Mới đây, Bộ Công Thương bắt đầu triển khai chiến dịch thanh, kiểm tra ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc kinh doanh trên website, dự kiến kéo dài đến hết năm 2020. Chiến dịch này nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các trang mua sắm và mạng xã hội.
Tiện lợi, dễ dàng cho cả người mua và bán; có thể làm ở mọi lúc, mọi nơi mà không bị kiểm soát, chỉ cần tìm kiếm cụm từ "like au, 1:1 hay F1"…, sau vài giây, hàng loạt những status quảng cáo sẽ hiện ra.
Không chỉ túi xách, vô vàn các sản phẩm tiêu dùng, thời trang giả mạo hay nhái các thương hiệu cũng có ở khắp nơi. Facebook đã vô tình trở thành một trong những trang mạng xã hội sở hữu lượng cá nhân tham gia bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Người tiêu dùng và các cơ quan chức năng cho biết, cái khó trong việc mua bán trên mạng là không thể "sờ, nắm" để kiểm tra được ngay các sản phẩm. Chưa kể, hầu hết các giao dịch dạng này đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể và việc xử lý nếu có vấn đề xảy ra sẽ càng trở nên khó khăn.
Theo các quy định hiện hành, những vi phạm trong thương mại điện tử có thể bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng. Tuy nhiên, số vụ việc được phát hiện và xử lý còn quá ít. Cơ quan chức năng cho biết, những chế tài như hiện hành là chưa đủ mạnh nên tình trạng này sẽ còn tái diễn.
Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất nên áp dụng cả chế tài xử lý hàng giả, hàng nhái trên các trang thương mại điện tử không chỉ với chủ hàng mà ngay cả với người tiêu dùng nếu cố tình tìm mua và tiêu thụ các sản phẩm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!