Vòng đàm phán về hạn chế ô nhiễm nhựa toàn cầu tại Nairobi, Kenya

Ban Thời sự/TTXVN-Thứ hai, ngày 13/11/2023 15:58 GMT+7

(Ảnh minh họa: AP)

VTV.vn - Vòng đàm phán mới nhất do Liên hợp quốc chủ trì về hạn chế ô nhiễm nhựa toàn cầu sẽ diễn ra tại Nairobi, Kenya từ ngày 13/11 đến hết tuần này.

Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang hướng tới thỏa thuận đầu tiên về kiểm soát ô nhiễm nhựa, quá trình đàm phán hiện nay được đánh giá là khó khăn trong việc xác định có nên hạn chế lượng nhựa sản xuất ra, hay chỉ tập trung vào việc quản lý rác thải nhựa.

Các cuộc đàm phán kéo dài suốt tuần tới do Liên hợp quốc chủ trì tại Nairobi, Kenya, sẽ tập trung thảo luận nên đưa lựa chọn nào vào văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý về vấn đề ô nhiễm nhựa. Các nước hiện đang cố gắng đạt được mục tiêu này trước cuối năm 2024.

Liên minh châu Âu (EU) cùng hàng chục quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Canada và Kenya đã kêu gọi có một hiệp ước mạnh với các điều khoản mang tính ràng buộc nhằm giảm việc sản xuất và sử dụng nhựa nguyên sinh, được tạo ra từ quá trình chưng cất phân đoạn dầu mỏ, cũng như xóa bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa gây ô nhiễm, như PVC và các loại nhựa chứa các nguyên vật liệu độc hại.

Quan điểm này vấp phải sự phản đối từ các nước xuất khẩu dầu mỏ, sản phẩm hóa dầu và nhựa như Saudi Arabia. Theo những quốc gia này, hiệp ước tương lai cần tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng nhựa, việc này được đề cập bằng khái niệm "quay vòng" nguồn cung nhựa.

Trong một đề xuất nêu ra trước cuộc đàm phán lần này, Saudi Arabia cho rằng nguồn gốc của ô nhiễm nhựa là "việc quản lý chưa hiệu quả" rác thải nhựa.

Trong các cuộc thảo luận, các nước cũng sẽ thảo luận xem liệu hiệp ước có nên đặt ra tiêu chuẩn về minh bạch việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nhựa hay không.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, thế giới hiện thải ra khoảng 400 triệu tấn rác nhựa mỗi năm, trong đó chưa đến 10% được tái chế. Lượng rác thải này dự kiến sẽ tăng lên trong các thập kỷ tới khi các công ty dầu mỏ, vốn cũng thường sản xuất nhựa, đang tìm các nguồn mới tạo doanh thu trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng khỏi nhiên liệu hóa thạch. Ngày nay, khoảng 98% nhựa dùng một lần có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.

Chuẩn bị đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa Chuẩn bị đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa 'Ô nhiễm nhựa - quả bom hẹn giờ, tai họa hiện hữu' "Ô nhiễm nhựa - quả bom hẹn giờ, tai họa hiện hữu" Chống ô nhiễm nhựa - thách thức đối với tất cả các quốc gia Chống ô nhiễm nhựa - thách thức đối với tất cả các quốc gia

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước