Cách sơ cứu đúng trong “thời gian vàng” khi bị bỏng

Thủy Nguyễn, icon
06:46 ngày 25/11/2016

VTV.vn - Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, việc sơ cứu ngay sau bỏng đúng cách góp phần làm giảm diện tích, độ sâu tổn thương bỏng, giảm tai biến.

Ảnh: BSCC

Bỏng là tai nạn rất hay gặp trong cuộc sống hàng ngày. Bỏng có thể gặp do tai nạn lao động, sinh hoạt, tai nạn giao thông… Những tác nhân gây ra bỏng gồm: bỏng nhiệt, trong đó có bỏng nhiệt ướt (như: nước sôi, thức ăn nóng, nồi hơi,... chiếm tỷ lệ 70-80%, đặc biệt hay gặp ở trẻ em) và bỏng do nhiệt khô (do các vụ hỏa hoạn, cháy nổ, kim loại nóng…, đứng thứ 2, chiếm từ 6-10%); bỏng do hóa chất; bỏng phóng xạ.

Một loại bỏng đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, là bỏng do điện. Cùng với sự gia tăng của các vật liệu, đồ gia dụng sử dụng điện năng nên tỉ lệ bỏng điện tăng. Bỏng điện nguy hiểm tới tính mạng hoặc để lại những hậu quả nặng nề do tổn thương bỏng điện thường sâu (tới gân, cơ, xương, khớp, mạch máu...).

Trao đổi với VTV News, Đại tá, PGS. TS. BS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia chia sẻ, đối với bỏng, việc sơ cứu ngay sau bỏng có vai trò vô cùng quan trọng. Nếu như sơ cứu đúng sẽ góp phần làm giảm diện tích, giảm độ sâu tổn thương bỏng, sẽ giảm được những tai biến nặng về sau.

"Trước khi tiến hành bất kỳ biện pháp điều trị nào, cần nhanh chóng tách rời nạn nhân khỏi tiếp xúc với tác nhân gây bỏng. Sau đó, nhanh chóng kiểm tra trạng thái toàn thân như xem nạn nhân có tỉnh táo không, có bị ngạt thở không... để tiến hành cấp cứu. 

Sau đó, cần nhanh chóng ngâm rửa vùng bỏng vào nước sạch. Việc sơ cứu tại chỗ bỏng được tiến hành càng sớm càng tốt, "thời gian vàng" sơ cứu cố gắng trong vòng 1h đầu. Thời gian ngâm rửa thông thường từ 30-60 phút. Tuy nhiên, nếu không có rối loạn toàn thân nặng, việc ngâm rửa tiến hành đến khi nào nạn nhân vẫn còn thấy có tác dụng giảm đau. Đây là thao tác đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện. Bệnh nhân bị bỏng khi được ngâm rửa nước sạch sẽ có tác dụng giảm đau, giảm phù nề, diễn biến của bệnh sẽ nhẹ hơn" – BS Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết.

BS Nguyễn Ngọc Tuấn còn cho biết, nếu xảy ra bỏng vào mùa Đông, với nạn nhân là người già và trẻ em cần phải lưu ý những phần còn lại của cơ thể, cần được sưởi ấm, rút ngắn thời gian ngâm rửa. Nếu bị bỏng ở những vùng khó ngâm nước, có thể thay thế bằng chườm, đắp làm mát. Trong khi ngâm rửa cần lưu ý không làm trợt loét vết bỏng, bóc bỏ vòm nốt phổng.

Sau khi ngâm rửa xong, vùng bỏng không được để hở, cần che phủ tạm thời bằng vật liệu sạch như quần áo sạch. Sau đó dùng các cuộn băng lại, ủ ấm cho nạn nhân, bù nước điện giải, và nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Đối với trường hợp bị bỏng điện, BS Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho biết cần phải bình tĩnh, nhanh chóng tách nạn nhân khỏi nguồn điện, hết sức lưu ý bảo đảm an toàn cho chính người sơ cứu. Nhanh chóng kiểm tra xem nạn nhân có tỉnh táo không, có ngừng tim không, có ngừng thở không, có chấn thương không. Chỉ tiến hành xử trí vết bỏng điện khi nạn nhân tỉnh táo, không có rối loạn toàn thân.

"Đối với bỏng điện, không cần động tác ngâm nước sạch, nhưng cần rửa được vết bỏng bằng nước sạch, che phủ, băng lại và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. Đối với bỏng điện, trong mọi trường hợp đều cần được đưa đến cơ sở y tế bởi vì bỏng điện diễn biến rất phức tạp, tổn thương có thể để lại những hậu quả nặng nề. Người dân khi bị bỏng điện đừng loay hoay đi tìm các bài thuốc, phương pháp chữa trị truyền miệng mà bỏ qua thời gian vàng chữa trị dẫn tới những hậu quả nặng nề" - BS Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia chia sẻ.

Bác sĩ Tuấn cũng cho biết, khi bị bỏng cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế bởi vì người dân không chẩn đoán chính xác được diện bỏng đó, không biết thế nào là bỏng nông, bỏng sâu. Mặt khác, bệnh nhân bỏng rộng có nhiều nguy cơ như tình trạng đau đớn, mất nước điện giải, nhiễm trùng nhiễm độc... ảnh hưởng (thậm chí đe dọa) tới toàn thân, do vậy cần nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế. Có những trường hợp đã tự ý chữa trị ở nhà hoặc nghe theo các phương pháp chữa bệnh của các thầy lang, khiến tình trạng bỏng nặng hơn, diễn biến nguy hiểm. Thực tế tại Viện Bỏng Quốc gia đã phải chữa trị, khắc phục cho nhiều nạn nhân đến viện trong tình trạng bệnh nặng, nguy hiểm tới tính mạng bởi đã đắp các loại lá, nghe theo bài thuốc của thầy lang.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục