Cục Cảnh sát giao thông giữ nguyên đề xuất phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn

PV-Thứ sáu, ngày 17/05/2024 19:48 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Theo đại diện Cục CSGT, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Chiều 17/5, Cục Truyền thông CAND đã tổ chức buổi tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.

Tại buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi của phóng viên về phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, sử dụng rượu bia đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Theo đó, hơn 50% các vụ án giết người; gây rối trật tự công cộng; hiếp dâm; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu bia, hơn 30% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến sử dụng rượu bia.

Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Ban soạn thảo dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ giữ nguyên đề xuất phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn.

Theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ bằng không thì không uống. Nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống. Đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì...

Về ý kiến cho rằng uống nước hoa quả, siro cũng lên nồng độ cồn, đại diện Cục CSGT khẳng định nồng độ cồn do nước hoa quả, siro chỉ một thời gian ngắn là hết. Người bị kiểm tra có thể ngồi nghỉ 10-15 phút hoặc uống nước và kiểm tra lại. Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cũng cho biết người bị kiểm tra có thể yêu cầu đi xét nghiệm máu.

Liên quan quy định về trừ điểm giấy phép lái xe, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cho biết, đây là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Người lái xe vi phạm phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân, qua đó bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay.

Sử dụng nước súc miệng có vi phạm nồng độ cồn? Sử dụng nước súc miệng có vi phạm nồng độ cồn?

VTV.vn - Trong dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5, lực lượng chức năng sẽ tăng cường xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước