Bắc Ninh: Nợ lương công chức do hụt thu ngân sách

-Thứ ba, ngày 18/09/2012 15:37 GMT+7

Ảnh minh hoạ

Hàng loạt khu đô thị xây dựng dở dang đang bị bỏ hoang, thị trường bất động sản gần như đóng băng được xem là nguyên nhân chính khiến tỉnh Bắc Ninh bị hụt thu nghiêm trọng, hàng chục cán bộ phường bị nợ lương 2 tháng nay.

Đã hơn 2 tháng nay, ông Nguyễn Xuân Thức và 70 cán bộ phường Đáp cầu, TP.Bắc Ninh không nhận được lương. Hiện ông đang phải tạm lo liệu cuộc sống nhờ vào khoản trợ cấp bệnh binh ít ỏi.

Lý giải về thực trạng này, ông Nguyễn Sĩ Hán, Phó Chủ tịch phường Đáp Cầu cho biết, dù phường đã xoay sở đủ cách để tăng thu, giảm chi nhưng nguồn thu vẫn chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu chi trả lương cho cán bộ. Do đó, chỉ cán bộ tại phường được nhận lương, còn các cán bộ khu phố, đoàn thể đã bị chậm trả phụ cấp mấy tháng nay. “Nợ lương đồng loạt thì không có, nhưng lương của một số cán bộ khu dân cư đang bị nợ một, hai tháng”.

Hàng loạt các khu đô thị xây dựng dở dang đang bị bỏ hoang hoặc chỉ duy trì cầm chừng, biển rao bán đất ở khắp mọi nơi, thị trường bất động sản gần như đóng băng thời gian qua được xem là nguyên nhân chính khiến các tỉnh có nguồn thu dồi dào về đất như Bắc Ninh bị hụt thu nghiêm trọng. Phường Đại Phúc, TP.Bắc Ninh vì giảm thu đến 90% nên đã phải dùng đến các nguồn quỹ dự trữ để thu xếp việc trả lương cán bộ.

Theo ông Nguyễn Duy Chung, Phó Chủ tịch phường: “Giảm mạnh nguồn thu có 2 lí do, thứ nhất do cắt giảm tỷ lệ phần trăm điều tiết ngân sách của tỉnh, có phần cắt giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách đến xã phường, thứ hai do thị trường bất động sản trầm lắng nên giao dịch bất động sản giảm nhiều so với trước”.

Ông Đỗ Việt Đức, Phó vụ trưởng vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính nhận định, năm nay là một năm khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây đối với việc cân đối thu chi ngân sách. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị nhằm hoàn thành nhiệm vụ ngân sách năm nay. “Tùy thuộc địa phương, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng, căn cứ các nguồn ngân sách tiết giảm, trong quá trình điều hành, thu ngân sách không đáp ứng được nhu cầu chi, các địa phương phải sử dụng một số nguồn lực như tiền lương còn thừa, tăng thu ngân sách sau khi loại cải cách tiền lương, kết dư ngân sách, quỹ dự trữ của địa phương để đảm bảo dự toán chi được Quốc hội giao. Địa phương nào sử dụng tất cả giải pháp mà mất cân đối thì báo cáo Bộ Tài chính để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ NSNN 2012”.

Trong 8 tháng đầu năm, thu ngân sách chỉ đạt 60% dự toán, nghĩa là 4 tháng cuối năm phải đảm bảo thu 40% dự toán còn lại. Để hoàn thành nhiệm vụ thu này cũng như phấn đấu đạt chỉ tiêu bội chi ngân sách 4,8% GDP như Quốc hội giao đầu năm đang là áp lực không nhỏ cho ngành tài chính từ địa phương đến trung ương, nhất là trong bối cảnh sản xuất kinh doanh chưa có nhiều triển vọng đột biến về cuối năm.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước