Cần phải "truy" trách nhiệm cụ thể khi để xảy ra hỏa hoạn

Minh Đức-Thứ ba, ngày 01/08/2017 06:00 GMT+7

VTV.vn - Trong vụ hỏa hoạn tại huyện Hoài Đức, nhiều người tỏ ra nghi ngại trong vấn đề đảm bảo an toàn PCCC tại các công xưởng và liệu ai là người chịu trách nhiệm cho vụ việc.

Thời gian gần đây, nhiều vụ cháy lớn liên tục xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội. Mới đây nhất là vụ cháy xưởng sản xuất bánh kẹo tại huyện Hoài Đức khiến 8 người tử vong. Điều đáng nói là công xưởng sản xuất bánh kẹo tại đây không hề được trang bị hệ thống Phòng cháy chữa cháy theo quy định, xung quanh nhà xưởng chỉ được bịt kín bằng tôn, chứa nhiều vật dụng dễ bắt lửa. Vậy nên khi xảy ra hỏa hoạn đã dẫn đến vụ việc thương tâm.

Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC đội số 2, Công an TP Hà Nội cho biết: "Các cơ sở kinh doanh thường để nhiều hàng hóa, vật liệu dễ cháy nên việc trang bị hệ thống PCCC là bắt buộc phải có, phòng tránh những nguy cơ cháy nổ rình rập. Nhưng nhiều chủ cơ sở vì thuê lại đất, thuê lại cơ sở vật chất ban đầu để làm nhà xưởng nên không chú trọng đến hệ thống PCCC". 

Theo Đại tá, nhiều nhà kho, xưởng vẫn được xây dựng theo kiểu chuồng cọp, bịt kín bằng tôn, khung thép và chỉ có một lối thoát duy nhất. Trong khi đó, trong những nhà xưởng này lại chứa rất nhiều đồ dễ cháy như giấy, xốp... Nếu xảy ra hỏa hoạn sẽ rất nguy hiểm, người mắc kẹt bên trong sẽ không thể thoát ra nếu chỉ có một lối thoát duy nhất.

Đại tá Sơn cũng cho biết, việc đảm bảo trang thiết bị PCCC là nghĩa vụ bắt buộc của các xưởng sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo an toàn cho nhà xưởng cũng như nhân viên làm việc. Nếu để xảy ra đám cháy thì chắc chắn sẽ có thiệt hại dù lực lượng PCCC có đến kịp thời. Điều quan trọng là nếu thiết bị PCCC được lắp đặt tại nhà xưởng thì có thể đã sớm dập tắt được nguồn cơn đám cháy.

Trong vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại huyện Hoài Đức - Hà Nội, nhiều người tỏ ra nghi ngại trong vấn đề đảm bảo an toàn PCCC tại các công xưởng sản xuất và liệu ai là người phải chịu trách nhiệm cho vụ việc. 

Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 thì: Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Nguồn nguy hiểm cao độ hiện hữu những rủi ro, tiềm ẩn khách quan không thể lường trước. Do đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải luôn tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

Cũng tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 có quy định:"Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác; Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. …."

Như vậy, việc xác định trách nhiệm bồi thường khi xảy ra cháy, nổ nói riêng và tai nạn do nguồn nguy hiểm cao độ nói chung sẽ phụ thuộc vào lỗi của chủ sở hữu, người quản lý hoặc người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ đó; trừ trường hợp do lỗi của người bị thiệt hại hoặc sự kiện bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết. 

Bên cạnh đó, nếu việc xác định nguyên nhân xảy ra cháy, nổ là do lỗi của con người, người được giao nhiệm vụ đã vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc thiếu trách nhiệm dẫn đến cháy nổ…gây thiệt hại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" hoặc "Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" theo quy định tại Bộ luật hình sự 1999.

Trong vụ cháy tại xưởng làm bánh kẹo huyện Hoài Đức, theo kết luận ban đầu của cơ quan chức năng, nguyên nhân vụ cháy là do lửa hàn bắn vào trần xốp, cửa gác xép sập làm chặn lối ra vào duy nhất khiến các nạn nhân không kịp chạy thoát. Tuy nhiên, để xác định được đối tượng chịu trách nhiệm gây ra đám cháy thì cần phải có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.

Cụ thể, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân chính xảy ra vụ hỏa hoạn là do thợ hàn xì thì người nào trực thi công gây cháy sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Nếu trường hợp thợ hàn xì được thuê thi công mà gây cháy thì người chủ cơ sở cùng thợ hàn xì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

hỏa hoạn

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước