Nếu dệt bằng máy công nghiệp, chỉ vài chục phút là có ngay một mét vải thổ cẩm đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận. Trong khi đó, ở làng Chăm Mỹ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận, để dệt ra một mét vài, những phụ nữ trong làng phải bỏ ra từ 3 - 4 ngày. Đặc biệt, để dệt tấm vải có hoa văn cổ, cần đến hai thợ dệt giỏi trong cả tuần mới dệt được một mét vải.
Hiện đang xảy ra tình trạng không ít cơ sở kinh doanh đã lấy vải dệt từ nơi khác mạo danh là thổ cẩm người Chăm để bán cho khách hàng. Theo tìm hiểu của phóng viên, giá nhập một mét vải dệt công nghiệp chỉ 40.000 đồng nhưng khi bán ra trên danh nghĩa thổ cẩm của người Chăm, giá lên tới khoảng 200.000 đồng/m.
Những tấm vải dệt của đồng bào các dân tộc thiểu số mà mọi người quen gọi là thổ cẩm luôn được du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Đây là sản phẩm độc đáo mang nét văn hóa giàu bản sắc của từng vùng đất. Việc trà trộn giữa thổ cẩm chính gốc và thổ cẩm nhái không những tác động xấu đến những thợ dệt thổ cẩm chân chính mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu thổ cẩm của người Chăm.
Để tránh việc mua nhầm thổ cẩm, mời quý vị cùng theo dõi một số cách lựa chọn trong video dưới đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!