháp hoá phần nào việc mua bán, bởi vì nếu cứ cấm đoán, nhu cầu vẫn đó, thị trường ngầm vẫn tồn tại, thiệt hại cả cho tất cả mọi người.

Le Figaro

Cuốn sách đó gây tranh luận mạnh mẽ, thế nhưng chưa dữ dội bằng tranh luận tại nước Pháp này sau khi Quốc hội thông qua một điều luật hồi tháng 4 vừa rồi. Theo đó, từ năm 2017, ai mà khi còn sống không phản đối hiến tạng tức là nghiễm nhiên đồng ý là sẽ hiến tạng sau khi chết. Theo thông lệ cho tới lúc này, ai muốn hiến tạng thì chủ động đi đăng ký, còn ai không nói gì thì đương nhiên được coi như là không đồng ý. 2 năm nữa, ở Pháp, im lặng được coi như là đồng ý. Nước Pháp hy vọng rằng, điều luật này sẽ làm tăng nguồn cung nội tạng người, từ đó triệt tiêu được thị trường ngầm mua bán bộ phận cơ thể.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước