Thực thi Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Việt Linh-Thứ sáu, ngày 23/09/2011 14:57 GMT+7

Từ khi Luật SHTT năm 2005 và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật SHTT năm 2009 ra đời, bên cạnh những ưu điểm nổi bật, cũng đã dần bộc lộ những hạn chế cần phải sửa đổi khi áp dụng.

Việc điều chỉnh Luật SHTT cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội của nước ta hiện nay đang là một vấn đề cấp thiết. Đây cũng là nội dung của “Hội thảo hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Sở hữu trí tuệ ” diễn ra sáng nay tại Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Bộ phát triển Anh Quốc phối hợp tổ chức.

Mới đây, vụ việc một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký sử dụng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên lãnh thổ Trung Quốc, đã một lần nữa cho thấy, vấn đề sở hữu trí tuệ vẫn luôn nóng không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới. Tại nước ta, Luật SHTT vẫn còn có một số điểm chưa phù hợp, gây vướng mắc cho hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp.
TS.Dương Tử Giang, Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh cho rằng: “Cái yếu nhất của Luật SHTT ở Việt Nam nằm ở chỗ thiết lập quyền, thủ tục hành chính còn quá rườm rà và mất rất nhiều thời gian, làm cho người nộp đơn rất chán nản. Thứ hai là việc thực thi quyền của chúng ta chưa đầy đủ, nhiều khi còn nửa vời và không có hiệu quả”.
Hội thảo cũng đưa ra một số kiến nghị, đó là Việt Nam cần có riêng một cơ quan chuyên biệt, để có thể thống nhất trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến Luật SHTT. Bên cạnh đó, các vấn đề về phí và lệ phí nộp đơn hay thời hạn giải quyết khiếu nại… cũng được đề cập đến.
Bà Trần Nguyệt Minh, Phòng pháp chế chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: “Mục đích ban đầu của chúng tôi đến là để lắng nghe và ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp về Luật SHTT, những ý kiến này sẽ được đưa lên các trang web và gửi lên các Uỷ ban của Quốc hội. Vì vậy chúng tôi sẽ nghiên cứu và có những phúc đáp khi cần thiết”.
Mặc dù chưa có số liệu chính thức về các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, nhưng hậu quả để lại từ các vụ việc như thế là không hề nhỏ. Vấn đề đặt ra lúc này đối với các cơ quan chức năng là làm thế nào để quá trình đăng kí sở hữu trí tuệ có thể rõ ràng và chi tiết cho từng lĩnh vực, giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận và tham gia nhiều hơn. Đó cũng là cách để Luật SHTT thực sự đi vào đời sống.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước