Quảng Trị: Nguy cơ ngộ độc từ cá nóc

Thanh Hải, icon
06:36 ngày 06/06/2018

VTV.vn - Các sản phẩm chế biến từ cá nóc được người dân ưa chuộng do thịt cá thơm, ngon nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc từ cá nóc rất cao.

Tuyên truyền cho học sinh về nguy cơ ngộ độc khi ăn cá nóc.

Mặc dù công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân về việc không nên ăn thịt cá nóc vẫn thường xuyên thực hiện nhưng thời gian qua, tại nhiều địa phương vẫn còn xảy ra những vụ ngộ độc cá nóc dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong. Nguyên nhân là do các nạn nhân chủ quan, thiếu hiểu biết và không tuân theo khuyến cáo của các ngành chức năng.

Em N.V.C.K. lớp 6B, Trường THCS Hải An (Hải Lăng, Quảng Trị) bị ngộ độc thực phẩm được gia đình đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế Hải Lăng. Em cho biết, chiều tối ngày 1/5 bố em mua cá nóc về chế biến cho 4 người trong gia đình ăn, sau khoảng 30 phút, 2 anh em K. có các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, đi ngoài và được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế Hải Lăng cấp cứu. Theo chẩn đoán của bác sĩ, em bị ngộ độc cấp và được cấp cứu kịp thời nên sức khỏe của hai anh em ổn định và xuất viện ngày hôm sau.

Theo tìm hiểu, tại một số xã vùng biển như Hải An, Hải Khê, Triệu An..., người dân vẫn thường xuyên dùng cá nóc để chế biến thành các món ăn hàng ngày mặc dù đã được cảnh báo đây là loại cá chứa nhiều độc tố.

Chị Lê Thị L., xã Hải Khê cho biết: "Tôi cũng có nghe những cảnh báo về nguy cơ ngộ độc khi ăn cá nóc nhưng tôi vẫn thường chế biến cá nóc trong bữa ăn hàng ngày. Là người gắn bó với biển lâu năm nên tôi có thể phân biệt được đâu là loại cá nóc có độc tố, đâu là loài cá nóc an toàn. Chính vì lý do đó, nhiều người dân quê tôi vẫn thường xuyên ăn cá nóc". Lý do chị L. đưa ra cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ngộ độc cá nóc vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương.

Con người đặc biệt dễ bị ngộ độc Tetrodotoxin hơn so với các động vật khác. Sau khi ăn phải cá nóc độc khoảng từ 5 - 30 phút, cũng có thể lâu hơn, người bị ngộ độc có cảm giác ngứa miệng, tê ở đầu lưỡi, rồi cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, đau đầu kèm theo đau thắt vùng ngực, khó thở. Tiếp theo các triệu chứng này là mặt ửng đỏ, bệnh nhân nói không thành tiếng, ra nhiều mồ hôi, tiết nước đái, đau bụng, toàn thân run giật, cứng lưỡi, liệt tứ chi…

Trong trường hợp ngộ độc Tetrodotoxin nặng, bệnh nhân sẽ bị liệt toàn thân, da chuyển dần sang màu tím tái, huyết áp giảm xuống, khó thở, đồng tử giãn, độc tố chạy vào tim dẫn đến tử vong. Hiện tại, các nhà khoa học chưa tìm được thuốc đặc trị để giải độc tố cá nóc.

Trước mối nguy hiểm từ việc chế biến cá nóc làm thức ăn, thời gian qua, các ban ngành liên quan đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức về những tác hại do độc tố của cá nóc gây ra. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn chủ quan, thiếu hiểu biết và không tuân theo khuyến cáo của các ngành chức năng, đặc biệt là các ngư dân vùng biển.

Nhiều người thừa nhận có biết đến thông tin thịt cá nóc chứa độc tố, tuy nhiên họ vẫn cho rằng, những nạn nhân bị ngộ độc do ăn phải cá nóc có độc hoặc không biết cách chế biến, nhiều người vẫn ăn bình thường. Ngoài ra, thỉnh thoảng còn xảy ra tình trạng cá nóc không chỉ ở dạng cá tươi mà được bày bán ở dạng cá khô, bị chặt đầu hoặc chế biến thành nước mắm khiến cho việc nhận dạng khó khăn. Việc đánh bắt và buôn bán cá nóc khi chưa hiểu rõ về loài cá này đã gây ra nhiều ca tử vong trên cả nước vì ngộ độc do ăn phải loài cá này.

Nhằm tăng cường nhận thức trong lựa chọn và chế biến thực phẩm, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Quảng Trị đã triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp đến với các em học sinh tại các vùng có nguy cơ cao về ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt là các động thực vật có độc tố nguy hiểm với sức khỏe con người. Qua những buổi tuyên truyền được diễn ra sổi nổi, hiệu quả, trong đó có sự tương tác giữa bác sĩ và các em học sinh, giúp các em chăm chú lắng nghe, hăng hái tham gia phần hỏi đáp về an toàn thực phẩm.

Theo khuyên cáo của bác sĩ Nguyễn Hương Chương, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Quảng Trị, người dân nên loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt, không sử dụng cá nóc làm thực phẩm dưới bất kì hình thức nào. Khi xuất hiện triệu chứng ngộ độc như trên cần phải đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục