Chương trình biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi tại buổi lễ.
Việc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là thể hiện việc cộng đồng quốc tế đã tái xác nhận và khẳng định kho tàng di sản văn hóa phong phú của Việt Nam cũng như trân trọng ghi nhận những đóng góp của dân tộc Việt Nam vào việc làm giàu hơn nữa kho tàng văn hóa của nhân loại. Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ đón nhận Bằng ghi danh vào tối 5/5 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Đây là lần đầu tiên một di sản văn hóa nghệ thuật ở khu vực Trung Bộ được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO vinh danh, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được vinh danh lên con số 12.
9 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa là quê hương của nghệ thuật Bài Chòi, tồn tại và duy trì 3 phong cách âm nhạc đặc trưng cho 3 vùng: Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, với phong cách âm nhạc chậm rãi, dung dị. Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi là phong cách âm nhạc nhẹ nhàng, trữ tình, thanh thoát. Còn Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với phong cách âm nhạc mang sắc thái kịch tính.
Xuất phát từ một hình thức sinh hoạt giải trí của cộng đồng làng xã, một thú vui tao nhã của người dân miền Trung Việt Nam nhân dịp đầu Xuân, Bài Chòi đã nhanh chóng trở thành một triết lý sống, một tư tưởng gắn kết cộng đồng, nuôi dưỡng lòng vị tha và thúc đẩy tính sáng tạo.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chơi Bài Chòi là để chia sẻ cảm xúc, tri thức và kinh nghiệm sống. Nghe Bài Chòi là để tu dưỡng sâu hơn về lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước. Thưởng thức Bài Chòi là để phê phán thói hư tật xấu, sảng khoái vui cười, phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ít có loại hình nghệ thuật nào vừa mang tính giải trí sáng tạo cao và lại vừa gắn kết nhân dân lao động như Bài Chòi.
Thủ tướng nhấn mạnh: "UNESCO vinh danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, di sản văn hóa phi vật thể thứ 12 của Việt Nam là vinh danh những người con anh dũng, kiên trung nhưng đậm chất dí dỏm, sáng tạo và yêu thơ ca của mảnh đất miền Trung đầy nắng gió".
Thủ tướng cho rằng, chưa bao giờ vị thế quốc tế của Việt Nam lại cao như hiện nay và cũng chưa bao giờ đóng góp của dân tộc vào công việc chung của thế giới trong đó có lĩnh vực bảo tồn và tôn vinh giá trị văn hóa lại lớn như thế. Một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu phấn đấu và đang trở thành hiện thực mỗi ngày, đó là nhờ điểm khởi đầu của nghìn năm văn hiến.
Với 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, Việt Nam đang đứng thứ 8/177 quốc gia thành viên của công ước bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, vì vậy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật Bài Chòi trước quốc tế, vì từ nay di sản này không chỉ của riêng Việt Nam mà đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Trách nhiệm đối với các bậc tiền nhân để di sản này tỏa sáng, xứng đáng với vùng đất của một thời văn hóa Sa Huỳnh rực rỡ, xứng đáng với nền văn minh Chăm Pa một thời vàng son, một bộ phận không thể tách rời của văn hóa Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam cam kết cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, cộng đồng thực hành di sản, các cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di sản "Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam", cũng như các di sản khác mà UNESCO đã công nhận, đảm bảo rằng "cái gì thuộc cộng đồng sẽ trả về cho cộng đồng" và qua đó chia sẻ các bài học thành công với các quốc gia, dân tộc có di sản tương đồng trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!