Đề xuất xây dựng tổ hợp Ga Hà Nội: Chọn lợi ích trước mắt hay bền vững dài lâu?

PV (Theo Vấn đề hôm nay)-Thứ năm, ngày 21/09/2017 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đối với đề xuất xây dựng tổ hợp Ga Hà Nội, TP. Hà Nội đang đứng trước bài toán nan giải về lợi ích trước mắt hay bền vững lâu dài.

UBND thành phố Hà Nội đang triển khai xin ý kiến các Bộ, ban, ngành liên quan đối với đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận. Theo đồ án này, Ga Hà Nội sẽ trở thành một tổ hợp giao thông đường sắt, đường ngầm được bố trí thông minh, hợp lý, tỏa đi nhiều hướng. Tổng diện tích đất trong phạm vi lập quy hoạch là gần 100 ha, dân số dự kiến là 44.000 người, trong đó, tái định cư tại chỗ là 100% dân số hiện nay với khoảng 40.300 người. Khu vực xung quanh Ga Hà Nội có thể được xây dựng với chiều cao từ 40 tới 70 tầng và được phân thành nhiều khu khác nhau, tạo nên một tổ hợp trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng, khu dân cư sầm uất trong tương lai. Nhu cầu về vốn đầu tư cho dự án này ước tính lên tới 1 tỷ USD.

Có thể xây Ga Hà Nội cao từ 40 đến 70 tầng Có thể xây Ga Hà Nội cao từ 40 đến 70 tầng

VTV.vn - Đồ án quy hoạch khu vực Ga Hà Nội có tổng diện tích 98,1 ha. Tổng dân số của khu vực này được quy hoạch khoảng 44.000 người.

Một số chuyên gia quy hoạch đánh giá đề xuất này của TP. Hà Nội đi ngược lại với quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng tại khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội. Điều đáng nói là trước đó, vào tháng 4/2016, Chủ tịch UBND Hà Nội đã ký ban hành quy chế, trong đó nêu rõ khu vực Ga Hà Nội chỉ được xây tối đa 18 tầng, tương đương 65m.

Chia sẻ quan điểm về đồ án mới vừa được UBND TP. Hà Nội đề xuất, PGS.TS Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia cho biết bản thân bà cũng cảm thấy rất ngạc nhiên khi đề xuất này vượt quá quy chế mà chính TP.Hà Nội đã đưa ra vào năm ngoái.

Đề xuất xây dựng tổ hợp Ga Hà Nội: Chọn lợi ích trước mắt hay bền vững dài lâu? - Ảnh 2.

"Nền tảng của việc đưa ra một quy chế quản lý chiều cao đối với các công trình cao tầng ở nội đô dựa trên hai quan điểm: hạn chế tập trung quá đông dân cư ở khu vực nội đô và bảo vệ cấu trúc không gian lịch sử của thành phố. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta chưa nên vội vàng kết luận tại thời điểm này vì đề xuất của TP. Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến", PGS.TS Phạm Thúy Loan chia sẻ.

Trước những ý kiến cho rằng việc xây dựng một công trình lớn như vậy ở khu vực có mật đô dân cư dày đặc sẽ khiến giao thông tắc nghẽn, PGS.TS Phạm Thúy Loan cho biết nếu tốc độ phát triển giao thông công cộng ngang bằng tốc độ phát triển đô thị thì tình trạng này sẽ không xảy ra.

Đề xuất xây dựng tổ hợp Ga Hà Nội: Chọn lợi ích trước mắt hay bền vững dài lâu? - Ảnh 3.

Đồ án ra đời giữa thời điểm Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, cư dân nội đô gia tăng nhanh. Nhiều chuyên gia lo ngại đồ án này sẽ đi ngược lại với mục tiêu cốt lõi là tăng cường sức mạnh của hệ thống giao thông.

Bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng đồ án này chỉ ưu tiên phát triển bất động sản thương mại chứ chưa tính đến góc độ bảo tồn di sản bởi Ga Hà Nội là một điểm nhấn quan trọng trong trục kiến trúc cảnh quan của thành phố. KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng những người lập nên đồ án này đã kỳ vọng quá lớn, bắt Ga Hà Nội phải gánh quá nhiều vấn đề, từ trung tâm tài chính cho tới khu nghỉ dưỡng.

Với đề xuất hiện nay, ngay cả khi Hà Nội bỏ qua yếu tố lịch sử để xây dựng mới khu vực nhà ga bằng mọi giá, đồ án này vẫn đứng trước nhiều nguy cơ khác, đặc biệt là khi công tác quy hoạch tiếp tục được làm ngược: Cao ốc cứ mọc lên, hệ thống giao thông đường sắt không được đầu tư đúng mức. Đối với bài toán lựa chọn trước mỗi cơ hội phát triển, chọn lợi ích trước mắt hay bền vững dài lâu, điều này vẫn phụ thuộc vào đáp án của Hà Nội.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước