Thượng Hải (Trung Quốc) làm gì để vượt khó trong lĩnh vực vận tải?

Như Anh-Thứ tư, ngày 27/04/2022 08:08 GMT+7

VTV.vn - Những đợt phong toả đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận tải đường bộ tại Thượng Hải (Trung Quốc).

Đã gần một tháng thành phố Thượng Hải bị áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Ngoài ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân, hàng hóa xuất nhập khẩu từ thành phố đông dân nhất Trung Quốc này cũng đang gặp khó. Gần 1/3 số hàng hoá đáng lẽ ra đang trên đường rời cảng ở Thượng Hải lại đang bị mắc kẹt. Trong khi đó, nhiều tàu thuyền vẫn neo đậu ở ngoài khơi do không có hàng hoá để bốc dỡ.

Thiếu phương tiện giao thông, lượng xe tải giảm 40-50%, khó tiếp cận giấy phép vận chuyển, nhân viên, vật liệu và hàng hóa đến và đi từ thành phố và xa hơn, chỉ là một số trong rất nhiều thách thức mà các công ty phải đối mặt. Vì thế, nhiều công ty ở đây đã buộc phải chuyển sang vận tải đường sắt để đảm bảo hàng hoá của mình có thể xuất khẩu.

Các công ty hiện đang sử dụng mô hình với tên gọi "đường sắt viễn dương" để gửi các container đến các trung tâm đường sắt gần đó trước khi chúng được xe tải chuyển đến cảng đích của họ. Cảng Luchao là nơi tiếp nhận tới 90% khối lượng hàng hoá vận chuyển theo kiểu này.

Ông Wang Mingwei, Giám đốc thường trực Trung tâm cảng Luchao, cho biết: "Hiện tại, việc vận chuyển bằng xe container và xe ben đang bị hạn chế vì đợt phong toả. Vì vậy, đường sắt đang là giải pháp thay thế trong trường hợp cấp bách. Chúng tôi ước lượng tháng 4 này sẽ có khoảng 50 nghìn container được vận chuyển theo tuyến đường sắt viễn dương".

Cảng Luchao vì thế đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối và giúp bình ổn chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, đặc biệt có thể kể đến ngành công nghiệp ô tô.

Ông Wang Mingwei cho biết thêm: "Chúng tôi đã nhanh chóng giúp đỡ các hãng như GM, Volkswagen và Tesla để các sản phẩm của họ có thể được vận chuyển bằng đường sắt bất cứ lúc nào".

Chỉ trong tháng 3, hơn 17 nghìn chiếc xe ô tô đã được xử lý khâu vận chuyển tại Luchao. Tuy nhiên, những đối tác của các nhà sản xuất Trung Quốc đặc biệt lo ngại khi hàng hoá phải đi lòng vòng như thế mới có thể rời cảng. Vì chắc chắn giá thành sẽ đội lên khi đến tay người tiêu dùng. Ví dụ như Đức, theo hãng thông tấn DW, gần 1/3 thương mại đường biển giữa Đức và Trung Quốc là đi qua Thượng Hải nên hãng này dự báo hàng tiêu dùng gần như chắc chắn sẽ đắt hơn trong mùa hè này.

Còn bên kia Đại Tây Dương, các nhà nhập khẩu cũng dự báo là người tiêu dùng Mỹ sẽ cảm nhận được giá cả tăng vọt vào tháng 7 này sau những gì đang diễn ra tại Thượng Hải. Các đợt tăng giá hàng hoá sẽ diễn ra vào quý 2 sau khi đã ngấm những tác động của việc hàng hoá bị dồn ứ tại các cảng của Trung Quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước