Tăng cường công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài

Phương Dung - Mạnh Thắng (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ ba, ngày 10/11/2015 10:21 GMT+7

Các đại biểu tại Hội thảo khoa học.

VTV.vn - Mặc dù đã có nhiều bước đột phá trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng trong thời kỳ hội nhập quốc tế, vẫn cần những giải pháp và chính sách mới.

Đó là một trong những vấn đề trọng tâm được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học - thực tiễn ‘Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế’ nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

Một số kiến nghị cụ thể từ tâm nguyện của kiều bào đối với công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay đã được đưa ra tại hội thảo như: tạo chỗ đứng cho các chuyên gia trí thức kiều bào tại các cơ quan quản lý của Nhà nước, tổ chức lễ cầu siêu cho những người đã mất trong chiến tranh, hay việc mở rộng phạm vi và đối tượng tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh… Trong đó kiến nghị về quyền bầu cử và ứng cử của người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những kiến nghị nổi bật.

Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài nói: ‘Đây là quyền rất thiêng liêng, đã gọi là công dân thì có quyền bầu cử, chọn ra người đại diện của mình. Thứ hai, quyền ứng cử để trở thành những người đại diện của dân, của cộng đồng. Ở đây không nói tất cả kiều bào ta ở nước ngoài mà là những người mang quốc tịch Việt Nam, nhưng lâu nay chúng ta chưa thực hiện được điều đó do hoàn cảnh tổ chức bỏ phiếu ở địa bàn nước ngoài không đơn giản. Tuy nhiên, bây giờ đã đến lúc chúng ta phải nghĩ tới, bởi các nước khác làm được thế nào, chúng ta cần xem kinh nghiệm của họ’.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể là thông qua MTTQ thu thập ý kiến của kiều bào khắp năm châu, đặc biệt là các trí thức và chuyên gia đầu ngành thì những chủ trương, chính sách của Đảng mới sát thực tế, sát cuộc sống và phù hợp với thời đại hiện nay.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị: ‘Để làm được điều đó tôi thấy vấn đề lớn là phải tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích dân tộc. Khi chúng ta đã thăm dò hay xin ý kiến của bà con Việt kiều thì phải phân biệt cái gì có thể tiếp thu được, hoặc hoan nghênh, nếu cái gì chưa phù hợp thì thông báo lại để bà con thấy rằng thời điểm này chưa phù hợp’.

Do công tác Mặt trận tại nước ngoài hiện nay mới chỉ thông qua đội ngũ thành viên cá nhân tiêu biểu của Mặt trận đang công tác, học tập, làm việc tại các nước, dẫn đến hạn chế về mặt nhân sự và cơ chế hoạt động. Nhưng với vai trò của Ủy ban MTTQ trong việc làm cầu nối, nên khối đại đoàn kết dân tộc trong và ngoài nước vẫn luôn được khẳng định.

Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trương ương MTTQ Việt Nam cho biết: ‘Những ý kiến tập hợp rất có ý nghĩa cho việc kiến nghị với Đảng và Nhà nước. Qua từng giai đoạn, ý kiến của nhân dân, kiều bào được thể hiện qua chính sách đại đoàn kết dân tộc, đây là những chính sách không phân biệt bộ phận nào của dân tộc’.

Các đại biểu cũng cho rằng, nội lực của đất nước được hình thành từ nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là bắt nguồn từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bởi vậy tiếp tục tăng cường, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển vững mạnh, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước sở tại, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là nhiệm vụ cần được ưu tiên.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước