Báo động phong trào trồng sắn bán lá

Quốc Minh-Thứ sáu, ngày 28/12/2012 07:39 GMT+7

Nhiều năm qua, người dân xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang rộ lên phong trào trồng sắn bán lá. Điều này khiến nhiều nông dân phải đối mặt với rủi ro.

Lúc đầu, cây sắn mang lại lợi nhuận cho người dân, nhưng thời gian gần đây tình hình tiêu thụ có phần bị chậm lại. Bởi trước đây có 2 doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho bà con, nhưng hiện giờ chỉ còn lại 1 doanh nghiệp ở địa phương thu mua. Điều lạ hơn là hầu như người dân và cả ngành chức năng của địa phương đều không biết chính xác lá sắn được thu mua để làm gì, mà chỉ biết là đưa đi xuất khẩu.

Ông Bùi Văn Hải, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang là một trong những hộ đầu tiên trồng sắn bán lá ở xã Đông Phước A. Với khoảng 1ha chuyên canh, từ gần chục năm nay cây sắn đã giúp ông có cuộc sống ổn định khi mang lại hiệu quả cao hơn so với một số loại rau màu và cây tạp khác. Nhưng hiện nay, ông và nhiều bà con ở địa phương đã bắt đầu gặp khó. Ông cho biết: “Mấy năm trước người ta trồng ít, cầu nhiều, cung ít. Năm nay người ta trồng quá nhiều nên tiêu thụ hơi chậm”.

Theo người dân địa phương, do thấy có công ty thu mua lá sắn nên nhiều người trồng để bán. Dần dà, do hiệu quả khá cao nên không chỉ trồng xen trong vườn cây ăn trái, mà một số bà con cũng đã chuyển sang chuyên canh cây sắn. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua người dân bán lá sắn cho một công ty ở địa phương và gần đây là một công ty khác ở TP.HCM mà không biết chính xác lá sắn được dùng để làm gì.

Điều đáng nói là phong trào tự phát này đã xuất hiện từ nhiều năm qua, nhưng ngành chức năng địa phương dường như vẫn đứng ngoài cuộc.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Châu Thành, Hậu Giang cho biết: “Đối với cây trồng này, ngành nông nghiệp không định hướng gì. Nếu công ty mua nhiều thì bà con trồng nhiều, còn nếu họ không mua thì bà con nhổ bỏ. Cây này không đầu tư lớn, vốn liếng không đáng bao nhiêu, chả có kỹ thuật gì”.

Nhiều người dân cho rằng, cây sắn có nhiều ưu điểm hơn so với một số loại cây trồng khác như thời gian thu hoạch rải đều trong năm, công chăm sóc ít, không phải sử dụng phân bón thuốc trừ sâu. Thế nhưng, đã gần 10 năm trôi qua mà ngành chức năng địa phương vẫn chưa có một sự quan tâm đúng mức, thậm chí hiện có bao nhiêu hộ trồng loại cây này vẫn chưa thống kê được. Điều này cũng đồng nghĩa, người dân sẽ tiếp tục trồng theo phong trào tự phát và phải đối mặt với nhiều rủi ro khi cung vượt cầu.

Nếu phong trào trồng sắn lấy lá bán vẫn phát triển theo kiểu tự phát thì rất có thể người dân ở Hậu Giang sẽ gặp tình trạng tương tự như đã từng xảy ra với người trồng khoai lang ở Vĩnh Long, Cần Thơ trong vài năm trở lại đây. Khi chưa có nhiều thông tin chính xác về đầu ra cũng như mục đích sử dụng của người mua, người dân nên cẩn trọng và cân nhắc khi quyết định đầu tư vào loại cây này vì lá sắn vốn được xem là phế phẩm nông nghiệp.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước