Mạo danh bác sĩ, bệnh viện lớn để trục lợi, nhiều người tiền mất tật mang

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 17/02/2023 19:27 GMT+7

VTV.vn - Lấy danh nghĩa bệnh viện, bác sĩ để quảng cáo chữa bệnh trên mạng xã hội là thủ đoạn của các đối tượng mạo danh để bán thuốc, thực phẩm thức năng và trục lợi từ bệnh nhân.

Giả danh bác sĩ quân y để tạo niềm tin, lừa đảo

Vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng quá mức cho phép, thổi phồng hay như thần dược đã tồn tại nhiều năm qua và càng trở nên tinh vi. Với những câu như "cam kết khỏi bệnh sau một lộ trình", "chữa dứt điểm đau xương khớp chỉ sau 15 ngày" hay "chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm đại tràng" kèm theo đó là hình ảnh được giới thiệu là PGS, bác sĩ ở các bệnh viện lớn đã khiến nhiều người bị lừa, dẫn đến tiền mất tật mang.

Mạo danh bác sĩ, bệnh viện lớn để trục lợi, nhiều người tiền mất tật mang - Ảnh 1.

Được quảng cáo là nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103, với hơn 40 năm kinh nghiệm chữa cơ xương khớp, có thể chữa khỏi sau 15 ngày và kèm theo số điện thoại để tư vấn, tuy nhiên, phóng viên gọi rất nhiều lần vào số máy tư vấn của người trên thì không được.

Nhưng khi nhập số điện thoại và thông tin thì vài tiếng sau đã có người tự xưng là bác sĩ Phạm Hòa Lan, đã từng làm việc tại Bệnh viện Quân y 103 gọi lại.

Tìm đến Bệnh viện Quân đội 103 để xác minh thông tin về người tự xưng là Đại tá, bác sĩ Phạm Hòa Lan, lãnh đạo bệnh viện khẳng định bệnh viện không có bác sĩ nào tên như vậy.

Nhóm phóng viên tiếp tục tìm đến công ty sản xuất loại thực phẩm chức năng cơ xương khớp được "Đại tá, Tiến sĩ Phạm Hòa Lan" quảng cáo, tuy nhiên, nhân viên công ty trả lời là không biết quảng cáo này và do đơn vị bán hàng thực hiện.

Mạo danh bác sĩ, bệnh viện lớn để trục lợi, nhiều người tiền mất tật mang - Ảnh 2.

PGS.TS. Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 cho biết, từ năm 2018 tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận được một số thông tin phản ánh về một số trang mạng xã hội sử dụng hình ảnh uy tín, bỏ logo liên quan Bệnh viện Quân y 103 hoặc cắt ghép hình ảnh cán bộ, nhân viên của bệnh viện để quảng cáo và bán thực phẩm chức năng.

Nhưng trên một trang mạng khác, cũng hình ảnh của "Đại tá, Tiến sĩ Phạm Hòa Lan" lại được giới thiệu là nguyên chủ nhiệm khoa nghiên cứu thuốc, trang thiết bị y tế, Cục Quân y, Bộ Quốc phòng và tư vấn về viêm đại tràng.

Và chỉ cần gõ "Đại tá, Tiến sĩ Phạm Hòa Lan" trên Google đã cho hơn 5.000 kết quả và mỗi trang lại có 1 số điện thoại tư vấn khác nhau.

Phóng viên cũng đã trao đổi với Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng và được trả lời rằng, trước đây có Dược sĩ CKII Phạm Hòa Lan, nguyên Chủ nhiệm khoa Trang bị, Trung tâm kiểm nghiệm, nghiên cứu dược quân đội, nay là Viện Kiểm nghiệm, nghiên cứu dược và trang thiết bị y tế quân đội.

Theo hồ sơ, địa chỉ là ở Thanh Xuân, Hà Nội. Phóng viên cũng liên lạc vào số điện thoại được Cục Quân y cung cấp nhưng sau khi được hỏi "Có phải số của bác Phạm Hòa Lan không?", người nghe đã dập máy.

Mạo danh bệnh viện lớn để trục lợi

Việc lấy danh nghĩa bệnh viện, bác sĩ để quảng cáo trên mạng xã hội tạo niềm tin cho người bệnh xảy ra tại rất nhiều bệnh viện để lừa đảo người bệnh.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng đã tiếp nhận phản ánh của một số người dân qua đường dây nóng về việc có một số đối tượng mạo danh giới thiệu là cán bộ, nhân viên của Bệnh viện. Với nhiều thủ đoạn, các trang giả mạo này tư vấn, khám bệnh trực tuyến, bán thuốc nhằm trục lợi từ bệnh nhân.

Với những bài đăng quảng cáo thuốc, khám bệnh miễn phí và cam kết chữa khỏi dứt điểm bệnh đái tháo đường, nếu không khỏi thì hoàn tiền 100% được đăng trên trang FB giả mang tên Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Đã có nhiều người bệnh nhầm tưởng và bị lừa.

Mạo danh bác sĩ, bệnh viện lớn để trục lợi, nhiều người tiền mất tật mang - Ảnh 3.

Các trang giả mạo câu kéo hàng trăm bình luận tương tác để bệnh nhân để lại số điện thoại tư vấn. Đa phần là các bệnh nhân ảo, để làm mồi nhử cho các bệnh nhân thật.

Trước tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin, khám chữa bệnh và mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được nhà nước cấp phép, tránh tiền mất tật mang.

Trong Chỉ thị số 17 của Ban Bí Thư đã nhấn mạnh, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật diễn biến phức tạp.

Khó xử lý quảng cáo sai trên mạng

Thực tế cho thấy, việc quản lý các quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội rất khó phát hiện, bản thân người bị lừa cũng gặp nhiều khó khăn vì không lưu được bằng chứng và không thể liên lạc được với người bán hàng.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế đã phát hiện, yêu cầu gỡ khoảng 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên YouTube. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân.

Tại sảnh Bệnh viện Quân Y 103, thông tin về các trang mạng giả danh bệnh viện để bán thực phẩm chức năng, thuốc được chiếu trên màn hình lớn để người dân dễ dàng nhìn thấy, đồng thời đăng tải trên Website, facebook, Youtube chính thức của bệnh viện khẳng định những thông tin này là sai sự thật. Tuy nhiên, khi bị phát hiện trang này họ lại ra ngay trang khác, khiến việc cảnh báo gặp không ít khó khăn.

Mạo danh bác sĩ, bệnh viện lớn để trục lợi, nhiều người tiền mất tật mang - Ảnh 4.

Cơ quan chức năng khẳng định quảng cáo trên mạng xã hội đang khó kiểm soát và mới phát sinh. Những người này đã dùng công nghệ để phát tán quảng cáo các loại thực phẩm chức năng hay các bài thuốc nhưng được thổi phòng như thần dược. Trên thực tế, các loại thực phẩm này đã được cấp phép lưu hành nhưng chỉ mang tính hỗ trợ điều trị.

Facebook, YouTube hay các nền tảng xuyên quốc gia khác đang là nơi xuất hiện phổ biến nội dung quảng cáo không theo mong muốn. Tuy nhiên, việc nền tảng hoạt động dựa trên thuật toán khiến cơ quan quản lý rất khó phát hiện. Bản thân người dùng cũng gặp nhiều khó khăn nếu muốn lưu bằng chứng hoặc phản ánh. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa có công cụ để phát hiện các quảng cáo mang tính đối tượng này.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Luật Quảng cáo quy định rất rõ việc cấm các mạo danh người khác, cấm sử dụng hình ảnh y bác sỹ để quảng cáo cho thực phẩm chức năng, thuốc. Tuy nhiên, việc xác định những người quảng cáo này có phải là bác sĩ không hay có bị mạo danh không thì rất khó.

Trên thực tế, rất ít người bị mạo danh lên tiếng về việc đơn vị này mạo danh hay mượn hình ảnh để quảng cáo. Trường hợp ông Phạm Hòa Lan là một ví dụ, vì mỗi trang lại ghi ông một chức vụ, một số điện thoại và một nơi sinh sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước