Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu thảo luận về người tị nạn

Hồng Quang (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 19/02/2016 10:24 GMT+7

VTV.vn - Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu bắt đầu từ tối 18/2, đã dành phiên làm việc đầu tiên để thảo luận về người tị nạn.

Cho đến trước khi Hội nghị Thượng đỉnh bắt đầu, lãnh đạo các nước vẫn mỗi người một ý về vấn đề người tị nạn.

“Không thể có chuyện nước Áo phải nhận tất cả người tị nạn đến châu Âu. Đức và Thụy Điển sẽ phát biểu quan điểm riêng của họ. Còn quan điểm của chúng tôi là thỏa thuận Dublin quy định người tị nạn đến nước nào trước, nước đó phải có trách nhiệm”, Thủ tướng Áo Werner Faymann cho biết.

Các nước phía Nam, Italy và Hy Lạp - tuyến đầu phải đối phó với làn sóng tị nạn cho rằng, không thể chấp nhận quan điểm Thủ tướng Áo. Nếu các nước không chịu sẻ gánh nặng, tiếp tục áp dụng thoả thuận Dublin thì Italy và Hy Lạp sẽ bế tắc hoàn toàn.

Thủ tướng Hy lạp Alexis Tsipras nói: “Giải pháp cho khủng hoảng tị nạn không phải là xây hàng rào và phân biệt chủng tộc. Tương lai của châu Âu không phải là xây tường và bài ngoại. Không thể có chuyện quy tắc chung, nhưng lại áp dụng cho mỗi nước một cách khác nhau”.

Quan điểm của Hy Lạp gần với chính sách mà Đức đang theo đuổi. Theo đó, Thủ tướng Đức tiếp tục bảo vệ quan điểm về một giải pháp tổng thế ngăn chặn từ gốc làn sóng tị nạn, trong đó then chốt là dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ để nước này ngăn người tị nạn đi tiếp sang châu Âu.

“Chúng tôi muốn ưu tiên thực hiện kế hoạch chung với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả việc bảo vệ biên giới bên ngoài. Sẽ là tốt nếu châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ gánh nặng, hạn chế nhập cư trái phép. Đồng thời, chúng ta cũng phải tạo thuận lợi cho việc di cư hợp pháp”, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước