Những công trình gắn liền với lịch sử giải phóng Thủ đô còn nguyên trạng

Thu Ngà-Thứ sáu, ngày 09/10/2015 06:00 GMT+7

VTV.vn - Chùa Một Cột, Cầu Long Biên, Nhà hát lớn... đều là những công trình gắn liền với lịch sử giải phóng Thủ đô vẫn tồn tại cho tới hôm nay.

Chùa Một Cột

Chùa Một Cột là một trong những địa danh không thể bỏ qua khi tới thăm Thủ đô của Việt Nam. Những biến cố của ngôi chùa cũng gắn liền với sự kiện giành chính quyền và giải phóng Thủ đô trong lịch sử. Năm 1954, quân đội Viễn chinh Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho đặt mìn để phá chùa Một Cột. Sau khi tiếp quản Thủ đô, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành trùng tu chùa Một Cột, xây dựng lại chùa theo kiến trúc cũ, cùng nhân dân gìn giữ cho tới ngày nay.

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội là một trong những biểu tượng kiêu hãnh của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Công trình được xây dựng năm 1812, dưới triều Nguyễn và là một trong số ít công trình may mắn thoát khỏi sự phá hủy khi thực dân Pháp xâm lược. Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng - lá cờ Tổ quốc đã tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội.

Tháp Rùa

Ngọn tháp nhỏ nằm trên gò đảo giữa Hồ Gươm đã trở thành biểu tượng du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Tháp Rùa là công trình giao thoa giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa nên có nét đẹp độc đáo, riêng biệt. Tháp Rùa cùng với Hồ Gươm, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn là một phần không thể thiếu của Hà Nội, được ví như trái tim của Hà Nội nói riêng và của cả nước Việt Nam nói chung.


Cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn đẹp lung linh về đêm, cùng với Tháp Rùa là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội

Cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn đẹp lung linh về đêm, cùng với Tháp Rùa là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội

Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Văn miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng đời vua Lý Thánh Tông, là nơi gìn giữ, tôn vinh đạo học, nơi lưu giữ và thể hiện đặc sắc nhất những giá trị nổi bật của văn hiến Việt Nam. Đầu năm 1947, giặc Pháp nã đạn đại bác làm đổ sập căn nhà Thái học, chỉ còn lại nền với 2 cột đá và 4 nghiên đá. Ngày nay, Văn Miếu đã được xây dựng và tôn tạo to đẹp, trở thành địa điểm hấp dẫn khách du lịch cũng như trở thành nơi ý nghĩa mà các sinh viên năm cuối lựa chọn để chụp ảnh kỷ yếu hàng năm.

Cầu Long Biên

Cầu Long Biên hoàn thành năm 1902, là chứng nhân lịch sử quan trọng không chỉ của Hà Nội mà còn của cả nước. Vào ngày Giải phóng Thủ đô, cây cầu ghi dấu chân những tên lính viễn chinh Pháp rút xuống Hải Phòng, rời Việt Nam và đón chào đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Hà Nội. Những năm chiến tranh chống Mỹ, cầu Long Biên là điểm nóng hứng chịu đạn bom do không quân Mỹ tập trung đánh phá. Cầu nhiều lần bị địch đánh hỏng nặng và được khôi phục hoàn toàn vào năm 1973. Dự án khôi phục quy mô lớn được Bộ Giao thông Vận tải khởi động từ đầu tháng 4/2015 hứa hẹn đưa cây cầu ở lại với người dân Thủ đô thêm nhiều thập kỷ.

Nhà hát Lớn

 

Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành sau 10 năm, mang nhiều màu sắc, đường nét kiến trúc của các nhà hát ở phương Tây lúc bấy giờ. Không chỉ là nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam, Nhà hát Lớn còn mang đậm dấu ấn lịch sử khi từng là nơi Quốc hội đầu tiên của Việt Nam nhóm họp và thông qua Hiến pháp năm 1946. Hiện nay, Nhà Hát Lớn Hà Nội vẫn là một địa điểm biểu diễn nghệ thuật quan trọng bậc nhất của Thủ đô.

Ga Hà Nội

Ga Hà Nội trước có tên gọi ga Hàng Cỏ, được khánh thành và đưa vào khai thác cùng với cầu Long Biên năm 1902. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ga Hàng Cỏ đã góp phần vận chuyển hàng hóa, vũ khí; chi viện sức người, sức của cho quân và dân Nam bộ kháng chiến. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ ga Hà Nội đã lãnh đạo CBCNV ga Hà Nội chấp nhận mọi hy sinh để giữ vững mạch máu giao thông đường sắt, vận tải chi viện cho chiến trường đánh to, thắng lớn, góp một phần không nhỏ cùng quân và dân ta giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Hà Nội rực rỡ cờ hoa kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Thủ đô

VTV.vn - Những ngày này, phố phường Hà Nội đã rực rỡ cờ hoa, băng-rôn, khẩu hiệu… để chào mừng kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2015).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước