Tàu vỏ thép "Nghị định 67" chưa vươn khơi đã hỏng: Nhà sản xuất đã phản bội ngư dân!

Báo chí Toàn cảnh/ Thời sự VTV-Chủ nhật, ngày 18/06/2017 11:49 GMT+7

VTV.vn - Những con tàu đóng theo Nghị định 67 chưa vươn khơi đã hỏng cũng là tâm điểm khiến báo chí sục sôi tuần qua. Sau đây là ghi nhận những phản ánh rõ nét về sự việc này.

Những con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 chưa vươn khơi đã hỏng cũng là tâm điểm của báo chí tuần này. Đang vào vụ cá, nhưng 19 con tàu phải nằm bẹp tại cảng cá Đề Gi, Bình Định. Cho dù, công ty đóng tàu đã cho khắc phục một số lỗi, nhưng ngư dân vẫn không dám mở biển vì máy chính là hàng rởm, trong khi biển Đông bắt đầu có bão, nếu lỡ máy chết dọc đường thì kêu ai?

Với hàng tít "Họ đã phản bội ngư dân", báo Tiền phong kể một chi tiết còn ít người biết về những con tàu vỏ thép ở Bình Định. Những con tàu là của mồ hôi xương máu của những kình ngư từng thành lập đội ra khơi giữ biển và đi đấu tranh bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa. Những ngư dân đã từng năn nỉ nhà máy, đăng kiểm, ngân hàng giúp làm tàu tốt để làm ăn và ra biển gìn giữ Hoàng Sa, Trường Sa.  Nhưng rốt cuộc, họ đã bị phản bội.

Càng xót xa và  phẫn nộ hơn khi những con tàu hàng chục tỷ đồng nằm bờ thì 2  công ty đóng tàu đã nhanh tay dùng tiền mặc cả với ngư dân để cố che dấu sự khuất tất của mình.

Cụ thể là sau khi tỉnh Bình Định quyết định thành lập tổ thẩm định tàu hư hỏng thì đại diện của Công ty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương đã đưa ra các mức giá đền bù khác nhau: Lúc thì 100 triệu, 200 triệu, thậm chí là 400 triệu với điều kiện là ngư dân phải rút đơn khiếu nại và rút tất cả hồ sơ yêu cầu thẩm định đã gửi các cơ quan chức năng.

 Lý do mà các công ty này đưa ra là để công ty đóng tàu, hãng máy và ngư dân tự thoả thuận giải quyết cho nhanh.

Trước đó, đại diện công ty Đại Nguyên Dương thừa nhận đã dùng thép Trung Quốc (thay vì phải dùng thép của Hàn Quốc) để đóng tàu; Còn công ty Nam Triệu  cũng xác nhận đã lắp máy đường bộ cải hoán, chứ không phải loại máy dành cho tàu thuỷ. Và đến khi bị phát hiện thì họ  lại đổ cho ngư dân sử dụng chưa thành thạo, thậm chí  lý giải tàu gỉ do nước biển quá mặn.

Lẽ ra các công ty đóng tàu phải tự hào khi được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ quan trọng là hiện đại hoá tàu cá Việt Nam thì ngược lại, họ đã đưa lại cho ngư dân những con tàu không thể ra khơi và nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Trên tờ Pháp luật TP.HCM là tâm sự đầy nước mắt của những ngư dân đặt cả hy vọng và gia sản để có được một con tàu vỏ thép trị giá gần 20 tỷ đồng để rồi hy vọng trở thành thất vọng khi  mà sau 4 chuyến ra khơi đã mất thêm 500 triệu đồng vì tàu hỏng máy phải quay về. Giờ tàu nằm im, không ra khơi biết lấy gì trả lãi ngân hàng?

Lợi dụng cơ chế ưu đãi của Chính phủ trong việc đóng tàu vỏ thép, các đơn vị đóng tàu đã có dấu hiệu trục lợi từ chương trình này. Báo Tuổi Trẻ  gọi "đó là việc làm có tội với ngư dân và gây tổn hại cho một chương trình mang nhiều ý nghĩa".

Trong tuần, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay: Sau khi làm rõ nguyên nhân dẫn đến hư hỏng thì các cơ quan chức năng sẽ làm rõ những vấn đề có liên quan.

Theo đó, cơ quan nào sai, cá nhân nào sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Điều này sẽ được làm kiên quyết. Không phải vì số tàu này mà ảnh hưởng cả một chủ trương, chính sách lớn. Kể cả thuộc phần của bộ, chỗ  nào sai là bộ phải chịu trách nhiệm.

Theo một diễn biến mới nhất, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết đã ký công văn yêu cầu công an tỉnh điều tra hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh này vừa mới đóng đã bị hư hỏng nặng. Công an cũng sẽ điều tra hiện tượng "đi đêm" giữa các công ty đóng tàu với ngư dân.

Báo Người lao động thông tin, công an tỉnh Bình Thuận cũng đã có văn bản gửi Bộ Công an. Khi nào có ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, công an tỉnh Bình Định sẽ giao cơ quan điều tra vào cuộc ngay.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước