Tổng Thư ký NATO Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Zelensky thảo luận ở Kiev, ngày 20/4/2023. (Ảnh: Reuters)
Đây là tuyên bố được Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra vào ngày 24/5.
Phát biểu tại một hội nghị ở Brussels (Bỉ), ông Stoltenberg nhấn mạnh, trở thành thành viên NATO trong bối cảnh xung đột đang diễn ra không nằm trong chương trình nghị sự, vấn đề quan trọng lúc này là điều gì sẽ xảy ra khi cuộc chiến kết thúc.
Ông Stoltenberg cho biết, ưu tiên của NATO hiện nay là đảm bảo Ukraine chiếm ưu thế trên chiến trường với tư cách là một quốc gia độc lập, chủ quyền. Nguyên nhân là do nếu Ukraine không chiếm ưu thế, việc bàn về tư cách thành viên NATO sẽ không còn nữa.
Tổng Thư ký NATO cũng cho biết, trong hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này ở thủ đô Vilnius của Litva vào tháng 7 tới, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine sử dụng và thích ứng hệ thống các khí tài quân sự của NATO.
Trong khi đó, Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins cho rằng, Nga sẽ khơi mào lại một cuộc xung đột, trừ khi Ukraine được phép gia nhập NATO sau khi giao tranh kết thúc.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: Reuters)
"Để có hòa bình lâu dài, chúng ta cần Ukraine, một Ukraine độc lập, tự do và được giải phóng, là một phần của liên minh NATO", ông Karins nói sau cuộc gặp với ông Stoltenberg.
Ngoài khó khăn về tính thời điểm, việc Ukraine gia nhập NATO cũng là chủ đề gây tranh cãi ở một số nước châu Âu.
Tổng thống Zelensky cho biết, Ukraine "thừa nhận thực tế" rằng họ sẽ không thể gia nhập NATO khi chưa chấm dứt xung đột với Nga.
"Chúng tôi có cái nhìn thực tế và biết rằng điều đó là không thể khi chiến sự vẫn đang diễn ra", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói sau cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tại The Hague, Hà Lan ngày 4/5, đề cập đến khả năng Kiev gia nhập NATO.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!