Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Không chờ có dịch mới chống, không quay lưng lại với thịt lợn

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 31/03/2019 10:00 GMT+7

VTV.vn - Thông điệp mạnh mẽ liên quan dịch tả lợn châu Phi được báo chí đăng tải là dịch không lây sang người, không quay lưng lại với thịt lợn.

Từ đầu năm tới nay, từ sán lợn cho đến dịch tả lợn châu Phi đã khiến không ít hộ chăn nuôi lợn lao đao. Điều đáng buồn là không chỉ thịt lợn bệnh bị tiêu hủy, thịt lợn sạch cũng bị tẩy chay.

Tuy nhiên, một thông điệp xuyên suốt mà nhiều tờ báo đăng tải là dịch tả lợn này không lây sang người. Tờ Nông nghiệp Việt Nam cũng dành cả 5 trang báo để nói tới dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, hay chuỗi thịt lợn sạch vẫn đang hút khách như thế nào.

Theo TS. Kiều Minh Lực của công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết mỗi loại virus thích ứng với các tế bào riêng, tế bào của con lợn khác với tế bào của người và các vật nuôi khác. Virus tả lợn châu Phi chỉ gây bệnh cho tất cả các loại lợn, không gây bệnh cho các vật nuôi khác và cho người.

Một câu chuyện khác đang quan tâm là việc thịt lợn đã vắng bóng trong bữa ăn của các học sinh bán trú ở Hà Nội, Ở đây, điều đáng nói đó là hậu quả của những tin giả về sán lợn và dịch tả lợn châu Phi trên mạng xã hội, gây nên những phản ứng thái quá, tẩy chay thịt lợn.

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám trên tờ Nông nghiệp Việt Nam nhắc lại câu chuyện có người vì muốn câu like mà đăng tin về dịch tả lây sang người với hình ảnh như thật. Dù người đăng tin giả bị phạt, nhưng người người chăn nuôi mất nhiều tỷ đồng. Người nông dân vốn đã khó khăn gian khổ, giờ lại có người nỡ gieo khổ cho nông dân.

Tờ Nông thôn ngày nay cho rằng bài học trong vụ việc lần này là không chủ quan, không giấu dịch, thông tin đúng và khoa học và sử dụng thịt lợn an toàn. Đó không chỉ bảo vệ sức khoẻ dinh dưỡng hầu bao của gia đình mà còn bảo vệ những người chăn nuôi chân chính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước