Ứng xử với di sản: Cân bằng giữa lợi ích của người dân và công tác bảo tồn

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 07/09/2022 21:46 GMT+7

VTV.vn - Một trong những khó khăn hiện hữu trong công tác bảo tồn di sản mà Việt Nam đang phải đối diện là cân bằng giữa lợi ích của người dân và công tác bảo tồn.

Với tinh thần "những gì chúng ta kế thừa từ quá khứ, những gì đang hiện hữu trong đời sống của chúng ta và là những gì chúng ta truyền lại cho thế hệ mai sau", 50 năm qua, Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được coi là công ước quốc tế có dấu ấn và tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên có giá trị toàn cầu. Việt Nam cũng đã tham gia Công ước này được 35 năm và luôn thể hiện được trách nhiệm và uy tín của mình, bởi hơn ai hết, chúng ta hiểu được giá trị tiềm năng từ kho tàng di sản mà chúng ta đang có. Kể từ khi Quần thể Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam năm 1993, đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, trải dài ở nhiều tỉnh thành.

35 năm gia nhập Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kế trong công tác này, theo đánh giá của Tổng Giám độc UNESCO. Trong số 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận, Vịnh Hạ Long là một di sản đặc biệt. Trước sức ép của môi trường, khai thác công nghiệp và phát triển đô thị, hơn 2 thập kỷ qua, rất nhiều giải pháp, sáng kiến được thực hiện để Vịnh Hạ Long giữ được vẻ đẹp và giá trị văn hóa của di sản. Mới đây toàn bộ chủ tàu hoạt động trên Vịnh đã cam kết nói không với rác thải nhựa, tất cả vì một Hạ Long xanh.

Nỗ lực giữ Hạ Long xanh

"Hành động nhỏ - Hạ Long xanh", một thông điệp mới từ các doanh nghiệp, chủ tàu du lịch ở Hạ Long, Quảng Ninh và người dân khi cùng cam kết Không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, trong Hội thảo mới đây "Chung tay vì một Hạ Long không rác". Nhiều cách làm hay, kinh nghiệm được chia sẻ để phát triển mô hình tái chế, giải quyết gần 40 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, tương đương 17,3 tấn rác/năm của thành phố từ các hoạt động du lịch.

Hạ Long có khoảng 250 chủ hộ tàu du lịch, gần 500 tàu đang hoạt động trên Vịnh mỗi ngày, áp lực lớn cho môi trường Vịnh. Khi cam kết được đưa ra, việc thực hiện phải nghiêm ngặt hơn.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hương (tỉnh Bình Dương) nhiều lần lựa chọn Hạ Long đi du lịch và mỗi lần, chị lại thấy môi trường Vịnh cải thiện hơn.

4,4 triệu lượt khách du lịch đến Hạ Long năm 2019, trước COVID-19, trong đó khách quốc tế gần 2,9 triệu lượt, con số đang ngưỡng mộ so với các điểm đến khác. Sự vào cuộc của các chủ nhà hàng, khách sạn, chủ tàu du lịch chính là một cam kết mạnh mẽ để giảm lượng rác thải nhựa phát sinh nhằm bảo vệ cảnh quan, giữ Hạ Long xanh trong guồng quay của phát triển.

Theo nhận định của UNESCO và kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, di sản chỉ có thể được bảo vệ và phát huy nếu lôi kéo được sự tham gia của cộng đồng sống xung quanh di sản, thu hút các nguồn lực xã hội. Hợp tác công tư luôn đem lại nhiều giá trị bền vững. Câu chuyện của Tràng An là ví dụ điển hình thành công trong mô hình hợp tác công tư, mang lại lợi ích cho địa phương và cộng đồng cư dân.

Hợp tác công - tư bảo tồn và phát huy di sản

Chị Trần Thanh Huyền từ một người nông dân trở thành lái đò, giờ lại được đào tạo để làm hướng dẫn viên tại Quần thể danh thắng Tràng An. Cuộc sống của chị đã thực sự đổi thay khi nơi chị sinh ra trở thành Di sản thế giới.

Tại Tràng An, du lịch có trách nhiệm được lựa chọn làm mô hình phát triển với sự tham gia của 3 trụ cột: nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân. Từ một địa phương bị ô nhiễm bởi khai thác xi măng, giờ Ninh Bình 3 năm liền lọt danh sách điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Sự tăng nhanh đột biến của lượng khách đến nhưng không gây tác động đáng kể đến môi trường. Sau 8 năm được vinh danh, đã có hơn 10 tuyến du lịch mới mở ra tại các khu vực lân cận nhằm giảm tải lượng khách theo khuyến nghị từ UNESCO.

Những cuộc khai quật khảo cổ quy mô lớn liên tiếp được tiến hành, bổ sung giá trị di sản. Từ câu chuyện văn hóa tiền sử điển hình trong khu vực đến hình hài của Kinh đô Hoa Lư xưa đang dần được phát lộ, kỳ vọng mở ra một bảo tàng ngoài trời cho du khách thăm quan, gia tăng giá trị văn hóa cho di sản thế giới Tràng An.

Mạnh dạn thay đổi tư duy đã biến di sản thành trái ngọt, mang lại lợi ích to lớn cho địa phương và cộng đồng cư dân. 7,5 triệu lượt khách đã đến Ninh Bình năm 2019, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 35 ngàn tỷ đồng. Ninh Bình phấn đấu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Một trong những khó khăn hiện hữu trong công tác bảo tồn di sản mà Việt Nam đang phải đối diện là cân bằng giữa lợi ích của người dân và công tác bảo tồn. Vì thế việc nghiên cứu các mô hình thành công của các quốc gia để rút ra kinh nghiệm cũng là điều mà chúng ta luôn hướng tới. Gần với chúng ta nhất là Trung Quốc, đây là đất nước đứng hàng đầu thế giới về số lượng di sản thế giới với 56 di sản thiên nhiên, di sản văn hóa và di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận. Ngoài việc đầu tư tôn tạo, chính quyền nước này cũng triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để vừa bảo tồn di tích, vừa hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Trung Quốc bảo tồn hiệu quả di sản thế giới

Trung Quốc từ lâu đã chú trọng đầu tư cho công tác bảo tồn di sản, di tích. Đồng thời, đề ra quy hoạch phù hợp với từng di sản. Nước này cũng từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan và tăng cường quản lý để đảm bảo quy hoạch được thực hiện nghiêm.

Nhờ vậy mà các kinh đô cổ như Bắc Kinh, Lạc Dương, Tây An vẫn giữ được gần như nguyên vẹn nhiều đền đài, di tích cổ. Nhiều Di sản văn hóa thế giới như Tử Cấm Thành được Trung Quốc bảo tồn gần như nguyên trạng. Xung quanh đó là các khu phố cổ, nhà ở của người dân được giữ gìn, tôn tạo như cách đây hàng trăm năm. Cảnh quan không bị phá vỡ do có quy định trong bán kính nhất định không được xây dựng kiến trúc cao tầng.

Tại Trung Quốc, hầu hết các danh thắng đều được khai thác du lịch. Một khi được công nhận di sản thế giới thì sẽ trở thành động lực cho du lịch, giúp phát triển bền vững kinh tế và xã hội địa phương. Việc bảo tồn các di sản mang lại nguồn thu rất lớn cho địa phương và cho chính người dân nên người dân cũng rất tích cực tham gia bảo tồn.

Trung Quốc chủ trương kết hợp bảo vệ di sản với phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh, mang lại lợi ích cho người dân thông qua nhượng quyền, chia sẻ lợi ích, và các hình thức khác tùy vào đặc điểm của địa phương.

Để đảm bảo giữ gìn di sản mà không làm xáo trộn cuộc sống người dân, nhiều địa phương đã chọn mô hình giữ nguyên vẹn khu di tích và cải tạo để người dân chung sống. Điển hình là các thị trấn cổ ở khắp các tỉnh thành. Những hộ dân nơi đây đến nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn cuộc sống thanh bình, cũng như những thú vui uống trà, đánh mạt chược giữa xã hội hiện đại hối hả, xô bồ.

Các cổ trấn mang đậm nét đặc trưng về lịch sử văn hóa truyền thống đã trở thành những điểm đến hàng đầu trong các tour du lịch. Còn các hộ dân tại cổ trấn thì được hưởng lợi từ việc được ưu tiên thuê chỗ buôn bán, hay bán hàng ngay tại nhà mình cho khách du lịch.

Những mô hình bảo tồn gắn với sinh kế của người dân như Vịnh Hạ Long, Tràng An Ninh Bình ở phía Bắc, Hội An ở Quảng Nam cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng các mô hình bảo tồn bền vững, nhưng với khối lượng di sản đồ sộ, sẽ còn nhiều việc hơn nữa chúng ta phải làm. Ứng xử với di sản chưa bao giờ là câu chuyện đơn giản bởi nó là thứ vô giá, tài sản của mọi thế hệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước