VTV.vn - Năm 2023, càng trong khó khăn, thách thức, càng cho thấy, đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược.

Năm 2023 là năm đất nước vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm trong hành động của cả hệ thống chính trị, chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng: Càng trong khó khăn, thách thức, càng cho thấy, đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược.

Năm 2023 là một năm mà vị thế Việt Nam tiếp tục được khẳng định, ngoại giao và đối ngoại Việt Nam đã đạt được những thành tựu mang ý nghĩa lịch sử.

Chưa khi nào mà chỉ trong 1 năm chúng ta lại được chứng kiến nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế lớn tới thăm Việt Nam và các chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam tới các nước lớn, đối tác chiến lược… nhiều đến như vậy. Tất cả đã vẽ lên một bức tranh rất đẹp, rất sinh động và có sức hấp dẫn cao trên mặt trận đối ngoại và tạo nên một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam lần này cùng Phu nhân - Giáo sư Bành Lệ Viên và trong thành phần Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc có nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân đồng chí Tập Cận Bình đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng như đối với cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 4.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)

Cũng trong năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam nâng cấp quan hệ với 2 Đối tác lớn lên Đối tác Chiến lược toàn diện là Hoa Kỳ và Nhật Bản. 

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 5.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi hai nhà lãnh đạo bước vào hội đàm tại Văn phòng Trung ương Đảng - Ảnh: TTXVN

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 6.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản.

Như vậy, hiện Việt Nam đã là Đối tác Chiến lược toàn diện của 3 trong 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. 6 Đối tác Chiến lược toàn diện của Việt Nam đến nay là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đây đều là các quốc gia có tiếng nói quan trọng trong cục diện thế giới.

Bên cạnh các điểm nhấn nổi bật trong tăng cường mạnh mẽ quan hệ với 2 siêu cường thì trong một năm đặc biệt sôi động của đối ngoại vừa qua, Vị thế vững vàng của Việt Nam cũng đã tiếp tục được khẳng định bằng việc củng cố quan hệ với bạn bè truyền thống, duy trì và phát triển mối quan hệ với tất cả các nước lớn và đối tác chủ chốt khác, thể hiện ngày càng rõ chính sách ngoại giao đa phương, linh hoạt, mềm dẻo nhưng cương quyết, bền bỉ và nhất quán.

Một dấu ấn đáng chú ý nữa là cuộc gặp cấp cao vào tháng 9 vừa qua giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào. Có chung nguồn gốc từ Đảng cộng sản Đông Dương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh truyền thống lịch sử đoàn kết gắn bó giữa Ba Đảng… là tài sản vô giá, nguồn sức mạnh to lớn, quan trọng nhất cần được vun đắp, gìn giữ.

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 7.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdech Techo Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tại Cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Campuchia - Lào. Ảnh: TTXVN

Trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng, để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam đã và đang chủ động đẩy mạnh tìm kiếm sự hợp tác, hỗ trợ để ứng phó hiệu quả các vấn đề toàn cầu, cũng như đi đầu trong các xu thế phát triển mới, tất yếu. Trong năm qua, đối ngoại và ngoại giao đã tiếp tục trở thành một động lực phát triển mạnh mẽ khi mở rộng không gian mới cho sự phát triển của đất nước.

Những dấu ấn đối ngoại năm qua tiếp tục là minh chứng rõ nét trường phái đối ngoại và ngoại giao Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam: "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", mềm mại nhưng rất kiên cường. Từ đó, giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự phát triển đất nước, vừa khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, chân thành, tin cậy và trách nhiệm.

Hướng đến sự phát triển bền vững, vị thế được nâng cao nhờ một phần rất quan trọng là nền tảng vững chắc của nỗ lực xây dựng thể chế… để triển khai nhất quán, hiệu quả các đường lối của Đảng và Nhà nước.

Trong cuốn sách "Tại sao các quốc gia thất bại?", tác giả Daron và James Robinson đi tìm câu trả lời cho câu một hỏi đơn giản nhưng đã làm cho nhiều học giả đau đầu trong nhiều thế kỷ qua: Đó là: Vì sao một số quốc gia giàu và nhiều quốc gia nghèo? Câu trả lời mà cuốn sách đưa ra đó là thể chế.

Một quốc gia thành công hay thất bại đều do thể chế. Chính vì vậy, hoàn thiện thể chế là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã khẳng định: Hoàn thiện đồng bộ thể chế là khâu đột phá chiến lược.

Nói đến thành công của công tác hoàn thiện thể chế cũng chính là thành công của công tác lập pháp. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 6 vừa bế mạc cuối tháng 11, Quốc hội đã xác lập kỷ lục về số lượng các dự thảo Luật, Nghị quyết được xem xét và thông qua. Trong đó, đã biểu quyết thông qua 7 luật, 9 nghị quyết; thảo luận cho ý kiến 8 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 9.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã xác lập kỷ lục về số lượng các dự thảo Luật, Nghị quyết được xem xét và thông qua.

Không chỉ số lượng, chất lượng lập pháp cũng được đặc biệt coi trọng. Đơn cử như việc Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Mặc dù đây chính là dự luật được chờ đợi nhiều nhất. Song, không vì thành tích làm Luật mà thông qua khi vẫn còn những yêu cầu chưa được đảm bảo. Điều đó cũng cho thấy tính chất khó, phức tạp của Luật, đồng thời cũng cho thấy sự thận trọng, trách nhiệm của Quốc hội trong xem xét xây dựng dự án luật đặc biệt quan trọng này.

70% số vụ khiếu kiện xuất phát từ đất đai. Đây cũng chính là nguồn cơn của nhiều vấn đề xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: "Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất...". Điều này cho thấy, đất đai là vấn đề quá lớn, quá phức tạp và nhạy cảm. Bởi vậy, việc thể chế hóa những quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 18 của Trung ương có ý nghĩa hết sức cần thiết.

Sự kỹ lưỡng, thận trọng trong Ban hành Luật khẳng định trách nhiệm lớn lao của cơ quan quyền lực cao nhất trước vấn đề hệ trọng mà Đảng và mọi người dân mong chờ, kỳ vọng.

2023 cũng là năm Trung ương Đảng tiếp tục kiên trì và đẩy mạnh công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…. tạo thêm niềm tin của nhân dân với chế độ.

Công tác phòng chống tham nhũng có thêm nhiều chủ trương, cách làm mới, quyết liệt và hiệu quả hơn, tạo được sự lãnh đạo tập trung, thống nhất. Trong năm, đã khởi tố mới hơn 730 vụ án với hơn 2.100 bị can phạm tội về tham nhũng. Đại án Vạn Thịnh Phát được cho là vụ án có những sai phạm nghiêm trọng nhất về kinh tế trong lịch sử tố tụng của Việt Nam.

Đây là vụ án có số tiền sai phạm lớn nhất: 1.066.000 tỉ đồng. Số tiền tham ô nhiều nhất: 304.000 tỉ đồng. Số bị hại lớn nhất: 42.000 người

Vạn Thịnh Phát cũng là vụ án khiến dư luận sửng sốt về số tiền nhận hối lộ cao nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam với 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỉ đồng cho 1 cá nhân.

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 12.

Đại án Vạn Thịnh Phát là vụ án có những sai phạm nghiêm trọng nhất về kinh tế trong lịch sử tố tụng của Việt Nam.

Những sai phạm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xảy ra từ năm 2012. Nhưng đến 2023, Kết luận Điều tra và Cáo trạng truy tố mới được ban hành cho thấy, tính chất đặc biệt phức tạp, nghiêm trọng của vụ việc. Đồng thời cũng cho thấy sự kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, với tinh thần: Không khoan nhượng, không lùi bước, khó mấy cũng làm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu thực hiện "4 hơn" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là: Làm tích cực hơn nữa, Mạnh mẽ hơn nữa, Quyết liệt hơn nữa và Hiệu quả hơn nữa.

Chính quyết tâm ấy của người đứng đầu Đảng ta cùng với cách làm bài bản, khoa học, đồng bộ, quyết liệt, đã giúp cho công tác này chưa bao giờ có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây, để lại những dấu ấn nổi bật, toàn diện và có bước đột phá mới ở cả Trung ương và địa phương.


Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 15.

Những đứa trẻ ở dải Gaza đang không hiểu chuyện gì đang xảy ra và ngay cả chúng ta cũng bất ngờ trước xung đột đẫm máu giữa Israel và Hamas. Chỉ trong chưa đầy 3 tháng, cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người, trong đó, có hàng nghìn trẻ em. Tính trung bình cứ 10 phút lại có 1 trẻ em thiệt mạng - Một thế giới nóng là những gì chúng ta nhớ về năm 2023.

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 16.

Nếu nhìn vào bức hình minh họa này, thế giới đang ở giai đoạn "nóng", chực chờ bùng nổ.

Và nếu nói theo 1 số nhà nghiên cứu thì năm 2023 được nhận định là năm mà các cuộc khủng hoảng bùng nổ, 1 năm quyết định cho trật tự thế giới kể từ năm 1945. Một thống kê mới công bố, năm 2023 có tới 183 cuộc xung đột, cao nhất 30 năm qua.

Xung đột Israel - Hamas được châm ngòi bởi 1 cuộc tấn công bất ngờ từ lực lượng Hamas, rồi các đòn đáp trả của Israel, nhanh chóng bùng phát thành xung đột vũ trang diện rộng, đẩy Gaza vào một thảm họa nhân đạo. Đã có những khoảng lặng ngừng bắn. Nhưng xung đột lại tái diễn. Cuộc chiến ở Gaza đã trở thành "cơn ác mộng mới nhất" trong 1 thế giới ngày càng bị chia cắt.

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 17.

Trong khi đó, xung đột Nga - Ukraine vẫn dai dẳng. Phương Tây gia tăng hỗ trợ quân sự, Nga tìm cách mở rộng ảnh hưởng, tăng cường quan hệ với các nước mà Nga gọi là "quốc gia thân thiện", đối đầu Nga - Phương Tây không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các cuộc xung đột đã làm cho thế giới trở nên nóng hơn, đẩy nhiều nước tăng chi tiêu quốc phòng kỷ lục.

Theo Viện Nghiên cứu Bonn của Đức, 5 quốc gia có chỉ số quân sự hóa cao nhất 2023 là: Ukraine, Israel, Armenia, Qatar, Bahrain.

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 18.

Nhiều điểm nóng chưa hạ nhiệt, thậm chí có nguy cơ bùng phát nguy hiểm hơn, cạnh tranh nước lớn vẫn phức tạp, tiềm ẩn nhiều thách thức.

Sự bế tắc tại các điểm nóng như Gaza là minh chứng cho thấy thế giới vẫn đang thiếu vắng một cơ chế hợp tác đủ mạnh để ngăn chặn và giải quyết xung đột.

Các xung đột địa chính trị, các điểm nóng quốc tế đang làm trầm trọng thêm sự chia rẽ và quá trình lôi kéo, tập hợp lực lượng ngày càng rõ nét. Những vận động địa chính trị này cũng được nhận định là dấu hiệu của một giai đoạn thế giới chuyển sang một trật tự mới.

Những cơ chế đa phương hiện nay đang bị chi phối bởi cạnh tranh nước lớn, dẫn đến sự thiếu đồng thuận trong ứng phó các thách thức toàn cầu. Thế giới đang ở ngã tư của trật tự toàn cầu, đòi hỏi các cách tiếp cận bao trùm hơn, toàn diện hơn và hợp tác chặt chẽ hơn.

Các cuộc xung đột đã phả sức nóng vào kinh tế thế giới. Năm 2023 lạm phát đã trở thành bóng ma ám ảnh các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu như Mỹ hay châu Âu. Có những thời điểm, cả thế giới chỉ tập trung chú ý vào động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay động thái điều chỉnh sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC +).

Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh đã liên tục tăng và duy trì lãi suất cao kỷ lục để kiềm chế lạm phát.

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 21.

Điểm tích cực là trong những tháng cuối năm, lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, làm dấy lên kỳ vọng rằng cuộc đua tăng lãi suất đã đi đến hồi kết.

Dù vậy, lạm phát được dự báo còn diễn biến phức tạp và chỉ có thể giảm về 2% sớm nhất là vào năm 2025. Điều đó đồng nghĩa với một chặng đường tiếp tục khó khăn phía trước.

2023 cũng có thể coi là một năm khó khăn với kinh tế châu Âu khi một số nền kinh tế thành viên đối mặt nguy cơ suy thoái, nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu giảm mạnh người dân phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, buộc phải thắt chặt chi tiêu.

Đã có những tia sáng phía cuối con đường, châu Á đang nổi lên với mức tăng trưởng được dự báo 4,9%, cao hơn gấp rưỡi mức trung bình toàn cầu, chủ yếu nhờ sự phục hồi của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trong bối cảnh môi trường toàn cầu đầy thách thức, tình hình thế giới còn nhiều bất định, các nước sẽ phải tiếp tục phải tìm đường vượt gió ngược, nỗ lực phục hồi, duy trì đà tăng trưởng.

Không chỉ nóng bởi chiến tranh, xung đột, kinh tế, 2023 còn là một năm với những kỷ lục về khí hậu bị xô đổ. Nhiều khu vực hứng chịu các hình thái thời tiết cực đoan, nhiệt độ tăng cao chưa từng thấy ở nhiều quốc gia.

Hành tinh, ngôi nhà chung của cả nhân loại đang chạm tới những những điểm nóng giới hạn về khí hậu.

Sự tăng nhiệt độ toàn cầu đã làm tan chảy các núi băng ở Bắc Cực và Nam Cực, nước biển dâng cao.

Khi mực nước biển dâng lên 1m, diện tích đất bị mất của Việt Nam sẽ lên tới 40 nghìn km2, chiếm khoảng 12% tổng diện tích đất hiện có, khiến khoảng 17 triệu người mất nơi sinh sống. Hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của con người nên việc tìm những giải pháp cho môi trường là điều tất yếu.

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 23.

Khi mực nước biển dâng lên 1m có thể khiến khoảng 17 triệu người Việt Nam mất nơi sinh sống.

Cùng với kinh tế số, thì chuyển đổi xanh tại Việt Nam đang song hành phát triển. Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (còn gọi là COP28), Việt Nam đã cam kết đến năm 2025 một số phương tiện giao thông chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng xanh. Đến 2030 giảm 30% khí metan, đẩy lùi tình trạng mất rừng. 2040 bắt đầu đóng cửa tuần tự các nhà máy điện than. Để đích đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0.

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 của Việt Nam đã được Chính phủ ban hành. Theo đó, đến năm 2030, để đảm bảo tổng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm 43,5% thì từng lĩnh vực cụ thể phải cắt giảm lượng phát thải.

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 24.

Các cơ sở có phát thải khí nhà kính từ 2000 tấn CO2 trở lên phải thực hiện giảm phát thải nhà kính.

Giảm thải là chưa đủ bởi giảm tức là vẫn phát thải, nên chỉ là tốc độ ô nhiễm chậm đi. Để đạt được đích đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thì song song với chuỗi giảm thải, cần có chuỗi hấp thụ khí thải để đưa lượng khí nhà kính về mức bằng 0.

Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này cho đến năm 2025.

Chuyển đổi số được hiểu là một cấp độ cao hơn nhiều của tin học hóa. Tức không đơn thuần là chuyển từ làm việc thủ công sang làm trên máy tính, điện thoại, mà là thay đổi cả quy trình lẫn mô hình hoạt động, dẫn đến thay đổi cả một tổ chức.

Có thể nói, trong quá trình chọn lọc tự nhiên của thị trường hiện nay, chỉ những doanh nghiệp mang ADN chuyển đổi số trong trong bộ gen của mình thì mới có thể tồn tại và phát triển hiệu quả.

Không thể phủ nhận, sau thời gian dài phát triển, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh, quá nóng của các nền tảng mạng xã hội cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho các nhà quản lý.

Nói về mạng xã hội năm qua, một hình ảnh dễ hình dung nhất, chính là mạng nhện với những sợi tơ dọc ngang đan xen, tạo thành những chiếc bẫy mà bất cứ người dùng nào nếu không cẩn thận cũng có thể trở thành con mồi. Từ các thông tin xấu độc, xuyên tạc, chống phá Đảng, nhà nước, tin giả, đến nạn bạo lực mạng, vi phạm quyền riêng tư, lừa đảo trực tuyến, clip phản văn hoá.

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 27.

Những nội dung xấu độc tràn lan trên mạng dẫn đến sự rối, nhiễu thông tin, gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, đặc biệt là trẻ vị thành niên, đang trong quá trình thành nhân cách.

Có thể thấy những đường link xuất hiện với số lượng ngày càng nhiều trong đời sống hàng ngày. Và khi nhiều quá thì thường đi kèm với rối, nên rõ ràng là cần một bàn tay quản lý để hướng dẫn người dùng chọn đường link đúng, cũng như một bức tường lửa ngăn ngừa những đường link xấu độc.

Những nội dung xấu độc tràn lan trên mạng.

Sức ép với người làm nội dung số càng ngày càng tăng. Cũng giống như con đường, khi ít xe cộ qua lại, tốc độ chậm thì giao thông dễ dàng, cũng chưa cần quá nhiều quy định. Nhưng khi lượng xe cộ nhiều lên thì cần bổ sung các quy định, tăng người kiểm soát ở các chốt giao thông, đổi mới công nghệ để giám sát tốt hơn, hiệu quả hơn.

Có thể thấy mạng xã hội mở ra không gian mới mẻ, hứa hẹn nhiều những tiềm năng, nhưng cũng ngổn ngang các vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là khi các luật lệ, chế tài vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ.

Phải khẳng định, các cơ quan quản lý rất quyết tâm và nỗ lực bằng nhiều giải pháp đồng bộ, được ví như kiềng 3 chân: Pháp lý, Kỹ thuật và Truyền thông, để gỡ "rối", dần tạo dựng môi trường mạng lành mạnh, văn hoá, văn minh.

Nhưng khi mạng xã hội được ví như đời sống thứ hai của mỗi người trong thế giới số, thì thách thức và trách nhiệm không chỉ dồn lên cơ quan quản lý.

Chúng ta muốn được sống trong môi trường số trong lành, thì chính chúng ta - người dùng mạng cần có ý thức không xả rác, chung tay dọn dẹp rác và vun xới cho những mầm xanh tươi tốt.

Tỉnh táo trước mỗi thông tin, cẩn trọng trước mỗi phát ngôn, bình luận hay chia sẻ, khi ấy virus độc hại không còn đất sống. Rối dần sẽ được gỡ.

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 31.

2023 là một năm đột phá của Trí tuệ nhân tạo (AI) khi liên tục chứng kiến những bước nhảy vọt. Trí tuệ nhân tạo ghi dấu ấn trong tất cả các lĩnh vực: nghệ thuật, giáo dục, y tế, sản xuất... AI có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người, ví dụ khả năng tự học tập, suy nghĩ và phục vụ con người".

Đây được coi là sự tiến bộ tất yếu, mang lại cho con người sự thay đổi rất lớn, lớn hơn bất cứ thành tựu công nghệ nào mà thế giới từng chứng kiến.

Trí tuệ nhân tạo đã vượt ra khỏi các phòng nghiên cứu, len lỏi vào đời sống và không chỉ là những máy móc đơn thuần, mà đã đem tới những sản phẩm sáng tạo. Và như tỷ phú công nghệ Elon Musk mô tả thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, có một thứ gì đó sẽ thông minh hơn chúng ta rất nhiều.

Gần 77% thiết bị ngày nay sử dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo ở dạng này hay dạng khác.

Dự báo sẽ có 8,4 tỷ trợ lý giọng nói kỹ thuật số được hỗ trợ bởi Trí tuệ nhân tạo  trên thế giới vào năm tới, lớn hơn dân số toàn cầu.

Thế nhưng cũng giống như câu chuyện của chuyển đổi số, của mạng xã hội, con người luôn đứng giữa một bên là tham vọng không ngừng về những bước tiến nhảy vọt về khoa học công nghệ và một bên là nỗi lo khi công nghệ có thể thông minh hơn, chi phối hơn và thậm chí có thể vượt khỏi khả năng kiểm soát của con người.

Dấu ấn 2023: Đất nước vững vàng trong những cơn gió ngược - Ảnh 32.

Hiệu ứng hình ảnh được thực hiện bằng ứng dụng AI.

Cách tiếp cận như thế nào để quản trị Trí tuệ nhân tạo, để Trí tuệ nhân tạo thực sự là bạn chứ không phải là thù là câu hỏi đặt ra với cả thế giới.

Mới nhất, ngay trong tháng 12, Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận về quy định quản lý AI toàn diện đầu tiên trên thế giới, trong đó yêu cầu minh bạch đối với các mô hình AI nói chung và yêu cầu khắt khe hơn với các mô hình mạnh; cấm nhận diện khuôn mặt theo thời gian thực.

Liên Hợp Quốc thành lập Ban cố vấn phụ trách các khuyến nghị về trí tuệ nhân tạo. Các viện an toàn trí tuệ nhân tạo đầu tiên của Mỹ, Anh cũng được thành lập.

Làn sóng Trí tuệ nhân tạo đang ập đến mọi quốc gia, mọi khu vực trên thế giới với tốc độ, cường độ, sức mạnh khác nhau. Theo các đánh giá xếp hạng về Trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đang thứ 13 châu Á và thứ 47 trên thế giới,  đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo về Trí tuệ nhân tạo, sở hữu những thương hiệu AI mang tầm khu vực.

Trí tuệ nhân tạo, hay khoa học công nghệ, tự thân nó, không có tốt hay xấu. Tất cả sẽ phụ thuộc vào cách con người sử dụng chúng, để công nghệ thực sự là trợ thủ đắc lực cho con người chinh phục những tham vọng tốt đẹp. Mọi công nghệ, dù có phát triển đến đâu thì có một điều không thể thay thế con người, đó chính là cảm xúc; là tinh thần đoàn kết, đùm bọc, cùng nhau vượt qua những khó khăn để vững bước chinh phục những bước tiến mới ở phía trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước